+Aa-
    Zalo

    Tiến sỹ tâm lý phân tích tình trạng trẻ hóa tội phạm

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - "Ý định phạm tội của người chưa thanh niên thường xuất hiện rất nhanh và thực hiện ngay - nghĩ là làm, không tính toán lợi hại, không cân nhắc hậu quả"

    (ĐSPL) - "Ý định phạm tội của người chưa thanh niên thường xuất hiện rất nhanh và thực hiện ngay - nghĩ là làm, không tính toán lợi hại, không cân nhắc hậu quả" - TS. Chu Văn Đức cho biết.

    Trong những năm gần đây, đối tượng phạm tội là thanh, thiếu niên tăng lên rất nhiều. Điều đáng lo ngại là hành vi phạm tội ở lứa tuổi này cũng có xu hướng ngày càng lạnh lùng và man rợ hơn. Nổi bật nhất có thể kể đến vụ Lê Văn Luyện phạm tội giết người, cướp của xảy ra tại tỉnh Bắc Giang. Sau vụ án Lê Văn Luyện, cộng đồng đã chứng kiến rất nhiều vụ án, trọng án khác nhau xảy ra mà thủ phạm thậm chí còn non nớt, trẻ tuổi hơn Luyện như: Vũ Văn Tú (Thanh Hóa) chỉ mới 15 tuổi nhưng đã ra tay sát hại bé 9 tuổi; vụ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến (đều chưa đầy 19 tuổi) ra tay sát hại 6 người ở Bình Phước.....

    Mới đây nhất, dư luận đang xôn xao vụ nghi phạm Nguyễn Phạm Quốc Bình năm nay chỉ mới 16 tuổi nhưng đã gây ra án mạng vô cùng "ớn lạnh" khi giết bạn gái rồi giấu xác trong thùng xốp ở chung cư Hà Đô, đường Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

    Để tìm hiểu thêm về vấn đề trẻ hóa tội phạm vị thành niên, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Chu Văn Đức - chuyên gia tâm lý học tội phạm, Phó trưởng Bộ môn Tâm lý học tội phạm trường Đại học Luật Hà Nội.

    PV: Theo Ông với những người chưa thành niên phạm tội, thông thường khi gây án họ đã có chủ định từ trước hay chỉ là bộc phát nhất thời?

    Tùy từng trường hợp, nhưng nói chung, người chưa thành niên phạm tội thường mang tính bột phát, nghĩa là chịu trách động nhiều của tình huống, hiếm khi có chủ động từ trước. Ý định phạm tội của họ thường xuất hiện rất nhanh và thường thực hiện ngay, nghĩ là làm, không tính toán lợi hại, không cân nhắc hậu quả. Vì vậy, hành vi phạm tội của người vị thành niên rất manh động, khó lường, nguy hiểm.

    Với những trường hợp ý định hạm tội xuất hiện từ trước, người chưa thành niên có sự suy tính "cẩn thận" thì quá trình này cũng phiến diện, chịu sự chi phối của một yếu tố trung tâm nào đó. Ví dụ để đạt được mục đích có tiền tiêu xài,  người chưa thành niên sẽ chỉ nghĩ đến việc đạt mục đích mà bỏ qua những yếu tố khác như những bất lợi, hậu quả của hành vi mình có thể mang đến.

    Đây là một đặc điểm chung của quá trình xử lý thông tin của não người, nhưng thể hiện mạnh hơn ở trường hợp người chưa thành niên.

    PV: Điều dư luận ngỡ ngàng là sau khi gây án, hung thủ vẫn bình tĩnh trong việc che giấu hành vi và bình thản "đấu trí" với công an. Đây có phải là biểu hiện tâm lý chung của các chủ thể phạm tội bao gồm cả những người trẻ phạm tội?

    Đây là đặc điểm nổi bật ở hung thủ là người chưa thành niên. Vì nhận thức còn hạn chế nên cả khi bị phát hiện, bị bắt giữ thì người chưa thành niên cũng không thấy hết hậu quả của việc mình làm. Do đó, họ "chưa biết sợ" và ít lo lắng, hơn nữa lòng kiêu hãnh của tuổi mới lớn không cho họ cảm thấy điều đó. Ngược lại, họ thường xem như đây là một thử thách cả về ý chí, lý trí, năng lực của mình, nghĩa là “cơ hội” để họ thể hiện, chứng tỏ mình.

    Biểu hiện, thái độ bình thản và cách gây án tàn bạo của nghi phạm khiến các chiến sĩ điều tra cũng như tất cả mọi người đều hết sức kinh ngạc. - Ảnh: Báo CAND

    PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ hóa tội phạm như hiện nay?

    Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trẻ hóa tội phạm, nhưng phải thừa nhận rằng đây là quy luật, chúng ta không thể đảo ngược. Bởi lẽ, bây giờ con người thứ gì cũng biết sớm hơn: gia nhập vào xã hội sớm hơn, có nhiều mối quan hệ sớm hơn, làm nhiều điều sớm hơn, tâm lí phát triển sớm hơn…Vì vậy, phạm tội sớm hơn, người phạm tội bị trẻ hóa là điều dễ hiểu.

    PV: Để ngăn ngừa tình trạng trẻ hóa tội phạm đang diễn ra hiện nay, cần có những biện pháp như thế nào?

    Có rất nhiều biện pháp nhưng trước hết chỉ hạn chế chứ chưa thể ngăn cản được xu thể. Trong công tác phòng ngừa hiện nay, nhiều biện pháp được áp dụng nhưng hiệu quả không cao bởi vì không thường xuyên, không quyết liệt, không nhất quán và thường mang tính phong trào, ít thực chất và quan trọng nữa là phương pháp cũng chưa đúng.

    Theo tôi, chúng ta cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất từ gia đình tới xã hội. Trong gia đinh, bố mẹ cần quan tâm đến con toàn diện hơn: không chỉ việc học mà cả những việc khác như vui chơi, giả trí, cả vật chất và tinh thần; bố mẹ cần đề cao các giá trị về sự thật, nói đi đôi với làm, phải thật sự là tấm gương để các con học tập.

    Xã hội cũng cần đề cao sự thật, danh dự, không phải là chạy theo đồng tiền bằng mọi cách như hiện nay, mà nếu có chạy theo đồng tiền thì cũng phải bằng cách chân chính.

    Trân trọng cảm ơn TS. Chu Văn Đức về cuộc trao đổi ./.

    Điều 69. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)

    1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

    Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

    2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

    3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

    4. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.

    5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

    Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

    Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

    6. án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tien-sy-tam-ly-phan-tich-tinh-trang-tre-hoa-toi-pham-a178886.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan