+Aa-
    Zalo

    Tiêm filler để "nâng cấp" vòng 1 tại spa, người phụ nữ 42 tuổi nhập viện vì biến chứng

    • DSPL
    ĐS&PL Bác sĩ phát hiện trong ngực của bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú mà nguyên nhân chính là do tiêm filler không rõ nguồn gốc.

    Nhập viện vì tiêm filler không rõ nguồn gốc

    Ngày 21/7 vừa qua, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Bưu Điện) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 42 tuổi bị biến chứng sau khi tiêm filler nâng ngực, theo Vietnamnet.

    Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt 38,5 độ C, đau sưng tức ngực cả 2 bên, ngực trái sưng to kích thước 6x8cm. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, hình ảnh qua siêu âm và chụp cộng hưởng từ, bác sĩ phát hiện trong ngực của bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến đa áp xe vú mà nguyên nhân chính là do tiêm filler không rõ nguồn gốc.

    Theo chia sẻ của bệnh nhân, cách đây khoảng 1 tháng, nghe lời quảng cáo của người quen, nữ bệnh nhân đã thực hiện dịch vụ tiêm filler nâng ngực tại đây với giá 7 triệu đồng.

    Sau tiêm 1 tuần, bệnh nhân phát hiện ngực căng tức và sốt cao trên 38 độ C, nên gọi hỏi nhân viên spa. Chị nhận được câu trả lời đây là "phản ứng bình thường", sẽ hết sau 2 - 3 ngày, nếu quá đau có thể uống kháng sinh. Tuy nhiên, sau khi dùng hết kháng sinh, tình trạng ngực bị nóng đỏ và căng tức không cải thiện và còn nặng hơn. Bệnh nhân đã đến Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Bưu Điện) để xử lý.

    Ths BS Hoàng Mạnh Ninh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ (Bệnh viện Bưu điện) cho biết, trường hợp bệnh nhân là bị áp xe đa ổ và viêm tại vị trí tiêm do trong quá trình tiêm filler nâng ngực không đảm bảo đúng kỹ thuật và không đảm bảo vô khuẩn.

    tiem filler nang nguc
    Các bác sĩ xử trí tổn thương và loại bỏ filler cho bệnh nhân. Ảnh: Vietnamnet.

    Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành rạch chích mủ làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử và filler không rõ nguồn gốc kết hợp dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị. Hiện, ngực của bệnh nhân đã giảm sưng và dịch mủ cũng ít đi và khả năng hồi phục rất tốt.

    Theo BS Ninh, sau khi tiêm filler không rõ nguồn gốc trong cơ thể vẫn còn filler nên tình trạng của bệnh vẫn tiến triển âm thầm từng đợt, phải điều trị nhiều lần, khuôn ngực biến dạng, để lại sẹo xấu co rút, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tâm lý và kinh tế.

    Không nên tiêm filler nâng ngực

    BS Ninh khuyến cáo, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler vì quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu. Một số ít trường hợp khi đến viện, vùng ngực đã bị hoại tử nặng phải cắt bỏ toàn bộ ngực để giữ tính mạng.

    Các bác sĩ cho rằng, tiêm filler mang đến hiệu quả nhanh chóng tuy nhiên phương pháp này chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai... với việc nâng ngực các chuyên gia làm đẹp khuyến cáo không thực hiện.

    Theo đó, vùng ngực là nơi nhạy cảm khi tiêm filler số lượng lớn có thể gây tắc mạch gây nhiễm trùng và ảnh hưởng rất lớn tới tuyến sữa sau này.

    Filler chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, nếu muốn duy trì kết quả cần phải tiêm lại nhiều lần, thông thường sau 1 - 2 năm. Tiêm thường xuyên có thể làm cho ngực bị nhão, chảy xệ và mất tính đàn hồi, phải tiêm nhiều lần nên chi phí khá tốn kém.

    Hiện nay chưa có loại filler nào đảm bảo an toàn tuyệt đối để nâng ngực, do đó các bác sĩ không khuyến khích nâng ngực theo cách này, theo Dân Việt.

    Linh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiem-filler-de-nang-cap-vong-1-tai-spa-nguoi-phu-nu-42-tuoi-nhap-vien-vi-bien-chung-a546099.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan