+Aa-
    Zalo

    Thủ tục xét và bổ nhiệm Giáo sư, Phó giáo sư sẽ được rút ngắn?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo dự thảo mới thì việc xét tiêu chuẩn chỉ còn chia làm 2 cấp: Tại cơ sở GD ĐH và tại Hội đồng Giáo sư nhà nước.

    Theo dự thảo mới về "Thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS", việc xét tiêu chuẩn chỉ còn chia làm 2 cấp: Tại cơ sở GD ĐH và tại Hội đồng Giáo sư nhà nước.

    Trước đây việc xét duyệt này cần phải được thông qua 3 cấp hội đồng đồng: Tại cơ sở GD ĐH, Hội đồng giáo sư ngành và liên ngành, cuối cùng là Hội đồng Giáo sư nhà nước.

    Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016.

    Nhưng giờ đây Hội đồng giáo sư ngành và liên ngành sẽ được "tích hợp", trở thành cơ quan giúp việc cho Hội đồng giáo sư nhà nước, nhờ thế mà thủ tục xét xuyệt được rút ngắn hơn.

    Đối với Hội đồng giáo sư nhà nước, dự thảo quy định: Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng giáo sư nhà nước, thành lập và bổ nhiệm thành viên của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành là những nhà khoa học có chuyên môn, uy tín, xứng đáng là đại diện của các ngành, liên ngành khoa học.

    Hàng năm, chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước có thể điều chỉnh, bổ sung thành viên của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành cho phù hợp với sự phát triển của các ngành khoa học.

    Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành có trách nhiệm xét, thẩm định, đánh giá trình độ khoa học cũng như ngoại ngữ của các ứng viên do Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị.

    Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho ứng viên sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ, dựa trên đánh giá khoa học từ Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành.

    Như vậy, Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành không còn là một cấp độc lập mà là bộ phận chuyên môn, giúp việc của Hội đồng giáo sư nhà nước.

    Một điểm mới trong nguyên tắc hoạt động của các hội đồng giáo sư là thảo luận công khai, dân chủ, biểu quyết hoặc bỏ phiếu công khai (phiếu có chữ ký, ghi rõ họ tên của người bỏ phiếu) tại các phiên họp để quyết nghị những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của hội đồng.

    Ngoài ra, cơ cấu của Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng giáo sư nhà nước cũng được quy định rõ trong dự thảo mới. Trong đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước còn Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

    Nhiệm kỳ của Hội đồng giáo sư nhà nước là 5 năm. Thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước tham gia không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

    Một trong điểm mới của dự thảo đang được lấy ý kiến lần này là quy định cho phép các ứng viên GS thay thế tiêu chuẩn viết sách bằng bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (thuộc danh mục ISI và Scopus).

    Cụ thể tại khoản 5, Điều 7 quy định về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, dự thảo mới bổ sung quy định: "Ứng viên không có sách phục vụ đào tạo thì được bù bằng điểm công trình khoa học quy đổi của các bài báo khoa học do ứng viên là tác giả chính tương ứng với điểm của các cuốn sách được thay thế".

    Các ứng viên GS, PGS không bắt buộc phải viết sách khi nộp sơ xét duyệt.

    Các bài báo khoa học dùng để thay thế cho sách phụ vụ đào tạo là các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín sau khi có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (đối với ứng viên đăng ký xét chức danh GS) hoặc sau khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ (đối với ứng viên đăng ký xét chức danh PGS).

    Ngoài ra, dự thảo mới cũng quy định, ngoài việc ứng viên phải thành thạo một ngoại ngữ bất kỳ thì phải giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh.

    Các quy định khác về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được giữ nguyên như dự thảo lần thứ nhất công bố hồi đầu năm 2017.

    Bên cạnh đó, dự thảo mới cũng điều chỉnh một số quy định để phù hợp với các ứng viên ở một số ngành đặc thù.

    Cụ thể thể dự thảo quy định quy đổi điểm công trình khoa học đối với các tác phẩm nghệ thuật, thành tích thi đấu thể thao đạt giải thưởng quốc gia tối đa 1,5 điểm, đạt giải quốc tế tối đa 2,0 điểm.

    Được biết, hiện dự thảo mới quy định về "Thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS" này đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan để có thể đưa vào áp dụng chính thức.

    Minh Minh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuc-xet-va-bo-nhiem-giao-su-pho-giao-su-se-duoc-rut-ngan-a210595.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan