+Aa-
    Zalo

    Thực hư ngôi miếu “đòi” phong thần mới hết “bắt tội” dân phải bò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từng có giai thoại cho rằng, khi miếu mới được lập, người dân đi qua đó ai cũng phải bò. Chỉ đến khi được người dân xin vua ban cho sắc phong thần, chuyện kỳ lạ này mới chấm dứt.

    (ĐSPL) - Miếu ông Hùm cùng những câu chuyện xung quanh đậm màu huyền thoại, là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc từ nhiều đời nay của người dân địa phương. Từng có giai thoại cho rằng, khi miếu mới được lập, người dân đi qua đó ai cũng phải bò. Chỉ đến khi được người dân xin vua ban cho sắc phong thần, chuyện kỳ lạ này mới chấm dứt.

    (BGIAY)Thực hư ngôi miếu “đòi” phong thần mới hết “bắt tội” người

    Bên trong ngôi miếu hiện tại.

    Dị bản tâm linh

    Trước khi tận mục ngôi miếu, chúng tôi chỉ biết loáng thoáng rằng ở đó hiện còn vết tích thờ ông Hùm với những truyền thuyết mang đậm màu liêu trai. Dừng chân ở đầu thôn Quảng Gia, xã Điện Dương (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), ghé vào một ngôi nhà ven đường, thật may mắn khi chúng tôi hỏi thăm thì đúng địa điểm nằm kề miếu ông Hùm. Chủ ngôi nhà là anh Mạnh (45 tuổi) và thân sinh của anh là ông Lê Văn Hưng (83 tuổi), nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu về ngôi miếu này.

    Miếu ông Hùm tọa lạc trên thửa đất rộng, cách con đường thôn không xa. Miếu đã được tu sửa nhiều lần bằng công thiện nguyện của người dân địa phương. Lần tu sửa gần đây nhất là vào năm 2013, người dân dời miếu về nằm trong khuôn viên của đình làng Hà Quảng xưa (nay là thôn Quảng Gia). Anh Mạnh cho biết, vào mỗi dịp tết hay các ngày rằm, rất nhiều người dân địa phương và những khách thập phương về đây thành kính cúng lễ. Ông Hưng kể sơ lược cho chúng tôi nghe về truyền thuyết ông Hùm, rồi bảo anh Mạnh dẫn đường cho chúng tôi đến gặp các vị lão làng để "xác minh cho có đầu có đũa".

    Video tham khảo: 

    Ngôi miếu trăm năm tuổi trở thành điểm “cầu cơ”

    Chúng tôi vào sâu trong thôn, tìm gặp cụ Nguyễn Nghi (82 tuổi), người tường tận những câu chuyện lịch sử trong làng. Cụ Nghi cho biết, từ thời xa xưa, nơi đây chỉ là những làng chài hoang sơ quanh con sông Cổ Cò, nơi từng là cửa giao lưu buôn bán tấp nập một thời, con sông nối dài qua từ khu vực Đà Nẵng đến Hội An. Đây được gọi là cảng bán hàng chạy nhất thời bấy giờ.

    Tương truyền, ông Đinh Văn Bá làm quan cho triều đình Huế đến chức đô đốc. Trong một lần dong thuyền từ Đà Nẵng theo sông Cổ Cò về thăm quê, cảm kích trước cảnh đình làng Hà Quảng uy nghi, đường bệ soi bóng bên hồ sen hồng, ông này bèn tuốt kiếm ra múa trước mũi thuyền. Dường như quá phấn khích trước cảnh cũ người xưa, con người ngang dọc một thời chọc trời khuấy nước ấy hét lên một tiếng "hùm" vang động khắp sông nước rồi ngã lăn ra chết.

    Cũng có một sự tích khác kể lại rằng, trong một trận hải chiến, biết mình không còn sức để chỉ huy quân binh chống giặc, đô đốc Đinh Văn Bá bèn ra lệnh lui binh để bảo tồn lực lượng. Bất lực trước tổn thất của quân ta, ông phẫn uất vung gươm chém một nhát vào thinh không rồi gieo mình xuống sông Cổ Cò tuẫn tiết. Dân làng ngưỡng mộ ông, ngoài việc lo chôn cất tử tế, còn lập miếu thờ ở phía Nam đình làng, gọi là miếu ông Hùm.

    Chưa rõ thực hư câu chuyện ra sao nhưng sau khi đô đốc Đinh Văn Bá chết, nơi chiếc thuyền chìm nổi lên một lùm cây cổ thụ không rõ tên. Sau đó, khi bom đạn chiến tranh tàn phá ác liệt, lùm cây dần biến mất, chỉ còn lại một gò đất nổi giữa con sông đến tận bây giờ.

    Kể đến đây, cụ Nghi nhấp ngụm nước trà, giọng đặc khàn của người tuổi đã cao, mô phỏng lại hình thù ngôi miếu cho chúng tôi. Cụ bảo, trước đây, khi chưa có chiến tranh, ngôi miếu vẫn còn nguyên vẹn. Khi người dân Quảng Gia cùng nhau lập miếu, họ chọn những loại đá san hô từ Cù Lao Chàm cùng với vôi để xây dựng nên ngôi miếu và tường rào rộng lớn bao quanh.

    Cho đến khi cuộc chiến tranh chống Pháp diễn ra ác liệt, ngôi miếu bị bắn phá và gãy mất phía trên. Sau cuộc chiến chống Mỹ, ngôi miếu gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại những bức tường loang lổ, đổ nát. Đất nước hòa bình, trên mảnh đất nơi tọa lạc ngôi miếu, những kẻ xấu phá phách, lấy hết các loại san hô. Đến nay, nơi đó chỉ còn là khoảng đất trống nhô lên và sót lại những viên đá nhỏ xưa cũ cùng cây cối rậm rạp.

    (BGIAY)Thực hư ngôi miếu “đòi” phong thần mới hết “bắt tội” người

    Anh Mạnh đứng trên nền đất của ngôi miếu cũ.

    Câu chuyện liêu trai và gò đất kỳ lạ...

    Vẫn như chưa hết những sự tích kỳ lạ, cụ Nghi cho biết thêm: "Ngày trước, tàu lớn từ Cửa Đại ra còn thong thả neo đậu trong Kinh để chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tươi đẹp này trước khi dong thuyền xuôi ngược trên sông Cổ Cò. Giữa ao Kinh, nổi lên một cù lao nhỏ rộng gần một mẫu đất, xanh bóng các loài cây cổ thụ như mít nài, trâm, chỏi... Từ xa, cù lao trông như một đĩa nghiên dành cho một nhà thư pháp khổng lồ nào đó chấm phá những nét bút tài hoa lên khoảng trời xanh khoáng đạt". Cũng theo cụ Nghi, đó chính là nơi chiếc thuyền của đô đốc bị chìm.

    Trước khi có miếu ông Hùm, ở làng chưa có ngôi miếu nào. Nơi ông nằm gần một khu vực nghĩa địa (hiện nay) và khu vực bờ sông. Sau khi đất nước thống nhất, vì miếu bị tàn phá nghiêm trọng nên các bô lão trong làng đã huy động lập miếu trong khuôn viên đình làng. Từ bao đời nay, nhiều thế hệ con cháu thay nhau trông coi và cúng tế miếu ông Hùm vào những ngày rằm, mồng một hay dịp lễ tết.

    Theo các bô lão trong làng kể lại, miếu ông Hùm nổi tiếng một thời hiển linh, theo như truyền thuyết bất cứ ai đi qua miếu cũng đều phải bò quanh, mãi đến khi làng xin vua ban sắc phong thần cho ông, ông mới hết bắt tội. Kể đến đây, cụ Nghi cười bảo: "Trước đây, tui nghe nhiều người già kể rằng, khi vị quan mất, ngôi miếu được lập, nhưng ai nấy đi qua đó đều gặp những chuyện không hay. Thậm chí cứ đi quanh mãi không về được nhà mình. Đến khi mấy cụ già trong làng mới khuyên xin vua ban cho sắc phong là thần, chuyện lạ này mới chấm dứt"!?

    Bà An (60 tuổi) cho biết, bà từng nghe những người già trong làng truyền tai nhau, ngôi miếu đó rất linh. Chuyện kể rằng, trước đây ngôi miếu còn khang trang đẹp đẽ, có đám thanh niên đi qua chọc ghẹo, không thắp hương cầu khấn, còn nói nhiều lời xúc phạm. Đến sau về nhà đều bị ốm nặng, có một anh chàng trong đó bị tai nạn rồi chết. Câu chuyện khiến nhiều người lo sợ, phải mời lão làng đứng ra xin và làm lễ tạ tội.

    Truyền thuyết miếu ông Hùm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những người trong làng thường đến đây khấn vái, để xin bình an cho dân làng và phù hộ con cháu học hành. Trước đây những người phụ nữ và trẻ con không ai dám tới gần ngôi miếu, vì trong tư tưởng họ rất sợ nơi đó. Chỉ dành cho đàn ông và người già tới khi có việc cần.

    Sau khi nghe người trong làng kể lại những câu chuyện kỳ bí xung quanh miếu ông Hùm, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nơi mảnh đất từng tồn tại dấu tích này. Theo quan sát, hiện tại nơi đây chỉ còn lại trụ đất với những lùm cây xanh mướt, được cho là nơi con thuyền xưa bị chìm. Tất cả những vết tích về ngôi miếu vẫn còn và trong ký ức của mỗi người dân nó sẽ mãi mãi tồn tại với những câu chuyện mang đậm màu huyền bí, liêu trai...

    Trao đổi với PV về sự tích ngôi miếu cổ, ông Trần Văn Tám, trưởng thôn Quảng Gia, xã Điện Dương cho biết: "Hàng năm, nhân dân địa phương vẫn đến đây để thờ cúng. Hiện tại, cũng có một số du khách đến tham quan. Năm ngoái, chúng tôi cũng đã đưa miếu ông Hùm về lập tại khu vực đình làng cho thuận tiện việc đi lại. Còn những chuyện linh thiêng thì theo năm tháng xa xưa cũng không ai rõ lắm, vì thời gian quá lâu rồi, có lẽ cũng chỉ là những giai thoại mang nhiều yếu tố tâm linh cầu mong của con người làm việc tốt".
    Đinh Hiền - Như Ý
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-ngoi-mieu-doi-phong-than-moi-het-bat-toi-dan-phai-bo-a72629.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan