+Aa-
    Zalo

    Thủ thuật quái đản “móc túi” ở “thánh địa” phòng khám tư

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, tại nhiều phòng khám tư nhân hiện nay đang áp dụng nhiều chiêu "quái đản" để "móc túi" người bệnh và để câu khách...

    (ĐSPL) - Với tâm lý muốn đi khám bệnh vừa tiện lại không phải chờ đợi lâu, nhiều người có điều kiện kinh tế "thích" khám tư hơn là những bệnh viện của Nhà nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều phòng khám tư nhân hiện nay đang áp dụng nhiều chiêu "quái đản" để "móc túi" người bệnh và để câu khách...

    Phát cơm trưa... khuyến mãi bệnh nhân

    Trong vai một người đến tìm hiểu thông tin cho người nhà chuẩn bị đi khám bệnh tiểu đường, tôi có mặt tại một phòng khám tư nhân trên đường Giải Phóng, Hà Nội. Nhiều người cho biết, đường Giải Phóng hiện nay được mệnh danh là phố chữa bệnh tư nhân với các phòng mạch tư mọc lên san sát nhau. Chị Lê Hà (ngõ 713, Giải Phóng, Hà Nội) cho hay: "Vì gần bệnh viện Bạch Mai, Việt - Pháp và nhiều bệnh viện "vệ tinh" như Tai - Mũi - Họng, viện Da liễu Trung ương... nên khu vực này là "thánh địa" của các phòng khám tư  nhân. Với tâm lý là gần các bệnh viện lớn, kiểu gì các phòng khám này cũng uy tín, chất lượng hơn nên nhiều người hiện nay "thích" khám ở ngoài cho tiện...

    Thủ thuật quái đản “móc túi” ở “thánh địa” phòng khám tư
    Bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh ở một phòng khám tư nhân. Ảnh minh họa.
    9h sáng, tôi có mặt tại phòng khám B.K., vừa dừng xe, đã có hai người bảo vệ chạy ra dắt xe, đưa lên vỉa hè với cái nháy mắt: "Em cứ để xe đấy, phố này, phòng khám nhà anh được đánh giá là có dịch vụ tốt nhất. Thậm chí, nếu muốn khám chữa bệnh tại nhà, chỉ cần đăng ký trước là ok luôn...". Phòng khám là một ngôi nhà 4 tầng nằm ngay trên mặt phố sầm uất. Tầng 1 là lễ tân và hàng ghế ngồi chờ đến lượt mình. Trên các tầng là nhiều phòng khám thuộc các chuyên khoa khác nhau như: Tai mũi họng, sản, xương khớp, tim mạch... Lúc tôi vào thì đã có 4, 5 người chờ tới lượt vào khám. Cũng như nhiều phòng khám tư nhân khác, phòng B.K. có cơ sở vật chất khá tiện nghi với phòng khám máy lạnh, ghế ngồi bọc đệm, trên các tầng còn phủ sóng cả wifi, mỗi tầng một password riêng để phục vụ khách hàng. Đây cũng là một "chiêu" rất riêng mà nhiều phòng khám "chiều" khách, bởi không muốn khách hàng chờ đợi sốt ruột, phủ sóng wifi để bệnh nhân và người nhà "giết thời gian" bằng cách... lướt mạng trên điện thoại.
    Bác Lê Thoa (đường Lê Duẩn, Hà Nội) cho biết: "Để tiết kiệm thời gian nên tôi vào đây để khám bệnh xương khớp. So với các bệnh viện công, thì ở đây không phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, giá ở đây thường cao gấp đôi ở bệnh viện nhà nước...". Ngồi trò chuyện ở phòng khám này, chúng tôi được biết, nhiều phòng khám hiện nay cũng rất "chiều" khách ở phương xa, nếu có bệnh nhân khám và điều trị dài ngày, họ sẽ phục vụ cả... cơm trưa cho bệnh nhân và người nhà. Không những thế, nhiều nhân viên của phòng khám còn giới thiệu nhà trọ, nhà nghỉ cho bệnh nhân nếu có nhu cầu. Tại phòng khám B.K., tôi gặp anh Lê Nam (Khoái Châu, Hưng Yên) đưa vợ đi khám ổ bụng, anh cho hay: "Phòng khám này còn có cả "khuyến mại" nữa. Đó là lần sau đến khám mà mang sổ khám chữa bệnh hay phiếu khám của lần trước sẽ được trừ 50\% tiền khám, chữa bệnh. Vì phải điều trị ổ bụng, nên chúng tôi ở đây đã hai ngày, trưa nào cũng được ăn cơm do phòng khám phát. Nói chung, đây cũng là chiêu "hút" khách hàng thôi, chứ chúng tôi biết, một suất cơm chỉ là số tiền quá nhỏ so với tiền chữa bệnh đã nộp”.
    Xe ôm kiêm “cò” khám bệnh
    Không chỉ chiều khách hàng đến tận "chân răng" mà nhiều phòng khám hiện nay còn có một lực lượng "cò" khá dày đặc. Ở xung quanh nhiều bệnh viện lớn như Việt - Đức, Xanh - Pôn, Bạch Mai có nhiều hệ thống "cò" khám bệnh, nếu đồng ý để "cò" dẫn đi, phải trả từ 20 -  50.000 đồng tùy bệnh khám... Có mặt tại cổng sau bệnh viện Bạch Mai, phố Phương Mai, Hà Nội, tôi được bà bán nước tên Lan "rỉ tai": "Cháu muốn khám nhanh hay chữa bệnh gì thì cũng bảo cô. Chồng cô làm xe ôm, nhưng cũng là "môi giới" dẫn khách cho một phòng khám tư nhân đường Giải Phóng. Yên tâm đi, giá cả ở đấy phải chăng lắm, có nhiều bác sỹ tay nghề cao trong bệnh viện Bạch Mai cũng làm thêm ngoài ở đấy nên không lo về chất lượng...".
    Theo bà Lan, mỗi ngày, vợ chồng bà Lan giới thiệu được từ 3 - 5 khách vào phòng khám quen, bệnh nhân trả cho vợ chồng bà từ 20 - 50.000 đồng, phòng khám trả cho 100.000 đồng. Bà cho hay: "Vợ chồng tôi cứ túc tắc giới thiệu phòng khám tư nhân cho mọi người như thế này thì sống tạm được. Âu cũng là... làm phúc thôi cô ạ!?".
    Theo chỉ dẫn của nhiều người, tôi có mặt tại một phòng khám trên phố Cẩm Hội, Hà Nội. Đây là một phòng khám về sức khỏe sinh sản cho cả nam và nữ. Trên nhiều diễn đàn mạng internet như web tretho hay sotaychame, rất nhiều người cảnh báo về chiêu "móc tiền" của phòng khám này. Đó là khi bệnh nhân vào, sau khi thăm khám đầy đủ, thường bị các bác sỹ ở đây "hét bệnh, hét giá". Chị Lê (dốc Thọ Lão, Lò Đúc, Hà Nội) cho biết: "Em trai tôi đã từng đi khám ở đây, tốn rất nhiều tiền nhưng kết quả không như mong muốn. Bác sỹ ở đây cho biết, em tôi bị bệnh Lậu và phải điều trị khoảng 7 ngày, mỗi ngày mất 2 triệu đồng, với tổng chi phí lên đến... 14 triệu đồng/đợt. Sợ quá, cậu em tôi bỏ về nhà mà không làm các xét nghiệm nữa. Ngày hôm sau, em đến bệnh viện Da liễu Hà Nội khám tự nguyện, làm các xét nghiệm xong, bác sỹ kết luận, em tôi chỉ bị viêm nhẹ, uống thuốc theo đơn bao gồm kháng sinh đơn giản và thuốc bổ, tổng chi phí hết thêm 250.000 đồng tiền mua thuốc uống nữa là khỏi...".
    Chỉ đóng cửa khi có bệnh nhân chết?
    Chị Trần Hải Anh (làm việc ở ngành bảo hiểm) than vãn: "Tại một phòng khám tư nhân về sinh sản trên phố Cẩm Hội, Hà Nội, tôi được kê một phác đồ điều trị cho bệnh viêm nhiễm tử cung là phải sục rửa ôzôn với 100.000 đồng, tiền thuốc và công truyền: 600.000 đồng, điều trị nano là 1.200.000 đồng, thuốc và công đặt thuốc: 200.000 đồng. Tổng số tiền điều trị là 2,1 triệu đồng/ngày. Em mang đơn thuốc đó ra ngoài hiệu thuốc và hỏi mua thuốc thì tổng tiền thuốc hết 200.000 đồng, tiền công truyền hết 50.000 đồng ở ngay phòng khám gần nhà. Với tổng chi phí hết 250.000 đồng/ngày. Nói chung là những phòng khám tư nhân hiện nay không "được lòng" nhiều người nữa chị ạ...".
    Rời một số phòng khám tư nhân trên phố Lò Đúc, Cẩm Hội, tôi tìm đến phòng khám Năm Châu, ở Giải Phóng, Hà Nội. Nơi đây cũng "nổi tiếng" với cách "chặt chém, moi tiền" của người bệnh nhưng phòng khám đã đóng cửa. Anh Long, nhà ở ngõ 709 cho biết: "Cách đây hai tuần, có một ông lão 69 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương, đã đến phòng khám này phẫu thuật cắt trĩ. Sau khi phẫu thuật xong bệnh nhân có biểu hiện xấu, rơi vào trạng thái hôn mê, chân tay tím tái, tim đập yếu. Trước biểu hiện trên, bác sỹ của phòng khám đã tiến hành cấp cứu nhưng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng xấu đi. Đến khoảng 18h cùng ngày, phòng khám này đã đưa bệnh nhân vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ khoa Cấp cứu chẩn đoán nạn nhân tử vong trước khi vào viện. Sau đó, công an vào cuộc và điều tra nên phòng khám này đã đóng cửa đến nay. Theo tôi, thì mọi người nên vào các cơ sở y tế của Nhà nước để khám và điều trị thì tốt hơn, tuy phải chờ đợi một chút nhưng đảm bảo an toàn và giá cả phải chăng...".                  
    "Bắt bài" các phòng khám tư nhân
    Chị Lê cho hay, nhiều phòng khám tư nhân hiện nay đều có chung một công thức nên khách hàng, bệnh nhân phải cảnh giác để tránh bị "tiền mất tật mạng". Ngoài quảng cáo, nhiều phòng khám tư thường có trang web và giở chiêu bận rộn, yêu cầu bệnh nhân đặt số trước để được xếp giờ, đỡ phải chờ đợi và có chút miễn giảm giá một số dịch vụ. Đặc biệt, có phòng khám tư còn có hẳn một đội ngũ chuyên làm nhiệm vụ "chat" online tư vấn với bệnh nhân, mục đích là lôi kéo, dụ dỗ để bệnh nhân cho số điện thoại, tên tuổi, quê quán... đặt và hẹn lịch khám bệnh. Vì thế, việc người đến khám tự nhiên phát sinh thêm bệnh, thêm nhiều xét nghiệm không liên quan đến bệnh là chuyện bình thường. Chiêu tiếp theo, bác sỹ phòng khám chỉ nói một bệnh, thu tiền xong, nói tiếp bệnh khác… làm ra vẻ bí ẩn lắm để "moi tiền" bệnh nhân và níu bệnh nhân điều trị tại phòng khám càng lâu thì càng thu được nhiều tiền.
    Lạc Thành
    Xem thêm Clip "Thâm nhập đường đây buôn bán bằng, chứng chỉ giả ở Hà Nội:
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-thuat-quai-dan-moc-tui-o-thanh-dia-phong-kham-tu-a23598.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Phải cưa bỏ chân trái vì điều trị tại phòng khám tư

    Phải cưa bỏ chân trái vì điều trị tại phòng khám tư

    Sau khi điều trị tại Phòng khám đa khoa Việt An, em Nguyễn Thế Đức được các bác sĩ chẩn đoán bị "rạn vỡ kín mâm chày trái", nhưng sau ít ngày điều trị, chân trái của em đã bị hoại tử và buộc phải cưa bỏ để tránh nhiễm khuẩn.