Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch


Thứ 5, 19/08/2021 | 14:26


Cùng sự kiện

Sáng 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thường trực Chính phủ tổ chức.

Tin trong nước - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thường trực Chính phủ tổ chức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch năm 2017, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, các chỉ đạo triển khai nhưng việc tổ chức thực hiện chưa đạt tiến độ như mong muốn. Do đó, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn giải pháp tiếp tục triển khai Luật Quy hoạch hiệu quả, thực chất và đúng tiến độ. Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội có nội dung giám sát về công tác quy hoạch.

Nhân hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng dành ít phút để phát biểu về công tác phòng chống dịch.

Hiện các địa phương đang triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 86 của Chính phủ, Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn. Thủ tướng lưu ý, phải thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh, “ai ở đâu ở đó” thì mới có thể cách ly được nguồn lây, kiểm soát lây nhiễm. Để làm tốt việc giãn cách, cần lo cho dân, bảo đảm không ai bị thiếu ăn thiếu mặc, bảo đảm nhu cầu y tế của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Đồng thời, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch.

Việc giãn cách xã hội còn kéo dài trong khi nguồn lực con người, vật chất đều có hạn, nhất là các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã làm việc hết sức mình trong thời gian dài, phải quá tải. Thủ tướng kêu gọi các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương mình, tiếp tục chi viện, ủng hộ, giúp đỡ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam cả về con người và cơ sở vật chất theo tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì TP. Hồ Chí Minh”.

“Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải thể hiện tình đoàn kết, thống nhất, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Trước đây, cả nước đã vì Bắc Ninh, Bắc Giang để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bây giờ cả nước vì TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Tôi đề nghị chuẩn bị sẵn sàng để khi nào cần là có thể điều ngay, nhất là về lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng viên; cần nâng cao trình độ tay nghề về hồi sức cấp cứu mà các tỉnh, thành phố phía nam đang có nhu cầu rất lớn. Kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở miền Nam thì chúng ta mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước”, Thủ tướng phát biểu.

Tin trong nước - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch (Hình 2).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.

Theo Bộ trưởng, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch.

Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022.

Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung và chất lượng công tác quy hoạch sẽ được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch. Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch

Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng và ban hành trong tháng 9/2021 các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-chu-tri-Hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-ve-cong-tac-quy-hoach/443059.vgp