+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng: Làm rõ vì sao tiền gửi ngân hàng tăng, doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn?

    (ĐS&PL) - Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu làm rõ nguyên nhân vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn mặc dù lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng rất lớn.

    Báo Điện tử VTV đưa tin, sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

    thu tuong lam ro vi sao tien gui ngan hang tang doanh nghiep van keu thieu von 1
    Thủ tướng chủ trì hội nghị về thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: VGP

    Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, đất nước ta đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; đồng tiền cơ bản ổn định, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong kiểm soát.

    Ngân sách tiết kiệm được 560 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7/2024 và dự kiến tăng mức lương tối thiểu khu vực ngoài nhà nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện; phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt những thành tựu có tính lịch sử. Đầu năm 2024, các tín hiệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.

    Thủ tướng nhấn mạnh, những thành quả này có được là nhờ nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp, ngân hàng đã có những đóng góp rất quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.

    Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2024 được đánh giá còn rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, dù kinh tế Việt Nam có khởi sắc, tiến bộ, phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức có thể đến bất lúc nào.

    Do đó, chúng ta không được chủ quan, cần tiếp tục phát huy các thành quả, phát hiện các khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ. Thủ tướng nêu rõ, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của đất nước ta là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp, là chủ thể làm nên lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

    Tìm cách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn

    Theo báo Tuổi trẻ, Thủ tướng cũng nêu một số câu hỏi cần suy nghĩ: Lượng tiền gửi còn lớn, lãi suất cho vay còn cao, vì sao? Có vấn đề gì vướng mắc ở đây? Bởi theo ông, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, mạch máu này tắc thì nền kinh tế không khỏe được.

    Ngoài ra, Thủ tướng nói chúng ta cần suy nghĩ đến lãi suất, tỷ giá, khi nào đưa tiền ra để phục vụ tăng trưởng, khi nào đưa tiền về để kiểm soát lạm phát... Yêu cầu này đặt ra việc phải điều hành chủ động, linh hoạt.

    Đồng thời cần lưu ý, phân tích vì sao nợ xấu có xu hướng tăng, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, trong bối cảnh nền kinh tế có quy mô nhỏ, việc xử lý phải bảo đảm an toàn hệ thống.

    Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu thảo luận tìm các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ. Đặc biệt là lãi suất, tỉ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6 - 6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế?

    Trả lời được câu hỏi vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm?

    Người đứng đầu Chính phủ cũng đặt câu hỏi, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?

    Theo đó, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ...?

    Ông cũng yêu cầu làm rõ vai trò của các ngân hàng thương mại cần để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như Ngân hàng Nhà nước đã giao. Làm thế nào tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

    Đồng thời, thảo luận các giải pháp nâng cao vai trò của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp?

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-lam-ro-vi-sao-tien-gui-ngan-hang-tang-doanh-nghiep-van-keu-thieu-von-a614351.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan