Thủy điện Plei Kần: Dự án có tầm quan trọng với kinh tế địa phương, sau khi đi vào vận hành


Thứ 6, 18/05/2018 | 13:39


Trước phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình trạng người dân chặn đường không cho xe của Công ty CP Tấn Phát vào thi công công trình thủy điện Plei Kần

Trước phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình trạng người dân chặn đường không cho xe của Công ty CP Tấn Phát vào thi công công trình thủy điện Plei Kần, đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương đã có buổi làm việc và đi đến nhiều thống nhất có lợi cho cả người dân và doanh nghiệp (DN).
 
Theo Đại diện Công ty CP Tấn Phát, thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có tình trạng một số người dân dùng cây cối, vật dụng làm barie chắn ngang đường tại tổ dân phố 3, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi để ngăn không cho xe vào thi công công trình thủy điện Plei Kần, do Công ty CP Tấn Phát làm chủ đầu tư. Chưa kể, ngay cả xe chở thức ăn vào tiếp tế cho công nhân làm việc trong thủy điện cũng bị người dân chặn lại. Hoạt động này gây rất nhiều khó khăn cho DN. Từ lý do đó, DN không có đường đi, không thể thi công công trình. Để dự án không bị gián đoạn và cán bộ công nhân viên trong khu vực thủy điện duy trì được cuộc sống, DN đã buộc phải mượn đường dân sinh cũ của người dân, cải thiện và sử dụng tạm. Việc này DN đã xin phép UBND huyện tại thời điểm cải thiện, Ban quản lý dự án, khu vực đang quản lý. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động tạm thời.
 
Đại diện Công ty CP Tấn Phát thẳng thắn nêu vấn đề, nguyên nhân khiến người dân bột phát các hành động đó gồm có 3 vấn đề: Thứ nhất là vấn đề đền bù cho người dân khu vực dự án giai đoạn 1 và 2; thứ hai là xây cầu cho người dân đi lại; thứ ba là làm đường. Đây đều là những việc Công ty CP Tấn Phát đã và đang triển khai, nhưng thực sự còn nhiều vướng mắc.
 
Đơn cử, với việc làm đường, trước đây, trong báo cáo dự án, con đường công ty sử dụng để vận chuyển vật liệu là đường dân sinh của huyện. Tuy nhiên, sau quá trình làm việc, huyện đã đề xuất là DN sẽ làm lại con đường này, dân hiến đất, sau khi hoàn thành Nhà nước quản lý. Công ty cũng nhận thấy đây là việc làm đúng đắn để giúp người dân có được một con đường tốt nên đã khẩn trương triển khai dự án. Từ sau Tết đến nay, DN đã thực hiện việc đo đạc, thực hiện nhiều hạng mục. Tuy nhiên, quá trình làm đường phải trải qua rất nhiều khâu như đổ đá, lu nền, chạy một thời gian ổn định, sau đó lại tiếp tục đổ đá rồi rải nhựa… chứ không thể thực hiện chỉ trong một sớm một chiều.
 
Ông nhấn mạnh: “DN cam kết sẽ tiếp tục thực hiện việc làm đường. Tuy nhiên đề nghị huyện cần phối hợp với DN trong việc lên kế hoạch, giám sát việc làm đường, tránh tình trạng sau này có vấn đề phát sinh về thời gian, tiến độ, chất lượng, người dân sẽ lại đổ lỗi cho DN. Bên cạnh đó, khi làm đường không thể tránh được các vấn đề phát sinh như khói bụi, tiếng ồn, rung lắc… Đây là điều không thể  tránh khỏi, người dân phải chấp nhận để có được một con đường tốt để sử dụng. Đặc biệt, người dân phải cam kết không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thích thì làm barie, gây thiệt hại lớn đến tiến độ thi công của công trình, ức chế tâm lý DN”.
 
Về vấn đề đền bù, thực tế, đến nay, công ty đã đền bù trên 10ha đất cho người dân trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, ông thẳng thắn chia sẻ, trong quá trình đền bù một số dự án mà công ty triển khai trước đây, có tình trạng người dân cấu kết với một số nhân viên trong hội đồng đền bù để gian dối về vấn đề đền bù. Do đó, công ty đề nghị huyện Ngọc Hồi hỗ trợ DN trong việc xác định đền bù, kiểm tra giám sát chặt chẽ.
 
Tuy nhiên, để tránh tình trạng xảy ra như với việc làm đường, Công ty CP Tấn Phát đề nghị huyện nghiên cứu xem xét vị trí thực hiện để giúp công ty đầu tư theo hướng hỗ trợ tiền cho huyện để làm chứ DN không trực tiếp làm. Dự kiến, số tiền để hoàn thành cây cầu này đến 3 tỷ đồng.
 
Trước sự thẳng thắn và cầu thị của lãnh đạo Công ty CP Tấn Phát, lãnh đạo huyện Ngọc Hồi đã cam kết sẽ phối hợp với người dân tháo gỡ barie, đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng chặn xe DN đi qua địa bàn thị trấn như thời gian trước đây.  
 
 UBND huyện phải phối hợp chặt chẽ với DN để giải quyết các vấn đề đang phát sinh, cam kết không để xảy ra tình trạng người dân chặn barie, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nếu người dân nào phản ứng, vẫn duy trì tình trạng này, Nhà nước sẽ xử lý theo đúng pháp luật. Về phía DN, phải đảm bảo đúng tiến độ dự án như đã cam kết.  
 

Thủy điện Plei Kần được xây dựng tại thị trấn Plei Kần, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum với diện tích đất sử dụng là 128,6 ha, công suất 17 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 59,051.10triệu kWh. Được đánh giá là một trong những dự án có tầm quan trọng với kinh tế địa phương, sau khi đi vào vận hành, Thủy điện Plei Kần sẽ không chỉ góp phần cung cấp một lượng điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia mà giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông, mang lại công ăn việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn 2 huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô tỉnh Kon Tum.

 
P.V

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuy-dien-plei-kan-du-an-co-tam-quan-trong-voi-kinh-te-dia-phuong-sau-khi-di-vao-van-hanh-a230010.html