Tìm hiểu các phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa


Thứ 4, 05/05/2021 | 03:18


Viêm da cơ địa là một dạng viêm da mãn tính gây ngứa, thường đi kèm với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng...

Viêm da cơ địa là một dạng viêm da mãn tính gây ngứa, thường đi kèm với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng... 

Làm thế nào để nhận biết viêm da cơ địa? 

Viêm da cơ địa có thể khởi phát ở bất kỳ vùng da nào nhưng thường gặp nhất là ở bàn tay và các nếp gấp: khoeo chân, gấp khuỷu tay.... Các triệu chứng của bệnh khi xuất hiện sẽ rầm rộ từng đợt rồi thuyên giảm và sau một thời gian lại tái phát, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn viêm da cơ địa thường khởi phát thành từng đợt, trong đợt cấp tính có thể hình thành một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ ngứa nghiêm trọng hơn vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Khi bệnh thuyên giảm, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.

Cảm giác ngứa ngáy khó chịu khiến người bệnh phải gãi nên dễ gây trầy xước vùng da bị bệnh, nghiêm trọng có thể gây nhiễm trùng, tổn thương sẽ sưng viêm, tiết mủ đục, có mùi hôi. Tình trạng ngứa mạn tính đi kèm việc chà xát kéo dài sẽ khiến vùng da bị bệnh dày lên, khô và nứt nẻ.

Nguyên nhân gì gây viêm da cơ địa 

Viêm da cơ địa là một loại bệnh dị ứng, miễn dịch có tính di truyền. Nguyên nhân chính xác của viêm da cơ địa cho đến nay vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia cho rằng do da quá khô và dễ bị kích thích, đồng thời, những rối loạn bẩm sinh trong hệ thống miễn dịch cũng có thể gây nổi mẩn ngứa trên da. Theo đó, tình trạng này có thể khởi phát từ tuổi sơ sinh cũng và phổ biến hơn trong gia đình có các thành viên có bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng...

Bên cạnh đó, bệnh còn dễ khởi phát hơn hay làm những triệu chứng nặng nề hơn khi tắm nước nóng hoặc tắm quá lâu, thay đổi xà phòng, thay đổi nhiệt độ, bài tiết mồ hôi, môi trường có độ ẩm thấp, mặc quần áo lông cừu hoặc vải nhân tạo, len dạ, tiếp xúc bụi bặm, lông động vật, khói thuốc lá hay ăn một số loại thực phẩm dễ bị dị ứng như trứng, sữa, cá, đậu nành hay lúa mì... 

Hiên nay, nguyên nhân gây bệnh chỉ được xác định khi thực hiện các xét nghiệm rất chuyên sâu nhưng cũng không phải lúc nào cũng xác định được. Do đó, người bệnh thường được khuyến cáo nên tránh các yếu tố dễ gây kích thích, nhằm hạn chế khả năng khởi phát bệnh.

Những phương pháp áp dụng điều trị bệnh viêm da cơ địa 

Mục đích điều trị viêm da cơ địa là để giảm triệu chứng và ngăn chặn các cơn ngứa bùng phát trong tương lai, tránh biến chứng xuất hiện. Các loại thuốc điều trị thường được bác sĩ chỉ định:

Kem chống ngứa: Dùng bôi trực tiếp vào vùng da có triệu chứng. Trường hợp bệnh nhân bị ngứa quá nặng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, đôi khi phải cần đến thuốc kháng histamine đường uống.

Kem dưỡng ẩm: sử dụng kết hợp với kem chống ngứa làm giảm thiểu triệu chứng. Ngoài những cơn cấp, cần thường xuyên dưỡng ẩm để làm mềm da khi thời tiết lạnh và khô, tránh để da nứt nẻ sẽ làm dễ gây ngứa.

Kem kháng viêm: làm giảm phản ứng viêm tại chỗ quá mức giúp triệu chứng thuyên giảm hơn, da bớt mẩn đỏ, sưng, ngứa. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng kem kháng viêm khi đã bớt ngứa và tăng cường các liệu pháp tự chăm sóc khác như làm ẩm da, mềm da cũng giúp kiểm soát viêm da cơ địa mức độ nhẹ thay vì dùng thuốc. 

Kháng sinh: trường hợp da người bệnh bị nhiễm trùng sẽ được bổ sung thêm kháng sinh trong một thời gian ngắn để điều trị nhiễm trùng. Nếu vết thương hở có chảy dịch, người bệnh sẽ được đắp gạc, vệ sinh và thay băng mỗi ngày nhằm tránh bội nhiễm.

Hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát: Nhiều bệnh nhân không biết viêm da cơ địa có lây không và lo lắng sẽ lây cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh do cơ địa của từng người nên sẽ không lây nhiễm.

Các biện pháp điều trị khác: Liệu pháp miễn dịch đang được ứng dụng trong điều trị viêm da cơ địa nói riêng và các bệnh do rối loạn miễn dịch khác nói chung. Tuy nhiên, hiệu quả về lâu dài hay tính an toàn của các nhóm thuốc này vẫn chưa được chứng thực nên chỉ được áp dụng cho trẻ em trên 2 tuổi và cho người lớn. Theo các chuyên gia bệnh học, phương cách này chỉ được dùng khi phương pháp điều trị khác không có tác dụng hoặc hoàn toàn không dung nạp được.

Phúc Hưng

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tim-hieu-cac-phuong-phap-dieu-tri-benh-viem-da-co-dia-a364631.html