+Aa-
    Zalo

    Tin thế giới mới nhất ngày 28/9/2017

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin thế giới mới nhất ngày 28/9/2017. Cập nhật tin thế giới mới nhất ngày 28/9/2017 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin thế giới mới nhất ngày 28/9/2017. Cập nhật tin thế giới mới nhất ngày 28/9/2017 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tên lửa rơi gần nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hạ cánh ở Afghanistan

    Theo tin tức trên báo Dân trí, ngày 27/9, RT đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã trở thành mục tiêu của một vụ tấn công khủng bố khi ông vừa hạ cánh tới thăm Afghanistan.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (Ảnh: AFP)

    Cụ thể, Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Najib Danish chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng: “Một rocket rơi gần sân bay Kabul sáng nay. Không có thương vong". Hiện ông Mattis đang tham gia một cuộc họp báo tại Afghanistan.

    Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công trên, nói rằng mục tiêu của những kẻ khủng bố là ông Mattis. Ngay sau đó, theo Reuters, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng khẳng định đã bắn tên lửa tới sân bay Kabul. Theo trang tin Amaq của IS, các phiến quân này đã sử dụng tên lửa SPG-9 và đạn cối cho cuộc tấn công.

    Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Mattis tới Afghanistan kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Kabul hồi tháng 8.

    “Quân đội của chúng ta sẽ chiến đấu để giành chiến thắng”, ông Trump khẳng định. Ông cho rằng việc Mỹ “rút lui vội vã” sẽ tạo ra tình thế có lợi cho những kẻ khủng bố. Vì vậy, quân đội Mỹ sẽ vẫn tham chiến tại Afghanistan và sẽ tấn công “nhanh và mạnh” nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố hiện diện ở đây.

    Người Kurd chọn tách khỏi Iraq, thành lập nhà nước riêng

    Báo Tri thức trực tuyến thông tin, ngày 27/9, Cao ủy Bầu cử và Trưng cầu dân ý của chính quyền khu vực người Kurd cho biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý là người dân tại đây đã chọn thành lập một nhà nước độc lập, bất chấp cuộc bỏ phiếu gây tức giận đối với chính quyền trung ương tại Baghdad.

    Lực lượng an ninh người Kurd khám xét những người đến bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters.

    Reuters cho biết 92% cử tri đã chọn phương án độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 25/9.

    Chính quyền Iraq cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này là vi hiến, đặc biệt khi nó được tổ chức không chỉ trong khu vực tự trị của người Kurd mà còn ở những lãnh thổ tranh chấp do người Kurd chiếm giữ ở phía bắc Iraq. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của nhiều người gốc Thổ và người Arab, những cộng đồng phản đối cuộc trưng cầu dân ý này.

    Trước đó, Baghdad đã gia tăng áp lực lên cộng đồng người Kurd và yêu cầu họ hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý này. Quốc hội thúc ép chính quyền trung ương điều quân đến để kiểm soát những vùng khai thác dầu trọng yếu đang bị lực lượng người Kurd kiểm soát.

    Nga tiêu hủy vũ khí hóa học cuối cùng

    Theo báo Vnexpress, ngày 27/9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện nghĩa vụ theo Công ước Vũ khí Hoá học (CWC), nhằm phá huỷ hoàn toàn kho vũ khí hoá học và chúng tôi đã làm trước tiến độ".

    Nga tiêu hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng tại một nhà máy xử lý gần làng Kizner ở Udmurtia vào ngày 27/9.

    Một nhân viên đi qua lô vũ khí hóa học chờ tiêu hủy tại Shchuchye, Russia năm 2009. Ảnh: Reuters.

    Nga ký CWC vào năm 1993 và khởi động chương trình tiêu hủy vào năm 1996, điều giúp họ tham gia vào Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học (OPCW) - cơ quan giám sát công ước, một năm sau đó.

    Vào thời điểm đó, Nga tuyên bố sở hữu khoảng 40.000 tấn vũ khí hóa học và cam kết tiêu hủy trước năm 2020.

    Năm 2002, Nga bắt đầu vận hành nhà máy tiêu hủy chuyên dụng đầu tiên và sau đó mở thêm cơ sở vào năm 2007, 2009, 2010 và 2013. Đến năm 2015, khoảng 92% kho chất độc đã bị tiêu hủy. Nga cũng phá hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng những nhà máy từng sản xuất vũ khí hóa học.

    Hồi tháng ba, Nga đã tiêu hủy kho khí độc cuối cùng và vào tháng 6, Nga tuyên bố họ không còn sở hữu chất độc thần kinh sarin.

    Xả súng điên cuồng vào trung tâm cai nghiện, 14 người thiệt mạng

    Báo Công an nhân dân dẫn nguồn tin theo RT, sự việc xảy ra tại trại Uniting Families, thành phố Chihuahua, thủ phủ của bang cùng tên vào sáng 27/9. Một nhóm vũ trang chưa rõ tên đã xả súng điên cuồng vào những người cai nghiện và nhân viên khiến 14 người thiệt mạng, 8 người bị thương.

    Trong số những người bị thương có 6 người đang trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, tại cơ sở cai nghiện này chỉ có khoảng 25 người.

    Một video được phát trực tuyến cho thấy cảnh sát và xe cứu hỏa đang tiến đến hiện trường nhằm thực hiện công cuộc cứu hộ. Giới chức địa phương đã nhờ cậy sự giúp đỡ của cả quân đội để thiết lập các trạm kiểm soát nhằm ngăn những kẻ thủ ác chạy trốn.

    Rối trí với thông điệp của Tổng thống Trump, Triều Tiên 'gõ cửa' chuyên gia Mỹ

    Tin tức được đăng tải trên TTXVN. "Mối lo ngại số một của họ là ông Donald Trump. Họ không thể nắm bắt được ông ấy", tờ Washington Post dẫn lời một người biết về việc tiếp cận của Bình Nhưỡng với các chuyên gia châu Á có liên hệ với đảng Cộng hòa của Mỹ.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sputnik

    Không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên muốn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này, và chính quyền Tổng thống Trump cũng đã nói rõ rằng Washington cũng không muốn đàm phán trong lúc này.

    Tại một cuộc gặp đa phương ở Thụy Sĩ hồi tháng trước, các đại diện Triều Tiên chỉ muốn bàn luận về việc được công nhận là một quốc gia vũ khí hạt nhân và không thể hiện bất cứ sự sẵn sàng nào trong việc nói chuyện về phi hạt nhân hóa.

    Tuy nhiên, muốn hiểu hơn về ý định của Mỹ mà không có các cuộc đàm phán ngoại giao chính thức với Chính phủ Mỹ, phái đoàn Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã mời ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nay là chuyên gia cấp cao về Triều Tiên của Heritage Foundation, tới Bình Nhưỡng để nói chuyện.

    Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump có mối quan hệ gần gũi với Quỹ Heritage.

    Ông Bruce Klingner đã từ chối lời mời của Bình Nhưỡng: “Họ đang tìm cách tiếp cận với các học giả và cựu quan chức Mỹ. Tuy các cuộc gặp như vậy là hữu ích, nhưng nếu Triều Tiên muốn gửi một thông điệp rõ ràng, họ nên tiếp xúc trực tiếp với Chính phủ Mỹ”.

    Các nhà trung gian hòa giải Triều Tiên cũng tiếp cận với ông Douglas H.Paal, từng là chuyên gia châu Á về Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời các cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan và George H.W. Bush, hiện là Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế.

    Họ muốn ông Douglas H.Paal sắp xếp các cuộc gặp giữa giới chức Triều Tiên và các chuyên gia Mỹ có mối quan hệ với đảng Cộng hòa ở một địa điểm trung lập như Thụy Sĩ. Tuy nhiên, Ông Douglas H.Paal cũng từ chối yêu cầu của Triều Tiên.

    Trong khi đó, ông Evans Revere, cựu quan chức Bộ Ngoai giao Mỹ từng có liên lạc với Triều Tiên, người cũng tham gia cuộc họp nói trên ở Thụy Sĩ, nhận định: "Theo phỏng đoán của riêng tôi, họ đang bối rối về hướng đi mà Mỹ đang tiến hành, thế nên họ đang tìm cách mở các kênh để bắt mạch Washington… Họ chưa bao giờ thấy Mỹ hành động như vậy trước đây".

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-the-gioi-moi-nhat-ngay-2892017-a203303.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan