+Aa-
    Zalo

    Tiếng nhục của Chiêu Quốc Vương và chuyện mỉa mai là “ả Trần”

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Trần ích Tắc (1254 - 1329) là con của vua Trần Thái Tông, em vua Thánh Tông, chú của vua Trần Nhân Tông, tháng 5 năm 1269 được vua Trần ban tước hiệu là Chiêu Qu

    (ĐSPL) - Trần Ích Tắc (1254 - 1329) là con của vua Trần Thái Tông, em vua Thánh Tông, chú của vua Trần Nhân Tông, tháng 5 năm 1269 được vua Trần ban tước hiệu là Chiêu Quốc Vương.

    Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại: "Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng (Trần Thái Tông), thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sỹ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người, đều được dùng cho đời... Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống Nam. Đến 1285, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng để mong được làm vua".

    Tranh vẽ chân dung Trần Ích Tắc.

    Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (ngày 15/3/1285), thế đang mạnh như chẻ tre, khiến kinh thành Thăng Long nhanh chóng bị thất thủ. Hai vua tạm rời kinh đô, cùng toàn dân chống giặc, dù tình thế nguy nan nhưng tinh thần Sát Thát dâng cao ngút trời. Trong khi đó, Ích Tắc hèn nhát đem cả gia đình dâng thư hàng giặc, sang Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên phong làm An Nam Quốc vương để chờ ngày quay về.

    Sau khi quân Nguyên Mông bị đánh đại bại, thua ở Đại Việt, Trần Ích Tắc vì hổ thẹn, không về nước nữa mà ở lại, rồi chết ở bên đó.

    Tuy nhiên, sách “Nguyên sử” của Trung Quốc lại chép khá nhiều thông tin về nhân vật này của nước Việt với nội dung hoàn toàn khác. Theo đó, trong hơn 40 năm sống trên đất khách, Trần Ích Tắc làm quan cho nhà Nguyên. Ông ta ở lại Ngạc Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), giữ chức quan Hồ Quảng bình chương chính sự, gia phong tới Ngân Thanh vinh lộc đại phu rồi Kim tử quang lộc đại phu, nghi đồng tam tư và chết ở Trung Quốc mùa hè năm Thiên Lịch thứ 2 (1329) đời Nguyên Văn Tông, thọ 76 tuổi. Năm Chí Thuận thứ nhất (1330) nhà Nguyên còn truy tặng tước Trung ý vương cho Trần Ích Tắc.

    Về thân thế của Ích Tắc, có một huyền thoại được chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: Khi Ích Tắc sắp ra đời, Trần Thái Tông mộng thấy một vị thần ba mắt từ trời xuống, nói với nhà vua rằng ông ta bị Thượng đế quở trách bắt xuống trần, vậy xin làm con vua, sau sẽ lại về phương Bắc. Khi ích Tắc ra đời, vua thấy trên trán con trai mình cái vết lờ mờ giống như con mắt thứ ba. Và mấy chục năm sau khi Trần Ích Tắc theo giặc sang Trung Quốc, người ta mới hiểu cái ý “sau lại về phương Bắc” mà vị thần kia đã nói.

    Người đời sau cho rằng, câu chuyện trên có lẽ chỉ được đặt ra để “chữa ngượng” phần nào cho hoàng thất mà thôi.

    Vì sự phản bội này mà sau này nhà Trần đã loại Ích Tắc ra khỏi tông thất, cho đổi tên thành ả Trần. Việc này cũng được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư: "(1289), tháng 5, sau khi đánh thắng quân Nguyên lần thứ ba, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng (Trần Thánh Tông) sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà".

    Vì thế, những ghi chép sách sử sau này đều gọi Trần Ích Tắc là ả Trần, có ý chê là hèn nhát và tiếng nhục còn mãi đến muôn thu vì rắp tâm phản dân hại nước, vun vén lợi lộc, quyền lực cho cá nhân mình vậy!

    Luật nay: Tội phản bội Tổ quốc thật khó tha

    BLHS nước CHXHCN Việt Nam coi phản bội Tổ quốc là tội phạm nguy hiểm hàng đầu trong số các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia. Điều 44 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.

    Phản bội Tổ quốc là hành vi của công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Cá nhân nào có hành vi vi phạm thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm (Điều 78 BLHS).

    Chủ thể của tội danh này là công dân Việt Nam, đang có quốc tịch Việt Nam. Nếu người nước ngoài cùng đồng bọn với người Việt Nam thực hiện tội phạm này thì cũng không cấu thành tội này mà có thể cấu thành một tội khác...

    Điều 78 được coi là tội đặc biệt nghiêm trọng, do vậy, người đủ 14 tuổi và có đầy đủ năng lực hành vi hình sự (không bệnh tâm thần hay các bệnh, khuyết tật khác ảnh hưởng đến khả năng thực hiện năng lực hành vi) nếu phạm vào Điều 78 BLHS thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

    Chỉ vì muốn tranh đoạt ngôi trưởng đích, Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống Nam. Đến 1285, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc lại xin hàng để mong được làm vua. Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (ngày 15/3/1285), Ích Tắc hèn nhát đem cả gia đình dâng thư hàng giặc, sang Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên phong làm An Nam Quốc vương để chờ ngày quay về. Sau khi quân Nguyên Mông bị đánh đại bại, thua ở Đại Việt, Trần Ích Tắc vì hổ thẹn, không về nước nữa mà ở lại, rồi chết ở bên đó...

    Đây là chuỗi hành vi thể hiện Trần Ích Tắc đã “câu kết với nước ngoài”; hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài hoặc tiếp tay cho nước ngoài, nhằm mục đích “gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

    Hành vi của Trần Ích Tắc đã xâm phạm đến sự độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Từ “câu kết” có nguồn gốc Hán Việt, là sự kết hợp giữa hai từ độc lập “câu” và “kết” theo cách diễn đạt của tiếng Việt. Có thể hiểu hành vi câu kết là sự quan hệ qua lại rất chặt chẽ, gắn bó, hạn chế giữa hai hay vài cá nhân, tổ chức với nhau. Mối quan hệ chặt chẽ này ràng buộc lẫn nhau, quyền và nghĩa vụ của người này cũng quyết định quyền và nghĩa vụ của người kia và ngược lại. Tính chất mối quan hệ này chặt chẽ, bên này không thể thiếu bên kia và ngược lại, cũng giống như quan hệ “môi hở răng lạnh” vậy.

    Là một công dân, nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu, huống hồ Trần Ích Tắc lại là dòng dõi vua chúa, mọi hành vi của ông ta đều có sức ảnh hưởng đến muôn dân vô cùng lớn.

    Phản bội Tổ quốc là tội có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm có hành vi câu kết với nước ngoài nhằm mục đích gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, không cần phải có hậu quả xảy ra.

    Khi dâng thư hàng giặc, Ích Tắc biết rõ hơn ai hết hậu quả của việc đó. Nếu quân Nguyên Mông chiếm được nước ta thì muôn dân, trong đó có cả Ích Tắc và gia đình ông ta, phải sống dưới ách ngoại xâm. Nói cách khác là hành vi đó đã gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Khi quân Nguyên Mông thua ở Đại Việt, vì quá hổ thẹn, Ích Tắc đã không dám trở về quê hương. Phần đời còn lại, ông ta phải sống và chết ở xứ người. Theo luật xưa, những kẻ đầu hàng giặc dù có tha hương ở xứ người cũng sẽ bị kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Tuy nhiên, do Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, nhà Trần không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là ả Trần, có ý chê ông ta hèn nhát như đàn bà.

    Nhiều ý kiến cho rằng hình phạt này là quá nhẹ. Có lẽ do Ích Tắc là hoàng thân quốc thích nên mới được “giơ cao đánh khẽ”. Chiếu theo luật ngày nay, sau khi xem xét tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ lượng hình tương xứng với hành vi mà Trần Ích Tắc gây ra theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 78 BLHS.

    Tuy nhiên, dù có biện minh thế nào thì đây cũng là vết nhơ khó rửa của một người được coi là “văn võ song toàn” Trần Ích Tắc. Cái tên “ả Trần” chính là “án chung thân” đối với những người chỉ vì lợi ích riêng mà đang tâm bán rẻ Tổ quốc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieng-nhuc-cua-chieu-quoc-vuong-va-chuyen-mia-mai-la-a-tran-a76724.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Án xưa: Kỳ án con rể thắng kiện, bố vợ sinh bệnh mà chết

    Án xưa: Kỳ án con rể thắng kiện, bố vợ sinh bệnh mà chết

    Vào khoảng niên hiệu Bảo Thái (từ 1/1720 đến 3/1729) đời vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương, ở huyện Phù Khang (nay là Phù Ninh - Phú Thọ) có viên giám sinh Nguyễn Danh Cử nhờ cúc cung tận tụy lại giỏi chạy chọt, đút lót quan trên, nên được "đặc cách", bổ dụng chức tri huyện Lập Thạch, trấn Sơn Tây (nay thuộc Phú Thọ).

     Án xưa: Kết cục bi thảm của viên Giám sinh Nguyễn Danh Cử

    Án xưa: Kết cục bi thảm của viên Giám sinh Nguyễn Danh Cử

    (ĐSPL) - Vào niên hiệu Bảo Thái, đời vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương, ở huyện Phù Khang (nay là Phù Ninh - Phú Thọ) có viên Giám sinh Nguyễn Danh Cử nhờ cúc cung tận tụy lại giỏi chạy chọt, đút lót quan trên, nên được "đặc cách" chức tri huyện Lập Thạch, trấn Sơn Tây…