+Aa-
    Zalo

    Tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt hoạt động của Hội Luật Gia VN

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - "59 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã không ngừng củng cố và phát triển, đã tổ chức 11 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc ngày càng trưởng thành về mọi mặt...".
    (ĐSPL) - "59 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã không ngừng củng cố và phát triển, đã tổ chức 11 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc ngày càng trưởng thành về mọi mặt...".
    Nhân dịp Kỷ niệm 59 năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh đã dành cho PV báo Đời sống và Pháp luật có buổi phỏng vấn về những thành tựu và nội dung mới trong hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
    Tiếp tục đổi mới, toàn diện các mặt hoạt động của Hội Luật Gia VN
    Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
    Thưa Chủ tịch, trong suốt 59 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã có một bề dày thành tích tự hào ở trong nước cũng như trên trường quốc tế. Ông có thể điểm qua một số kết quả đáng ghi nhận?
    - Trải qua 59 năm hình thành và phát triển, các thế hệ luật gia vui mừng và tự hào ôn lại những trải nghiệm và những chặng đường lịch sử Hội đã đi qua. 59 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã không ngừng củng cố và phát triển, đã tổ chức 11 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay Hội đã có hơn 45.000 hội viên; tổ chức của Hội đã được mở rộng tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; 408 quận/huyện hội; 52 chi hội trực thuộc Trung ương; Hội mới thành lập tại các bộ, ngành, doanh nghiệp cùng hàng trăm chi hội cơ sở xã, phường, thị trấn trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
    Trong 59 năm qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực: Tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Đảng và Nhà nước; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Hội; tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc thi hành pháp luật, hòa giải cơ sở, tư vấn, giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế Nhà nước; Tham gia các hoạt động cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng chống tội phạm; tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng tuyển chọn một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại nhân dân; vận động luật gia là người Việt Nam định cư nước ngoài đoàn kết, góp phần xây dựng đất nước.
    Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng nhất vào dịp Kỷ niệm 40 năm thành lập và Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp Kỷ niệm 50 năm.
    Để tiếp tục phát huy sức mạnh và những thành công đã có, các cấp Hội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị, Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, trong đó xác định Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp đặc thù với những đổi mới để nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng nhằm nâng cao hệ thống tổ chức, kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của các cấp Hội khá hơn.
    Công tác phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng như các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và phòng chống tội phạm luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, vậy trong thời gian tới sẽ có những điểm mới gì, thưa Chủ tịch?
    - Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tham gia xây dựng chính sách pháp luật: Chủ trì xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân nhằm hoàn thiện trình Quốc hội thông qua trong năm 2015, đồng thời lựa chọn những cán bộ của Hội Luật gia Việt Nam có uy tín tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án, văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan soạn thảo. Ngoài ra cũng đẩy mạnh tổ chức tốt công tác tham gia góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật, làm tốt chức năng phản biện đối với các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các cấp hội địa phương tiếp tục tham gia tích cực vào kế hoạch của Hội và chủ động tham gia vào việc xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
    Đối với công tác phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật, là thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng, cử đại diện tham gia Ban chỉ đạo và Ban thư ký của Hội đồng. Đồng thời Hội Luật gia Việt Nam chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các tầng lớp nhân dân bằng những nội dung và phương pháp phù hợp. Hội cũng sẽ mở rộng các hình thức, thông tin tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên nhiều kênh đa dạng như: Trang web của Hội, Báo Đời sống và Pháp Luật, Người Đưa Tin, Tạp chí Pháp lý... và các xuất bản phẩm của NXB Hồng Đức. Đặc biệt sẽ có những cuộc thi tìm hiểu về pháp luật được tổ chức trên các phương tiện truyền thông của Hội.
    Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục mở rộng các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các trung tâm trực thuộc Trung ương và 52 trung tâm ở các tỉnh, thành phố. Đáng chú ý sẽ chú trọng đến việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, những đối tượng dễ bị tổn thương, trẻ vị thành niên và nhân dân vùng sâu vùng xa. Hội cũng sẽ tổ chức thực hiện tốt đề án Xã hội hoá công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý nhằm tạo ra bước phát triển mới trong công tác này.
    Với tư cách là thành viên của Ban cải cách Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc tuyển chọn thẩm phán và kiểm sát viên. Ngoài ra Hội còn tham gia vào công tác cải cách thủ tục hành chính, tham gia, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải cơ sở.
    Thưa Chủ tịch, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, Hội Luật gia Việt Nam luôn được đánh giá rất cao, trong thời gian tới chúng ta phải tiếp tục thực hiện những gì, thưa ông?
    - Để tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trên trường quốc tế, Hội tiếp tục thực hiện tốt vai trò trong các tổ chức luật gia quốc tế và khu vực như: ủy viên ban thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL); thành viên tích cực của Hiệp hội luật gia các nước Đông Nam á (ALA)  Ngoài ra, Hội cũng tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các Hội Luật gia và các tổ chức quốc tế khác. Hội sẽ tích cực chủ động tuyên truyền các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ra nước ngoài theo đường lối nội dung phù hợp với chức năng của Hội. Hội Luật gia Việt Nam cũng xác định trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền chủ quyền trên Biển Đông.
    Xin chân thành cảm ơn Chủ tịch!
    Các giai đoạn phát triển của Hội Luật gia Việt Nam:
    1/. Giai đoạn từ Đại hội I đến Đại hội VI (1955 - 1980):
    Bối cảnh đất nước giai đoạn 1955 - 1980 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Cùng với nhân dân cả nước, Hội đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giành thắng lợi trên mặt trận giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã tham gia và góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh pháp lý đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Trong công tác đối ngoại Hội đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, trở thành thành viên của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế. Hoạt động của Hội luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao và góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của dân tộc.
    2. Giai đoạn từ Đại hội VI đến Đại hội IX (1980 - 2004):
    Trung ương Hội và một số cấp Hội địa phương đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu tăng cường, mở rộng hoạt động quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đảng. Những kết quả đạt được đã góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế  xã hội, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
    3. Giai đoạn từ sau Đại hội  X (2004 - 2010):
    Đây là giai đoạn Hội có nhiều đổi mới, đạt nhiều thành tựu quan trọng và thành công rực rỡ cả về công tác đối nội và công tác đối ngoại. Hoạt động của các cấp Hội đã nhận được sự đánh giá cao và dành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cũng như của các cơ quan và tổ chức trong và ngoài nước. Có thể nói giai đoạn 2004 - 2010 đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Hội. Những kết quả tốt đẹp đó mở ra những cơ hội mới phù hợp để Hội tiếp tục phát triển  cùng với sự phát triển của đất nước và sự tiến bộ của xã hội.
    4. Giai đoạn từ sau Đại hội  XI đến nay (2010 - 2014):
    Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội, trong những năm qua Hội Luật gia Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, phát huy vai trò và khả năng của đội ngũ luật gia trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và hội nhập quốc tế.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiep-tuc-doi-moi-toan-dien-cac-mat-hoat-dong-cua-hoi-luat-gia-vn-a27976.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội Luật gia

    Xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước đã giao cho Hội Luật gia

    (ĐSPL) Mới đây, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức chương trình hội thảo “Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý” tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang. Tham dự hội thảo có GS.TS Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh - Ủy viên ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cùng các cán bộ chủ chốt của Hội, những chuyên gia pháp luật khu vực phía Nam.

    LỄ KÝ KẾT THẢO THUẬN HỢP TÁC GIỮA HỘI LUẬT GIA VN VÀ TỔNG CỤC VIII - BỘ CÔNG AN

    LỄ KÝ KẾT THẢO THUẬN HỢP TÁC GIỮA HỘI LUẬT GIA VN VÀ TỔNG CỤC VIII - BỘ CÔNG AN

    Sáng ngày 5 tháng 9 năm 2012, tại trụ sở Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng Cục VIII), Tổng Cục VIII và Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.