+Aa-
    Zalo

    Thủy sản Việt An: Chủ tịch ra đi, để lại món nợ nghìn tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm 2014 là năm đầy sóng gió trong tình hình quản trị của AVF đồng thời khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chính của Việt An là hoạt động sản xuất,xuất khẩu cá tra fillet

    Năm 2014 là năm đầy sóng gió trong tình hình quản trị của AVF đồng thời khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chính của Việt An là hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra fillet (chiếm tới 99\% tổng sản lượng của AVF hàng năm).

    Mọi sóng gió của Công ty Cổ phần Việt An (HOSE: AVF) bắt đầu từ cuộc họp hội đồng quản trị lần 2 năm 2014 vào ngày 29/6, khi đó, hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp cao trong HĐQT và thành viên ban kiểm soát bị thay thế.

    Trong đó, ông Lưu Bách Thảo bị miễn nhiệm đồng thời chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty CP Việt An. Thay thế ông Thảo là ông Nguyễn Thanh Hùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trương Thanh Long giữ chức vụ Tổng Giám đốc kể từ ngày 29/6/2014.

    Thủy sản Việt An: Chủ tịch ra đi, để lại món nợ nghìn tỷ

    Dây chuyền sản xuất cá fillet của AVF.

    Theo báo cáo tài chính quý III/2013 của AVF, hai cổ đông lớn nắm giữ trên 5\% vốn điều lệ là ông Lưu Bách Thảo (10,73\% cổ phần) và công ty Far East Venture đại diện bởi ông Daniel Yet (chiếm 8,58\% cổ phần).

    Sau nhiều lần bán tống bán tháo cổ phiếu, đến ngày 9/7/2014, ông Lưu Bách Thảo đã có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu nội bộ, bán nốt 1.732.510 cổ phiếu còn lại, chiếm 4\% cổ phần. Sau đó, ông Thảo chính thức không còn là chủ sở hữu của doanh nghiệp thủy sản từng đứng top đầu Việt Nam về xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới.

    Theo điều lệ của Việt An, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của AVF, nhưng riêng chức danh Tổng giám đốc của AVF cũng là cả một câu chuyện dài. Sau khi bổ nhiệm ông Trương Thanh Long, AVF lại không thay đổi giấy phép kinh doanh do “vướng thủ tục pháp lý, ông Long còn đang là đại diện pháp lý của đơn vị khác.

    Sau khi hoàn thành thủ tục chấm dứt tư cách pháp nhân ở công ty cũ, ông Long lại phải đi chữa bệnh mắt nên không đảm đương được nhiệm vụ và đã làm đơn từ nhiệm”. Do tính cấp bách phải bổ sung nhân sự điều hành, ngày 26/8 vừa qua, HĐQT của AVF đã thống nhất bổ nhiệm ông Lê Trọng An làm Tổng giám đốc.

    Mới đây nhất, ngày 11/11, HĐQT công ty CP Việt An lại có thêm nghị quyết 27/2014/NQ-HĐQT về việc chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Lê Trọng An, đồng thời bổ nhiệm ông Trần Văn Thu- Phó Tổng giám đốc AVF lên thay thế. Ông Trương Thanh Long lúc này đang là Phó chủ tich HĐQT giữ chức Phó Tổng giám đốc.

    Như vậy, chỉ trong vòng hơn 4 tháng, cương vị Tổng giám đốc- người đại diện theo pháp luật của AVF đã được thay đổi qua tay 4 vị lãnh đạo. Chính những sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của AVF đã khiến tình hình quản trị công ty gặp khó khăn, đối chiếu công nợ giữa các bên khó thực hiện, việc công bố thông tin theo yêu cầu của Sở GDCK Tp Hồ Chí Minh vì vậy mà chậm trễ, làm ảnh hưởng đến các cổ đông của công ty.

    Theo thông tư quy định của Bộ tài chính yêu cầu việc công bố BCTC bán niên được soát xét không quá 45 ngày sau ngày 30/6 và BCTC quý được soát xét không quá 20 ngày sau ngày kết thúc quý, Sở GDCK Tp Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi công văn nhắc nhở AVF.

    Cổ phiếu AVF đã bị nhắc nhở trên phạm vi toàn thị trường, sau đó đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 7/10/2014 do liên tục vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

    Thủy sản Việt An: Chủ tịch ra đi, để lại món nợ nghìn tỷ

    Cổ phiếu AVF ảm đạm những tháng vừa qua (kết quả giao dịch ngày 20/11).

    Theo BCTC được công bố mới đây của AVF, doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 giảm mạnh, chỉ còn 229 tỷ đồng, giảm 73\% so với cùng kì năm ngoái. Tính riêng quý II, AVF lỗ 111,5 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm lỗ 119,3 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế bán niên 2013 đạt 13,6 tỷ đồng.

    Trong biên bản giải trình biến động lợi nhuận 6 tháng đầu năm gửi Sở GDCK Tp Hồ Chí Minh, AVF giải thích sự sụt giảm lợi nhuận là do việc áp thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra fillet xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của Công ty.

    Mặc dù khoản thuế này không thuộc trách nhiệm của công ty và được chi trả bởi nhà nhập khẩu Mỹ nhưng nó cũng khiến việc sản xuất bị đình trệ và doanh thu sụt giảm đáng kể như trên.

    Giá vốn hàng bán cũng không được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ giá vốn trên doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 tăng lên 93\%, trong khi đó tỷ lệ này nửa đầu năm 2013 chỉ có 85\%. Doanh thu giảm sâu, các khoản chi phí không được kiểm soát hợp lý khiến AVF lỗ nặng.

    Về chênh lệch lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 trước và sau báo cáo kiểm toán soát xét, kiểm toán đã trích lập thêm 73 tỷ đồng dự phòng phải thu và trích trước lãi vay theo quy định.

    Bên cạnh đó, một số khoản mục được đưa vào phạm vi hạn chế soát xét như hàng tồn kho do khủng hoảng nguyên liệu và biến động nhân sự nên chưa kiểm kê được, các khoản phải thu và ứng trước cho nhà cung cấp không có đối chiếu công nợ do thay đổi Tổng giám đốc.

    Đáng lưu ý hơn cả, báo cáo soát xét còn nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của AVF do mặt hàng chính của Công ty là cá tra fillet (chiếm tới 99\% tổng sản lượng) bị áp thuế chống phá giá, điều này làm khả năng tạo dòng tiền và thanh toán công nợ của công ty bị ảnh hưởng.

    Bên cạnh đó, AVF phải gánh khoản chi phí lãi vay không hề nhỏ, tính riêng quý II/2014 là 47,4 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lên đến 60 tỷ đồng, gần gấp 2 lần so với cùng kì năm ngoái. Gánh nặng nợ mà các cổ đông còn lại đang phải gánh chịu khi ông Lưu Bách Thảo dứt áo ra đi lên đến 1.467 tỷ đồng (cả ngắn hạn và dài hạn) trên tổng nguồn vốn 1.880 tỷ đồng.

    Như vậy, hệ số nợ của AVF là 0,78; trong khi đó, các doanh nghiệp cùng ngành thủy sản thời điểm 30/6/2014 như thủy sản An Giang (HOSE: AGF) là 0,65 hay thủy sản Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) là 0,52.

    Như vậy, chỉ riêng nửa sau năm 2014, công ty Cổ phần Việt An đã kinh qua những thời điểm khó khăn nhất trong cả bộ máy lãnh đạo lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh. Liệu doanh nghiệp có thể vực dậy sau những biến cố thời gian vừa rồi để cạnh tranh trên thị trường thủy sản vốn có nhiều đối thủ ngày càng mạnh như hiện nay?

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuy-san-viet-an-chu-tich-ra-di-de-lai-mon-no-nghin-ty-a70243.html
    Khan hiếm tài nguyên thủy sản ven bờ.

    Khan hiếm tài nguyên thủy sản ven bờ.

    Thực tế, do trang thiết bị cùng nhiều yếu tố khác, ngư dân nước ta vẫn chủ yếu chỉ đánh bắt hải sản ở khu vực ven bờ khiến cho nguồn lợi tự nhiên quý giá này đang có nguy

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khan hiếm tài nguyên thủy sản ven bờ.

    Khan hiếm tài nguyên thủy sản ven bờ.

    Thực tế, do trang thiết bị cùng nhiều yếu tố khác, ngư dân nước ta vẫn chủ yếu chỉ đánh bắt hải sản ở khu vực ven bờ khiến cho nguồn lợi tự nhiên quý giá này đang có nguy