+Aa-
    Zalo

    Tiến sĩ chia sẻ cách dạy con nên người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đôi khi con cái bướng bỉnh cãi lại làm bạn đau đầu. Nhưng nếu đứa trẻ chỉ răm rắp nghe lời cũng không phải là điều tốt.

    Đôi khi con cái bướng bỉnh cãi lại làm bạn đau đầu. Nhưng nếu đứa trẻ chỉ răm rắp nghe lời cũng không phải là điều tốt.

    Tôi có một con gái 14 tuổi. Dù là con gái nhưng cháu rất bướng, không chịu nghe lời. Hầu hết những gì ba mẹ nhắc nhở cháu luôn tìm cách làm ngược lại hoặc chống đối ngầm. Tôi ra ngoài thì “hô mưa gọi gió” nhưng về nhà lại không thể dạy bảo được con mình. Vợ chồng tôi rất lo cứ tình trạng như hiện nay khi lớn cháu sẽ là đứa trẻ hư. Xin các chuyên gia cho chúng tôi lời khuyên, làm thế nào để con vâng lời?

    Hoài Nam (Long Biên, Hà Nội).

    TS. Nguyễn Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) tư vấn:

    Có lẽ bây giờ thì ít hơn, chứ ngày xưa, con vâng lời cha mẹ là một trong các biểu hiện ngoan ngoãn mà bọn trẻ con rất cần phải thực hiện. Tuy nhiên, vâng lời có tốt không và làm cách nào để con cái vâng lời là hai câu hỏi băn khoăn của các vị phụ huynh.


    Ảnh minh họa.

    Thật ra, con vâng lời vừa có cái tốt vừa có cái dở. Nếu các con bất kể cái gì cũng răm rắp nghe lời bố mẹ, bố mẹ không đưa ra chỉ thị thì chịu chết, không dám làm gì cả thì cũng không ổn. Như vậy, con sẽ rất thụ động mà không thể tự mình quyết định việc gì khi thiếu cha mẹ. Vì thế, đào tạo những đứa con nghe lời răm rắp quả là không phải hoàn toàn tốt đẹp. Có lẽ, các cha mẹ cũng cần phải lựa chọn, nên dạy con thế nào, có cần con nghe lời răm rắp hay không?

    Theo tôi, có vài điều chúng ta cần làm rõ ràng:

    1. Trong gia đình rất nên có các quy định rõ ràng. Với các quy định đó, cả nhà phải tuân thủ, không có trường hợp ngoại lệ. Đến lúc đó, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Bố mẹ lưu ý là nếu bố mẹ làm sai quy định cũng cần bị phạt để làm gương cho con cái nhé.

    2. Trong các vấn đề cần có sự quyết định, cha mẹ cần cho con làm quen với các quyết định và trả giá nếu như quyết định chưa hợp lý. Dần dà, con sẽ quen với việc đưa ra các quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình.

    3. Khi con còn nhỏ, để con có thể nghe và làm theo mọi việc một cách hợp lý, cha mẹ nên đưa ra nhiều phương án và cho con chọn lựa. Khi đưa ra phương án cũng nên nói trước các hậu quả của phương án giúp con có thêm thông tin để chọn.

    4. Khi gia đình có điều gì cần bàn bạc, cha mẹ rất nên cho con cùng tham gia. Nếu trong trường hợp con đưa ra ý kiến hợp lý, cha mẹ rất nên nghe theo con. Khi đó, con sẽ thấy được tôn trọng và sẽ chững chạc hơn nhiều.

    5. Khi các cha mẹ muốn con lắng nghe và làm theo lời khuyên của mình, hãy nghĩ cách lựa lời. Tôi sẽ nói hai câu để các cha mẹ hình dung và có thể hiểu được nên chọn câu nào khi khuyên nhủ con nhé: 1- Con đừng yêu cái thằng đó; 2- Bố mẹ nghĩ rằng bạn đó cũng rất tốt. Bố mẹ chỉ hơi lăn tăn một chút ở chỗ...

    6. Ngoài ra, khi muốn khuyên nhủ con, đừng ép con nghe theo kiểu: “Tao là bố mày”. Con sẽ phản ứng nếu bị ép đấy nhé. Ép dầu, ép mỡ, đừng cố ép con. Nói tóm lại, để khuyên nhủ hoặc yêu cầu ai đó làm việc gì, chúng ta phải dựa trên cơ sở các quy định. Ngoài ra, cuộc sống của ai cũng cần tự chủ. Các cha mẹ cần tôn trọng và tạo điều kiện cho con tự quyết hơn là ép con phải nghe lời mình răm rắp.

    Phong Linh (ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tien-si-chia-se-cach-day-con-nen-nguoi-a191434.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan