+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần tránh tình trạng chia quá nhỏ gói thầu thi công cao tốc

    ĐS&PL Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung, cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.

    Báo Tiền Phong đưa tin, tối ngày 28/1, tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn từ tỉnh Ninh Bình đến tỉnh Quảng Trị.

    Cụ thể, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị có tổng chiều dài 480,5 km, qua địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

    Dự án này được chia thành 10 dự án thành phần thuộc 2 giai đoạn. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe cao tốc, phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m.

    Trong đó, giai đoạn 1 (2017–2020) có tổng chiều dài là 221,2 km, gồm các dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt.

    Giai đoạn 2 (2021-2025) có tổng chiều dài là 259,3 km, gồm 5 dự án thành phần đầu tư công qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị: dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ.

    Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn giám sát, nhà đầu tư, nhà thầu đã nêu các khó khăn và kiến nghị về vấn đề dự phòng trượt giá; tháo gỡ khó khăn trong việc mua vật liệu để phục vụ thi công dự án; hướng dẫn thực hiện chính sách hoàn thuế; bàn giao mặt bằng cho nhà thầu...

    Ngoài ra, các tỉnh nêu các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đại diện các bộ, ngành giải đáp các băn khoăn, kiến nghị của các nhà thầu cũng như các địa phương.

    Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao khí thế thi công nhộn nhịp, sôi nổi trên các công trường; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân, hưởng ứng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 2 vấn đề vốn và ý thức người dân đã được giải quyết. Vấn đề quan trọng còn lại là phải tổ chức triển khai dự án thế nào để thực hiện mục tiêu trên sớm nhất, nhanh nhất, chất lượng cao nhất. "Trong gần 20 năm, chúng ta mới làm được khoảng 1.000 km cao tốc, nhưng chúng ta có cơ sở, điều kiện để thực hiện mục tiêu đã đề ra trong những năm tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

    Về một số vấn đề nổi lên qua khảo sát thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, người dân khẳng định “rất sẵn sàng nhường đất nhưng giải phóng mặt bằng phải nhanh để ổn định cuộc sống". Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác giải phóng mặt bằng - khâu có ý nghĩa quyết định tới tiến độ các dự án, theo báo Chính Phủ.

    Hiện tại, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 đã nhanh hơn so với giai đoạn 1 nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, khẩn trương giải quyết các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

    Liên quan đến vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một số dự án ở miền núi phía Bắc như tuyến Tuyên Quang-Phú Thọ về cơ bản có thể tự cân đối được nguyên vật liệu. Tuy nhiên, nguyên vật liệu là vấn đề cần giải quyết với các dự án ở miền Trung.

    Trong chuyến công tác cách đây 1 năm, Thủ tướng đã có chỉ đạo và sau đó Chính phủ đã có các nghị quyết về vấn đề này. Các cơ quan, địa phương cần rà soát lại, làm tốt hơn công việc này. Trong trường hợp địa phương này không đủ nguyên vật liệu thì liên hệ với các địa phương khác để xử lý các vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà thầu.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguyên vật liệu cho các dự án, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

    Đồng thời, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để  "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

    thu tuong pham minh chinh tranh tinh trang an xoi o thi chia qua nho cac goi thau
    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn từ tỉnh Ninh Bình đến tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tiền Phong

    Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.

    Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, Thủ tướng yêu cầu mỗi gói thầu trong giai đoạn 2 ít nhất phải khoảng 50 km. Từng cảnh báo vấn đề này cách đây 1 năm, Thủ tướng đề nghị bộ Công an vào cuộc để làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. 

    Với các đơn vị tư vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tránh tình trạng "ăn xổi ở thì", như cao tốc chỉ làm 2 làn đường, vừa làm xong đã phải làm lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; Cao tốc ít nhất phải có 4 làn xe hoàn chỉnh với các nút giao, điểm dừng, làn dừng… Thủ tướng cũng yêu cầu bộ GTVT xử lý ngay tình trạng mất vệ sinh môi trường ở các điểm dừng trên cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình.

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thi công các dự án bảo đảm an toàn; tiến độ; chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; không đội giá; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; quan tâm đời sống công nhân.

    Thủ tướng cũng lưu ý, việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi".

    Cùng với đó, công tác tái định cư phải nhanh, kịp thời, đúng chế độ, chính sách, quan tâm tới việc làm cho người dân, bảo đảm đời sống ở nơi ở mới phải bằng và phấn đấu cao hơn nơi ở cũ.

    Các địa phương, cơ quan tính toán các nút giao phù hợp, khai thác quỹ đất hiệu quả. Bộ Quốc phòng sớm đề xuất các giải pháp liên quan tới các công trình quốc phòng. Các bộ, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu… phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả; nhà thầu, nhà quản lý phải tạo thuận lợi cho nhau; làm việc nào dứt điểm việc đó.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về bám sát thực tiễn, giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn. Những vấn đề đã có kinh nghiệm trong giai đoạn 1 thì phải sửa đổi, chấn chỉnh cho phù hợp.

    Các cơ quan nghiên cứu sửa đổi quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu tốt, đủ năng lực, tâm huyết, nói là làm, tránh tình trạng nhà đầu tư, nhà thầu đã có công trình tốt trong thực tế nhưng lại không được tham gia các dự án với lý do không đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí, như vậy là tiêu chuẩn, tiêu chí có vấn đề.

    Ngoài ra, Thủ tướng còn đề nghị tăng cường hợp tác công tư trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-pham-minh-chinh-can-tranh-tinh-trang-chia-qua-nho-goi-thau-thi-cong-cao-toc-a564433.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan