+Aa-
    Zalo

    Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và những dấu ấn với biển đảo Tổ quốc

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Khi còn giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã dành nhiều thời gian để đi nghiên cứu các hòn đảo lớn, nhỏ thuộc chủ quyền Việt Nam.

    (ĐSPL) - Khi còn giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt của Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã dành nhiều thời gian để đi nghiên cứu các hòn đảo lớn, nhỏ thuộc chủ quyền Việt Nam.

    Đặc biệt, trong khoảng thời gian làm Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tướng Hiệu đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc với biển đảo của Tổ quốc thân yêu.

    Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu.

    Mở đường trên biển để cứu trợ bà con ở tâm bão

    Mỗi lần nhắc đến chủ đề biển đảo, ánh mắt Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại rạng ngời, giọng nói sôi nổi. Ông bảo, biển đảo chính là phần máu thịt của Tổ quốc, các thế hệ người Việt Nam phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy...

    Kể về những kỷ niệm của ông với biển đảo, tướng Hiệu nói: "Từ năm 1995, khi tôi được về Bộ Quốc phòng công tác, tôi đã dành nhiều thời gian để đi nghiên cứu các đảo của Tổ quốc. Trước hết là các đảo ven đất liền rồi đến các đảo tiền tiêu, từ đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Thổ Chu... Đặc biệt, nhiều năm tiếp theo đó, tôi được Chính phủ và Bộ Quốc phòng phân công làm Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Thời gian này, ngoài chức trách ở trong Bộ Quốc phòng thì tôi cũng dành nhiều thời gian đi nghiên cứu 21 đảo nổi của chúng ta ở Trường Sa như đảo Trường Sa lớn, An Bang, Phan Vinh... Trong những đảo nổi đó, có đảo cách xa đất liền tới 700 cây số".

    Tướng Hiệu (thứ ba từ trái qua phải) trong một chuyến công tác ra đảo Trường Sa vào năm 1995.

    Theo lời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, kỷ niệm sâu sắc nhất để lại trong ông vào khoảng thời gian tướng Hiệu làm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn là năm 1997, ông cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham gia cứu hộ trong một trận bão cực lớn có tên quốc tế là bão Linda. Theo các nhà nghiên cứu, hàng trăm năm mới có một trận bão lớn như thế đổ vào Nam Bộ. Trước kia, bão lớn như thế chủ yếu đổ vào miền Bắc hoặc miền Trung nước ta nhưng năm 1997 nó đổ vào Nam Bộ. Thiệt hại của đồng bào Nam Bộ năm đó rất lớn, có thể do họ chưa có kinh nghiệm nhiều trong ứng phó với thiên tai.

    Cho đến tận bây giờ, tướng Hiệu vẫn nhớ rõ về chuyến đi này. Ông kể: "Sau khi giải quyết hậu quả của trận bão Linda, tôi cùng với đoàn của Chính phủ và của Bộ Quốc phòng đi bằng trực thăng ra mũi cạn Cà Mau, cách đất liền khoảng hơn 100 cây số. Chuyến đi đó, chúng tôi định ra nhà dàn DK ở tận cùng Tổ quốc, giáp với Campuchia và Thái Lan, nhưng có một kỷ niệm hết sức sâu lắng, tôi còn nhớ mãi.

    Khi máy bay của chúng tôi đi qua Mỹ Tho thì xuất hiện "vòi rồng" (lốc xoáy). Cách Mỹ Tho khoảng 3-4km chúng tôi đã chứng kiến rất rõ cảnh ở dưới mặt đất "vòi rồng" đi đến đâu là quét gần như toàn bộ những vật trong vòng xoáy, sức tàn phá khủng khiếp, các gốc dừa, cây cổ thụ đều bị quét sạch luôn. Máy bay của chúng tôi phải bay thấp để tránh "vòi rồng". Sau đó, chúng tôi dừng lại, cho anh em xuống để cùng địa phương khắc phục hậu quả của "vòi rồng". Khắc phục xong hậu quả, chúng tôi tiếp tục bay ra nhà dàn ở mũi cạn Cà Mau.

    Nhưng vì thời tiết xấu, máy bay không hạ cánh được, đoàn phải bay trở lại và dừng chân ở khách sạn Pháo Đài, thuộc tỉnh Kiên Giang (Quân khu 9), tiếp xăng để đi tiếp. Có lẽ đây là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi đối với Nam Bộ trong công tác cứu hộ, cứu nạn, được bay trên vùng biển đảo của Tổ quốc trong điều kiện thời tiết rất đặc biệt".

    Một kỷ niệm khác của tướng Hiệu về công tác phòng chống lụt bão ở miền Trung cũng được ông nhắc đến. Đó là trận bão lớn nhất trong lịch sử xảy ra vào năm 1999, còn gọi là đại hồng thuỷ ở miền Trung, khi đó đường bộ bị chia cắt, đường không thì bão to cũng không thể bay được nên ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương quyết định phải mở đường trên biển, đi từ Đà Nẵng vào miền Trung để cứu hộ. "Chính từ thực tiễn đó, sau này tôi đã đúc kết, đề xuất phương châm "bốn tại chỗ" trong thiên tai", tướng Hiệu chia sẻ.

    Chủ quyền là bất biến!

    Trong câu chuyện của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bảo rằng: "Điều mà tôi đặc biệt quan tâm nghiên cứu chính là chủ quyền của ta trên biển đảo. Đảo ở đây, như các bạn đã biết, bộ đội của chúng ta từ ngày đầu giải phóng cho đến lúc chúng tôi ra đảo vào khoảng những năm 1995, lúc đó anh em ngoài đảo còn vất vả lắm. Có thể nói cả nước hướng về biển đảo, những năm 1995 - 1996 còn chưa thể liên lạc bằng điện thoại từ đất liền ra đảo, chủ yếu liên lạc bằng thư từ, chuyển ra đảo thông qua những chuyến đi. Con tàu titan, tàu cứu hộ đưa chúng tôi ra đảo cũng mang theo rất nhiều thư từ cùng với những tình cảm từ đất liền gửi cho chiến sỹ ngoài đảo. Thời điểm đó, trong mấy năm liền tôi đã đi nghiên cứu 21 đảo nổi ở Trường Sa, phải nói rằng cuộc sống của anh em bộ đội và bà con nhân dân ngoài đảo lúc đó cực kỳ vất vả, khó khăn và thiếu thốn tình cảm".

    Trầm ngâm một lát, giọng vị tướng có vẻ hồ hởi hơn. Ông nói: "Sau này, được Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như quân đội chú trọng đầu tư, cuộc sống ở các đảo lớn bây giờ khá đầy đủ, gần như không khác biệt nhiều so với đất liền. Các đảo nhỏ hoặc các nhà dàn cũng được đầu tư, đặc biệt hệ thống thông tin của chúng ta đã phủ sóng ở các đảo, anh em có thể điện thoại về gia đình bình thường... Biển đảo của chúng ta rộng mênh mông như thế, chủ quyền thiêng liêng trên biển đảo mà ông cha ta ngàn đời để lại thì chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ. Chúng ta phải đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ quyền thiêng liêng cả trên không, trên đất liền và trên biển đảo là bất biến".

    Tuy nhiên, cũng theo tướng Hiệu, chiến lược biển không chỉ một sớm một chiều mà nó phải có lộ trình dài hạn, có bước đi để chúng ta khẳng định chủ quyền. "Đã gọi là chủ quyền thì phải khẳng định trên cơ sở pháp lý và theo luật quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới khẳng định được chủ quyền lâu dài. Đặc biệt, phải quan tâm đến vấn đề hàng hải, đây không chỉ là vấn đề hàng hải của Việt Nam mà còn là đường hàng hải quốc tế. Việc bảo vệ ổn định an ninh trên Biển Đông cũng chính là chúng ta đang bảo vệ đường hàng hải quốc tế. Các nước trong khu vực và trên thế giới cũng có trách nhiệm trong việc bảo vệ ổn định an ninh trên đường hàng hải quốc tế".

    Những giây phút "thả hồn" trên biển đảo quê hương

    Nhớ về kỷ niệm thân thương, những giây phút "thả hồn" trên biển đảo của Tổ quốc, tướng Hiệu cười và bảo: "Hình ảnh đó vô cùng thiên nhiên, khi tàu titan của chúng tôi đi ra đảo An Bang thì cá heo ở biển đuổi theo con tàu trông rất thú vị. Có đàn cá heo hàng trăm con, thấy tàu chạy nên chúng cứ đua nhau đuổi theo hai bên mé tàu, thích thú lắm. Ngoài ra, buổi tối khi tàu dừng lại trên biển, anh em chúng tôi có thú vui thả câu. Cá và mực rất nhiều. Thời chúng tôi ra ngoài đó, đảo vẫn còn hoang sơ, trên đảo rất nhiều chim hải âu và các loài chim khác. Thậm chí anh em còn phát hiện ra mấy chục con tàu biển bị đâm va vào đá nên bị chìm từ rất lâu trước đó, chỉ còn nhìn thấy ống khói vươn lên thôi".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-tuong-nguyen-huy-hieu-va-nhung-dau-an-voi-bien-dao-to-quoc-a84002.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan