+Aa-
    Zalo

    Thực hư vụ gã đàn ông “nhặt vợ”, bán con lấy tiền tiêu

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Một người đàn ông, không nghề nghiệp sống lang thang nay đây mai đó nhưng lại “nhặt” được nhiều vợ.

    (ĐSPL) - Một người đàn ông, không nghề nghiệp sống lang thang nay đây mai đó nhưng lại “nhặt” được nhiều vợ. Đặc biệt, gã còn nhẫn tâm đem bán các con để lấy tiền tiêu xài gây xôn xao dư luận. Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã về làng quê này để tìm hiểu thực hư sự việc.    

    Gã ma-cà-bông đào hoa

    Bỏ nhà ra đi từ năm 17 tuổi, Bùi Văn Vừn (SN 1969, trú tại xóm Cáo, xã Qúy Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) quen với lối sống lang thang, lêu lổng. Nhưng mỗi lần về quê Vừn lại mang về một người “vợ nhặt”. Ngay đến người thân của Vừn cũng không biết hắn có bao nhiêu cô vợ như vậy nữa.

    Bùi Văn Vừn đi lang thang biểu diễn “xiếc” khắp đây đó.

    Bùi Văn Vừn là con thứ hai trong một gia đình người Mường có 5 người con, hai trai, ba gái. Vừn bỏ học khi mới chỉ đang học dang dở lớp 1 và thậm chí còn chưa nhận hết mặt chữ. Năm 17 tuổi, Vừn bỏ nhà đi, bặt vô âm tín trong suốt nhiều năm. Và vào lúc gia đình tưởng đã mất con, thì một buổi chiều khoảng 10 năm kể từ dạo mất tích, Vừn đột ngột trở về.

    Vừn dắt theo một người phụ nữ không rõ lai lịch cùng một bé trai mặt mũi lem luốc. Người nhà dò hỏi thì  Vừn giới thiệu: “Đây là vợ và con trai tôi đấy”. Không cưới hỏi, không đăng ký kết hôn, người đàn bà đó đi theo Vừn và sinh cho Vừn một cậu con trai. Mục đích lần trở về sau 10 năm mất tích này của Vừn là chuyển hộ khẩu đi nơi khác. Và hai năm, sau khi cắt hộ khẩu chuyển đi nơi khác sinh sống, Vừn lại lầm lũi trở về làng. Lần này, gã chỉ dẫn theo đứa con trai. Còn người đàn bà mà lần trước gã giới thiệu là vợ thì không thấy. Khi người nhà hỏi về người vợ ấy thì Vừn bảo: “Vợ chết rồi”.

    Chia sẻ về người em chồng kỳ lạ, bà Bùi Thị Chình, vợ ông Bùi Văn Kiển (anh trai của Vừn) cho biết: “Những người đàn bà chú ấy dẫn về và giới thiệu là vợ thì nhiều lắm, không nhớ nổi. Nhưng chỉ có hai người vợ là có con thôi. Đó là người đàn bà đầu tiên, cô ấy sinh được một đứa con trai. Nhưng mấy lần về sau đó tôi không thấy chú dẫn theo cô ấy nữa. Người còn lại là cô Hường, hiện đang đi theo chú ấy. Họ có ba đứa con thì đã bán 2 đứa rồi”.

    Vừn còn nghiện rượu nặng, bữa ăn nào cũng đòi anh trai phải mua rượu. Không chỉ uống ở nhà, Vừn còn lê la hết quán rượu này đến quán rượu khác xin uống chịu. Mỗi lần như vậy, người chị dâu lại phải bán ngô, bán sắn để trả nợ cho em chồng. Về sau, rút kinh nghiệm các quán rượu không bán chịu cho Vừn nữa. Không có tiền nhưng Vừn suốt ngày lang thang từ đầu làng đến cuối làng, từ làng nọ sang làng kia, thao thao bất tuyệt những chuyện trên trời dưới biển. Loanh quanh mãi cũng chán, Vừn lại muốn đi xa một chuyến nhưng ngặt nỗi trong người không có một xu dính túi. Lân la dò hỏi, biết một gia đình ở thôn bên cạnh không có con trai nên Vừn mang luôn con sang nhà ấy để đổi lấy một chiếc xe đạp cùng chút tiền để làm lộ phí.

    Biết chuyện Vừn bán con, vợ chồng người anh trai định bán tài sản trong nhà đi chuộc cháu. Tuy nhiên, Vừn một mực không nghe và còn dọa chém người anh. “Nó bán con cho người đàn ông thương binh ở xóm Rọi, cũng gần đây. Nhưng bây giờ ông ấy chuyển đi chỗ khác rồi. Thằng bé bây giờ cũng gần 20 tuổi rồi”, ông Kiển kể.

    Năm 2010, Vừn trở về quê trong tình trạng say xỉn, mặt mày hốc hác, đầu tóc bờm xờm cũng dẫn theo một phụ nữ, ba đứa trẻ và cũng giới thiệu là vợ. Theo lời Vừn kể, trong chuyến lang thang gần nhất, gã đạp xe đi khắp nơi. Đi được khoảng nửa tháng thì gã hết tiền, đi tìm việc nhưng không ai thuê và bí quá gã bán luôn chiếc xe đạp lấy tiền tiêu. Chẳng được bao lâu, số tiền bán xe cũng hết, gã lại vất vưởng đi hết làng này qua làng khác xin ăn. Đến chợ xã Định Cư, Vừn thấy có một người phụ nữ lem luốc tên Hường ngồi ở vệ đường liền lân la làm quen. Sau đó, Hường theo Vừn lang thang khắp đây đó.

    Thực hư Hết tiền mang con… đi bán

    Được mấy năm, hai “vợ chồng” có với nhau 2 đứa con chung. Bốn vợ chồng cái con cùng một đứa con riêng của Hường dắt díu nhau đi lang thang, làm đủ thứ việc nhưng không đủ ăn. Vừn đành dắt vợ về quê mình để sinh sống. Về quê không có nhà cửa, hai vợ chồng Vừn làm tạm một cái túp lều ở mảnh đất nhỏ của cha mẹ để lại. Ban ngày, vợ chồng Vừn gửi ba đứa con nhờ chị dâu trông nom, còn y và vợ đi lang thang qua mấy xã lân cận, ai thuê gì làm nấy. Làm thuê được đồng nào là hắn lại lôi vợ vào quán uống rượu. Vợ chồng hắn phó mặc con cái cho anh trai, chị dâu như không phải con mình.

    Bùi Văn Vừn và cô vợ “nhặt” tên Hường.

    Lười lao động, không có tiền Vừn đi dò hỏi những gia đình trong khu vực xem ai có hiếm muộn cần con nuôi để đem con đến bán. Cô con gái lớn của Vừn và Hường là Bùi Thị Hà lúc ấy mới lên 4 tuổi, bán cho một gia đình ở xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn) được 1 triệu đồng. Một thời gian ngắn tiêu hết tiền Vừn mang cô con gái út đến bán cho một gia đình hiếm muộn ở xóm Thung, xã Qúy Hòa, được gia đình này trả 12 triệu đồng. Có tiền, Vừn mua luôn một chiếc xe máy về đi lại cho tiện.

    Sau khi “bán” hai đứa con, sắm được đồ nghề, Vừn dắt díu vợ con đi khắp nơi để biểu diễn xiếc. Trên cái xe đạp, Vừn buộc cái loa nén có nối bình ắc quy và micro vào đầu xe. Tới đâu Vừn cũng giới thiệu rôm rả: "Xiếc đây, mời bà con ra xem xiếc nào. Những màn biểu diễn kỹ thuật, công phu có một không hai. Mời bà con, cô bác ra xem. Xem xong có tiền cho tiền, có gạo cho gạo, có áo cho áo, có quần cho quần. Nghệ sỹ quê nghèo, không tiền, biểu diễn kiếm ăn. Xiếc đây, xiếc đây…". Trên ngực cái áo khoác nhăn nhúm, rách vá, Vừn đeo một cái thẻ trên đó có ảnh chân dung và dòng chữ: "Nghệ sỹ, vai chính Bùi Văn Vừn. Xiếc nghệ thuật người Mường". Ngoài những thứ đó, chỉ còn cái ba lô rách nát đựng những thứ đồ nghề phục vụ cho những màn biểu diễn của Vừn. Đến nay, cháu Bùi Thị Dung cũng đang ở tuổi ăn tuổi học nhưng không được đi học.

    Để xác minh sự thực của những câu chuyện này, chúng tôi đã có buổi làm việc với phía chính quyền xã Qúy Hòa. Trao đổi với PV, ông Bùi Mạnh Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Qúy Hòa cho biết: “Không ai chứng kiến tận mắt anh Bùi Văn Vừn bán con. Anh Vừn mang con cho các gia đình hiếm muộn nuôi nhưng lần thì đổi lấy xe đạp, lần thì nhận tiền thực chất đây là bán con. Ở xã chúng tôi cũng không có ghi nhận giấy tờ liên quan đến việc cho con làm con nuôi của các trường hợp này. Ba đứa con của anh Vừn, một đứa bán cho một người thương binh ở gần đây nhưng giờ chuyển đi nơi khác, một đứa ở xóm Thung trong xã, một đứa ở xã Tân Lập”.

    Hiện tại, còn cháu Bùi Thị Dung là con riêng của Hường, đang sống cùng “vợ chồng” Vừn. Ngay cả những đứa con đẻ mà Vừn còn đem bán thì lúc nào đó, cháu Dung cũng có thể bị đem ra bán khi hết tiền. Thế nhưng, theo lời ông Bùi Mạnh Chiến, Phó Chủ tịch-UBND xã Qúy Hòa thì: “Hiện tại chúng tôi cũng không có biện pháp gì để ngăn chặn”.

    Ông Bùi Mạnh Chiến cũng cho biết thêm: “Thời gian trước, Bùi Văn Vừn không có hộ khẩu ở xã chúng tôi. Đầu năm 2014, chúng tôi đã nhập khẩu cho anh Vừn. Xét thấy gia cảnh khó khăn, chúng tôi cũng đã xây cho gia đình anh Vừn một căn nhà cấp bốn. Chị Hường hiện đang sống cùng anh Vừn, là người xã Định Cư cùng trong huyện Lạc Sơn. Hiện, chị Hường và anh Vừn chưa hề đăng ký kết hôn”.

    ĐÀO SƠN

    Xem thêm clip: Thích thú clip 'gửi con trai' tuyệt chiêu lấy lòng bạn gái ngày 8/3

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-vu-ga-dan-ong-nhat-vo-ban-con-lay-tien-tieu-a92385.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Sự thật đau lòng về những bà mẹ bán con từ trứng nước

    Sự thật đau lòng về những bà mẹ bán con từ trứng nước

    (ĐSPL) - Nắm bắt nhu cầu có nhiều cặp vợ chồng cưới nhưng không có khả năng sinh con, muốn có một đứa trẻ để nuôi nên các bị can đã cấu kết mua bán trẻ em để lấy tiền tiêu xài. Họ nghĩ rằng, hành vi của mình là kín kẽ sẽ chẳng bao giờ bị phát hiện.