+Aa-
    Zalo

    Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

    (ĐS&PL) - Sáng 8/11, sau khi trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

    thu tuong pham minh chinh tra loi chat van cua dai bieu quoc hoi 1
    Sau khi trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đặt câu hỏi về định hướng, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành du lịch bền vững thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực này.

    Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Tài nguyên du lịch của nước ta rất phong phú với truyền thống lịch sử - văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là có bờ biển dài trên 3.000 km, người dân thân thiện, mến khách, cần cù, yêu lao động. Đó là những lợi thế của ngành du lịch và Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách, nhưng thực tế, ngành du lịch chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong đợi của đồng bào, cử tri.

    Các nguyên nhân như đại biểu đã nêu, liên quan tới chính sách, thể chế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn nhân lực, quy hoạch phát triển ngành du lịch là ngành mới, nhưng có tính hội nhập cao. Các khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan là chính.

    Về giải pháp, Thủ tướng nêu rõ, cần triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng luật của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung để xác định rõ trọng tâm phát triển; bố trí nguồn lực cho hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đây là ngành kinh tế tổng hợp nên cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương.

    Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng về những chủ trương, giải pháp ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn một số lĩnh vực chưa được như kỳ vọng. Đại biểu xin Thủ tướng cho biết các nguyên nhân, định hướng và giải pháp thời gian tới để thực hiện chủ trương lớn nói trên.

    Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, Đảng đã có chủ trương rất rõ về tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm các cấp, phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các cấp (gồm chính quyền Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã và các các cơ quan khác). Việc phân cấp, phân quyền là rất quan trọng.

    Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền và tổ chức thực thi chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân là chưa thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số cơ quan Trung ương chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật. Năng lực cán bộ còn có những hạn chế, nhất là trước những việc lớn, việc mới. Việc đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan nhiều cấp, nhiều ngành.

    Giải pháp là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để các cấp phải tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

    Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá cao công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thời gian qua, đạt những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thu hút nguồn lực, thúc dẩy thương mại, đầu tư và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 phù hợp với tình hình quốc tế đã và đang diễn biến phức tạp, bất thường, bất định.

    thu tuong pham minh chinh tra loi chat van cua dai bieu quoc hoi 2
    Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Đại biểu cũng chất vấn về việc di dời đường dây 500 kV ra ngoài thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông).

    Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết, chúng ta đang thực hiện đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Triển khai đường lối này, chúng ta xác định các thứ tự ưu tiên, gồm: Các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các nước lớn.

    Công tác đối ngoại, hội nhập đã đạt những kết quả rất quan trọng và là điểm sáng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, từ đó tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, thu hút nguồn lực phát triển (về vốn, công nghệ, quản trị trị, đào tạo nhân lực); góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

    Gần đây, Việt Nam đã và đang tiếp tục nâng cấp quan hệ với các nước, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20.

    Tiếp tục phát huy thành quả đối ngoại, hội nhập của năm 2023, chúng ta đang xây dựng chương trình đối ngoại, hội nhập quốc tế năm 2024 và tiếp tục triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và tiếp tục huy động sức mạnh, nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài.

    Liên quan tới việc di dời dường dây 500 KV, Thủ tướng cho rằng đây là việc cụ thể, trên nguyên tắc chung là đã vướng mắc thì phải tháo gỡ, Thủ tướng giao Bộ trưởng Công Thương, EVN và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đánh giá chính xác, cụ thể, nếu cần phải di dời thì tiến hành di dời.

    Tiếp đó, Thủ tướng trả lời của 2 đại biểu đã đặt câu hỏi với Thủ tướng tại các phiên chất vấn trước.

    Trong đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn tới hệ thống pháp luật thiếu thống nhất nhất, đồng bộ và có thể tạo điều kiện cho cơ chế xin cho… Đại biểu đặt câu hỏi quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào.

    Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) đặt 2 câu hỏi về giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó giải pháp nào đột phá và các giải pháp để bảo đảm đồng bộ trong triển khai cải cách tiền lương.

    Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Thủ tướng cho biết, vừa qua chúng ta trình cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành. Đây là yêu cầu khách quan của thực tiễn trong bối cảnh nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, tình hình thế giới và thực tiễn trong nước thay đổi rất nhanh, có văn bản, quy định theo kịp tình hình, sạt thực tế, có văn bản, quy định thì chưa, trong khi quy trình xây dựng quy định qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian và công sức.

    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời về vấn đề này, bổ sung thêm một số nội dung, Thủ tướng khẳng định việc này có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

    Về cơ sở chính trị, Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII và Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XIII đều có tinh thần: Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện và có thể luật hóa; những vấn đề chưa rõ, chưa chín, có quy định luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

    Về cơ sở pháp lý, Luật Ban hành quy phạm pháp luật cho phép việc này tại điểm a, khoản 2 điều 15.

    Về cơ sở thực tiễn, vừa qua chúng ta đã ban hành một số nghị quyết, như Nghị quyết 30 của Quốc hội được ban hành rất kịp thời hay một số nghị quyết thí điểm cho một số địa phương và đang thực hiện có hiệu quả.

    Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần điều chỉnh phù hợp cho thực tế; sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để điều chỉnh phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất.

    thu tuong pham minh chinh tra loi chat van cua dai bieu quoc hoi 3
    Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Về câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết liên quan tới cải cách tiền lương, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, nhưng chưa thực hiện được do nguồn lực khó khăn, đại dịch COVID-19, các tác động từ tình hình trong và ngoài nước. Chúng ta đã cố gắng tăng thu, giảm chi, tiết kiệm được khoảng 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

    Thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện vị trí làm, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tiết kiệm chi để bảo đảm chi lương cho cán bộ, công chức. Cùng với đó, chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách tiền lương khu vực ngoài nhà nước theo hướng tiệm cận nhau. Đồng thời, phải tiến hành công tác tuyên truyền và nhiều nhiệm vụ khác như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời.

    Về chuyển đổ số, Thủ tướng cho biết đây là xu thế, phong trào không thể không tham gia. Hiện kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 20% mỗi năm, kinh tế số năm 2023 chiếm khoảng 17% nền kinh tế, 2024 dự kiến đạt 20%, về đích trước 1 năm so với mục tiêu đã đề ra.

    Chính phủ đã ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về kinh tế số, xã hội số, công dân số, thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng làm Chủ tịch; hoàn thiện thể chế, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng tầng số và việc đặc biệt quan trọng là phát triển nhân lực chuyển đổi số. Năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia.

    Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm cần chú ý gồm: Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt quan tâm đào tạo nhân lực; chuyển đổi số trong toàn dân để người dân tham gia và thụ hưởng với vai trò là trung tâm, là chủ thể; tập trung chuyển đổi số trong các ngành mới nổi như kinh tế xanh, tuần hàn…. Liên quan tới an sinh xã hội, phải xóa 200 điểm lõm sóng viễn thông trên cả nước.

    Tiếp đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đặt câu hỏi về các nhiệm vụ, giải pháp trước tình hình cháy nổ thời gian qua.

    Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một số vụ cháy nổ rất thương tâm. Nhận diện tình trạng này, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã có hành động để góp phần phòng chống, ngăn chặn. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

    Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, việc làm tốt công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, nâng cao ý thức, hiểu biết, kỹ năng của người dân là rất quan trọng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất cho lĩnh vực này.

    Cùng với đó, công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đang được chỉ đạo rất quyết liệt, gồm cả đường giao thông, nguồn nước chữa cháy…; nếu không thì khi xảy ra cháy nổ, phương tiện chữa cháy không vào được.

    Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự tham gia của người dân, tổ dân phố, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội và hiện đại hóa lực lượng phòng cháy chữa cháy.

    Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đặt vấn đề, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã yêu cầu Chính phủ thể chế hóa, nhưng sau 15 năm vẫn chưa triển khai. Đại biểu đặt câu hỏi khi nào Chính phủ sẽ triển khai nhiệm vụ này theo Nghị quyết 27?

    Về phân cấp, phân quyền, đại biểu cho biết Nghị định 42 năm 2017 cho phép ủy quyền cho địa phương để thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng với một số dự án nhóm A, nhưng theo Nghị quyết 15 năm 2021 thì không còn việc ủy quyền nữa, trong khi ở nhiều dự án du lịch, công trình thấp tầng việc xây dựng không đòi hỏi kỹ thuật cao thì địa phương có đủ năng lực thẩm định. Đại biểu đặt câu hỏi việc ủy quyền với các dự án này có phù hợp không và rà soát để phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa.

    Trả lời đại biểu về câu hỏi liên quan tới Nghị quyết 27, Thủ tướng nêu rõ: Chúng tôi nhận khuyết điểm về việc này, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phải vào cuộc, chỉ đạo, cùng các bộ tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    Về phân cấp theo Nghị quyết 15, Thủ tướng cho rằng cần phải rà soát, phân loại các dự án để phân cấp, ủy quyền cho phù hợp thực tiễn, nếu có vướng mắc pháp lý thì tháo gỡ. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền không có nghĩa là giao khoán mà các bộ ngành phải tăng cường phối hợp, đồng hành, kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ khi gặp khó khăn.

    Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) đặt câu hỏi về giải pháp đối với thực trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn cao?

    Về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và một số bộ trưởng đã trả lời. Bổ sung thêm, Thủ tướng nhắc lại, Việt Nam là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

    Ngoài ra, vừa qua, do đại dịch COVID-19, nhu cầu quốc tế suy giảm dẫn đến sự chuyển dịch lao động từ các khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn sang khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức có năng suất lao động thấp hơn và tình trạng làm việc tạm thời, lao động bán thời gian tăng lên. Đây là việc điều tiết để người lao động có điều kiện tìm sinh kế phù hợp tình hình, nhưng về mặt quản lý nhà nước cũng rất đáng suy nghĩ.

    Giải pháp thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là phát triển khu vực công nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động... Đồng thời, phải làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ những người gặp khó khăn.

    Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề quan trọng và Chính phủ đang tiếp tục cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ, Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế là nhiệm vụ trọng tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp trọng tâm, quan trọng nhất thời gian tới và những vấn đề ưu tiên nhất thời gian tới.

    Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và việc lựa chọn các ưu tiên cần hài hòa, hợp lý, phù hợp từng giai đoạn theo chủ trương của Đảng.

    Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) tranh luận liên quan tới việc đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà, tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

    Theo Thủ tướng, thủ tục hành chính rườm rà là một nguyên nhân gây tăng chi phí tuân chủ cho doanh nghiệp, cùng với đó là thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Do đó, cùng với tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và bảo đảm lợi ích tinh thần và vật chất phù hợp cho cán bộ, công chức để làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.

    Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục rà soát lại các thủ tục để cắt giảm, đơn giản hóa, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục vào cuộc, đặc biệt là lãnh đạo các cấp ủy huy động hệ thống chính trị vào cuộc để thúc đẩy, giám sát và động viên, xác định nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

    Theo Thủ tướng, căn cơ vẫn là các giải pháp liên quan tới tăng cường ý thức, trách nhiệm, năng lực cán bộ và chế tài xử lý các vi phạm. Chúng ta đã có các chủ trương, đường lối của Đảng, cần cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đề cao trách nhiệm của người đứng dầu và các cán bộ, công chức, thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng và quy định củ pháp luật./.

    Hà Văn

    Theo Báo Chính phủ

    Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tra-loi-chat-van-cua-dai-bieu-quoc-hoi-102231108114549685.htm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-tuong-pham-minh-chinh-tra-loi-chat-van-cua-dai-bieu-quoc-hoi-a598634.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đại biểu chất vấn

    Đại biểu chất vấn "giải pháp cải thiện tiền lương cho nhân viên trường học", Bộ trưởng Nội vụ nói gì?

    Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học, có phương án sắp xếp đúng danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương với nhóm này. "Họ là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nên nếu cải cách tiền lương mới có thể sẽ bị thiệt thòi.