+Aa-
    Zalo

    Tiếng hát vượt lên phận đời đẫm nước mắt của danh ca Họa Mi

    • DSPL
    ĐS&PL Được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phát hiện và đặt nghệ danh, sự nghiệp của Họa Mi rực rỡ ở tuổi đôi mươi.

    Được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phát hiện và đặt nghệ danh, sự nghiệp của Họa Mi rực rỡ ở tuổi đôi mươi. Vậy mà khi thanh xuân đang rực cháy thì bi kịch đến với chồng khiến tiếng hát của Họa Mi không còn thánh thót.

    Duyên lạ tuổi 20

    Sinh năm 1955 với tên thật là Trương Thị Mỹ, danh ca Họa Mi không có được tuổi thơ êm đềm mà đầy sóng gió. Khi cha mất năm bà 11 tuổi cũng chính là lúc mẹ mang bệnh nặng. Bà và mẹ phải sống nương nhờ người anh trai của mẹ. Sáu năm sau, mẹ của Họa Mi cũng theo cha rời xa cõi tạm. Những đau đớn đầu đời luôn ám ảnh, theo bà đến tận bây giờ.

    Cuộc đời của thiếu nữ 15 tuổi bước sang một trang mới khi duyên phận đưa Trương Thị Mỹ gặp gỡ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Từ một giọng ca vô danh trong các hội đoàn, nhà thờ mang tên Trường My, bà đã được vị nhạc sĩ nức tiếng trao cho nghệ danh Họa Mi. Bà kể: “Tôi nhớ mãi thời khắc đó. Cuộc đời tôi như bừng sáng khi chú Hoàng Thi Thơ nói: “Từ hôm nay, cháu là Họa Mi, cuộc đời cháu sẽ đổi khác”. Tôi không bao giờ quên ơn của chú”. Sáu tháng sau, Họa Mi trở thành cái tên nổi tiếng khắp Sài Gòn. Một bước lên mây, bà tiếp tục lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn và chính thức thủ vai chính trong phim “Gió thoảng cuộc đời”.

    Đột nhiên, ở tuổi 20, Họa Mi bất ngờ lấy chồng. Thuở ấy, khi cộng tác tại đoàn kịch nói và ca nhạc Kim Cương, Họa Mi đã gặp gỡ nghệ sĩ kèn saxophone Lê Tấn Quốc. Anh là con út trong một gia đình đông con, 15 tuổi đã đi làm kiếm tiền phụ thêm với cha mẹ. Hoàn cảnh gia đình tương đồng đã khiến 2 nghệ sĩ tìm được sự đồng điệu.

    Quen biết nhau được 6 tháng, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc quyết định cầu hôn Họa Mi. Tuổi đời còn trẻ, chưa nghĩ tới việc sẽ lập gia đình và thời gian tìm hiểu cũng chưa lâu nhưng Họa Mi vẫn "đánh liều" đồng ý. Họa Mi chia sẻ: “Tôi muốn có cha mẹ để phụng dưỡng thì cũng không còn. Cho nên, thấy anh Quốc sống hiếu nghĩa tôi rất ngưỡng mộ. Chúng tôi quen nhau 6 tháng thì làm đám cưới”.

    Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi rất nghèo mà không hiểu sao vẫn nôn nóng làm đám cưới. Tôi bán chiếc tủ buffet được 100 đồng. Họa Mi dành dụm được 100 đồng. Chị Kim Cương tặng 200 đồng. Bà con hai họ cho thêm 200 đồng. Với số tiền đó, chúng tôi tổ chức đám cưới tại nhà gồm 2 mâm. Mâm trong nhà dành cho quý bà lớn tuổi. Mâm ngoài sân thì dành cho quý ông cao niên. Còn tụi trẻ chúng tôi chỉ đứng trò chuyện và chụp hình. Buổi chiều, chúng tôi lên nhà chị Kim Cương. Chị nấu món cà ri dê ăn với cơm trắng để đãi toàn bộ anh em nghệ sĩ trong đoàn kịch Kim Cương”.

    Gánh nặng ập xuống đôi vai người vợ

    Thiếu tình thương gia đình từ bé, nữ ca sĩ đã dồn hết yêu thương cho 18 người nhà chồng. Trong căn nhà nhỏ, Họa Mi bỏ lại hào quang nghệ thuật để làm dâu, chăm lo cơm nước và giặt giũ cho gia đình nhà chồng. Bà kể: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một chiếc giường nhỏ và ngăn vách bằng những tấm màn làm không gian riêng tư”.

    Một năm sau đám cưới, cuộc sống của vợ chồng Lê Tấn Quốc và Họa Mi vô cùng khó khăn khi họ có con đầu lòng. Rồi lần lượt có thêm 2 cháu. Sự thiếu thốn về tiền bạc khiến cho cả 3 đứa con rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng và lao phổi. Nhiều đêm mưa bất chợt đổ xuống khiến nhà dột, ngập nước, vợ chồng phải bồng con sang chỗ khô còn mình chịu ướt chờ mưa tạnh.

    Lúc đó, họ nhìn nhau mà rơi nước mắt cho cảnh nghệ sĩ nghèo khổ và túng thiếu. Suốt nhiều năm chung sống với nghệ sĩ Lê Tấn Quốc, tuy nghèo khó nhưng Họa Mi đã có được một chỗ dựa về tinh thần. Thế nhưng, hạnh phúc chưa được bao lâu thì chứng thoái hóa võng mạc lại cướp đi ánh sáng của nghệ sĩ Lê Tấn Quốc.

    Bà kể: “Lúc chưa cưới, tôi cũng đã biết anh Quốc có bệnh về mắt. Nếu một người bình thường nhìn được 360 độ thì anh chỉ nhìn được 30 độ nhưng lúc đó tôi luôn nuôi hy vọng là mắt anh sẽ được chữa khỏi...”. Khi bệnh tình của chồng ngày càng nặng, Họa Mi vừa là mẹ vừa là cha của bầy con, là đôi chân đưa chồng đi muôn nẻo hành trình trị bệnh.Vừa chạy chữa bệnh mắt cho chồng, vừa nuôi nấng 3 đứa con, vừa lo sự nghiệp, có đôi lúc Họa Mi cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Và rồi, biến cố năm 1988 đã thay đổi hôn nhân và cuộc đời của bà mãi mãi về sau...

    Biến cố định mệnh

    Năm 1988, Họa Mi có mặt trong đoàn nghệ sĩ TP.HCM sang Pháp lưu diễn. Khi về, đoàn điểm danh thấy thiếu mất bà. Họa Mi đã ở lại Paris. Vậy là mọi người xôn xao những lời dị nghị, nào là bà “phản bội quê hương”, nào là ích kỷ “bỏ của chạy lấy người” khi bỏ lại người chồng bệnh tật và 3 đứa con nheo nhóc ở quê nhà để thảnh thơi, ung dung chốn phồn hoa đô hội.

    Việc Họa Mi bất ngờ ở lại Pháp không chỉ tạo nên những làn sóng dư luận trong nước mà còn là một cú sốc đến bàng hoàng đối với gia đình Lê Tấn Quốc. Mặc ai nói gì, Họa Mi vẫn im lặng. Bà hứng chịu những lời dị nghị, đàm tiếu của dư luận chỉ để quyết tâm thực hiện một kế sách. Theo bà, chỉ có làm như thế mới mong cứu được đôi mắt của chồng mình và khả dĩ có thể cứu vãn được cuộc sống bấp bênh của gia đình bà lúc đó.

    Thế nhưng, sau bao nỗ lực bà lại phải đón nhận một sự thật phũ phàng. Căn bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố mà nghệ sĩ Lê Tấn Quốc mắc phải là căn bệnh không thể cứu chữa. Khi tia hy vọng cuối cùng bị dập tắt, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc rất đau khổ và cảm thấy bất lực nơi đất khách quê người. Cuối cùng, nghệ sĩ saxophone quyết định trở lại Việt Nam để kiếm sống bằng tài năng nghệ thuật của mình, cũng như nhẹ gánh phần nào cho Họa Mi. Còn bà phải ở lại Pháp để chăm sóc 3 đứa con khi bác sĩ cảnh báo căn bệnh của chồng có tính di truyền.

    Lê Tấn Quốc tâm sự: “Trước khi qua Pháp, tôi có nói với Họa Mi, nếu sang đó chữa khỏi mắt thì tôi ở lại, nếu không thì tôi sẽ về vì ở nhà còn mẹ già. 4 tháng ở Pháp là những tháng ngày thử thách kinh khủng nhất trong đời sống tình cảm của tôi. Lòng tôi quặn thắt khi nghĩ đến lúc mình về, gánh nặng 3 đứa con sẽ một mình bà ấy gánh nơi đất khách quê người, không bạn bè, không người thân thích...

    Mà tôi ở lại thì gánh nặng và nỗi khổ tâm của bà ấy còn gấp bội. Tôi rất sợ khi sống một nơi không có việc làm, lại bệnh tật như vậy, sống cô đơn mỗi ngày khi vợ con vì mưu sinh không có ở nhà, sống như vậy chắc chắn tôi sẽ bị tâm thần”.

    Hà Nhân

    Báo giấy Đời sống & Pháp luật số 37

    Còn tiếp...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieng-hat-vuot-len-phan-doi-dam-nuoc-mat-cua-danh-ca-hoa-mi-a224903.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan