20 năm sau ngày ra đi của Công nương Diana


Thứ 5, 31/08/2017 | 12:39


Cùng sự kiện

Cách đây 20 năm, hôm 31/8/1997, Công nương Diana, Vương phi xứ Wales đột ngột qua đời, khiến cả thế giới bàng hoàng.

Cách đây 20 năm, hôm 31/8/1997, Công nương Diana, Vương phi xứ Wales đột ngột qua đời, khiến cả thế giới bàng hoàng.

Công nương Diana ngồi trước thềm nhà ở Highgrove, Gloucestershire, Anh, ngày 18/7/1986. - Ảnh: Getty.

Vào ngày Công nương Diana qua đời 20 năm trước, cả nước Anh chết lặng trong bàng hoàng. Hàng ngàn bó hoa được đặt nghiêm trang bên ngoài cung điện Kensington, các đám đông xếp hàng dài qua bao con phố, các cửa hàng, công ty đều đóng cửa để bày tỏ sự tôn kính Công nương quá cố Diana...

Sự ra đi của Công nương Diana đã làm cả nước Anh thay đổi. Không khí tang thương ở mọi nơi kể từ ngày 31/8/1997. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn không tin vào sự thật rằng Công nương Diana đã ra đi mãi mãi.

Cả nước Anh bàng hoàng

Sau sự ra đi của Công nương Diana vào ngày 31/8/1997, tất cả trang báo tại nước Anh và trên toàn thế giới đều đưa tin cho thấy, những con phố trên khắp thủ đô đều chìm trong đau buồn. Sự ra đi của Công nương Diana đã làm mọi người vô cùng thương tiếc. Trước đó, kể cả những lãnh đạo nổi tiếng được mọi người yêu mến cũng chưa được dân chúng tiếc thương như khi Công nương Diana qua đời.

"Rất đông người từng xuống đường tham gia đám tang của Winston Churchill vào năm 1965 nhưng đa phần mọi người đều bày tỏ niềm tiếc thương trong im lặng. Còn với sự ra đi của Công nương Diana, đâu đâu cũng thấy giọt nước mắt. Trong mắt dân chúng, Công nương Diana như một biểu tượng tinh thần của nước Anh".

Tin thế giới - 20 năm sau ngày ra đi của Công nương Diana (Hình 2).

Những bó hoa đặt trước cửa cung điện Kensington.

Tiến sĩ Simon Critchley, một trong rất nhiều học giả nghiên cứu về Công nương Diana sau khi bà qua đời cho rằng, Công nương đã trở thành một "cột thu lôi thế gới, gom lại những nỗi đau, lòng thương và sự tiếc thương của người dân trên khắp thế giới".

Những dòng người lặng lẽ bước qua cổng cung điện Kensington, đặt từng bó hoa trước cổng đầy nghiêm trạng. Nhiều người đứng lặng lẽ, đâu đó có tiếng khóc nấc, những người quỳ gối, mắt lệ nhòa.

"Sinh ra là một quý cô thanh lịch, lớn lên trở thành Công nương nước Anh và chết như một vị thánh", dòng chữ trên một vòng hoa. "Công nương của muôn vạn người: Bà sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi".

"Diana là nữ hoàng trong lòng tôi", Kerry Taylor, 18 tuổi chia sẻ. Cô đã được bệnh xá cho phép ra ngoài vào buổi sáng hôm đó để cùng dòng người tưởng niệm trước cửa cung điện Buckingham. "Tôi chưa bao giờ dám nói với ai về chứng bệnh chán ăn của mình cho đến khi Công nương Diana nói về cô ấy".

Tang lễ của Công nương Diana được tổ chức vào ngày 6/9. Thi thể của Công nương Diana được đặt trong một quan tài bằng đá và được tiễn đưa bởi hơn 2 triệu người đứng bên đường phố. Lộ trình bắt đầu từ nhà thờ Hoàng gia, xuống đại lộ trung tâm, trước khi vào Tu viện Westminster. Ban tổ chức đã đưa bà về chôn cất ở quê nhà tại Althorp để được gần bố mẹ và những người thân.

Phản ứng của Hoàng gia Anh 

Sau khi nghe tin Công nương Diana qua đời, việc đầu tiên mà gia đình Hoàng gia Anh làm là đi tới nhà thờ tại Balmoral. Đó là một ngày chủ nhật như mọi ngày. Mọi người vẫn muốn duy trì thói quen mà họ "từng làm trước đây". Vài giờ trước đó, hoàng tử William, khi đó 15 tuổi và Harry, 12 tuổi, thức dậy với tin sét đánh ngang tai: mẹ của các cậu đã qua đời trong vụ tai nạn giao thông tại Paris.

"Hoàng tử Harry đã hỏi cha mình: Mẹ mất thật rồi ạ?", Tina Brown -  tác giả cuốn sách viết về công nương Diana, chia sẻ. "Hai hoàng tử không hiểu tại sao mọi thứ trông tưởng như rất đỗi bình thường, chỉ trừ việc một vài giờ trước đó, thái tử Charles nói với các con rằng mẹ đã qua đời".

Tuy nhiên, suốt buổi lễ tại nhà thờ Crathie Kirk, không ai được nhắc tới cái chết của Công nương Diana, theo yêu cầu của Nữ hoàng. Lúc bấy giờ, nhiều người dân Anh tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy 2 hoàng tử xuất hiện trong buổi lễ nhà thờ. Theo người ghi chép trong hoàng gia Ingrid Seward, ông nhớ lại thái độ của dân chúng khi đấy: "Làm sao các hoàng tử có thể như vậy? Mẹ của họ vừa mới qua đời mà".

Tin thế giới - 20 năm sau ngày ra đi của Công nương Diana (Hình 3).

Cả gia đình hoàng gia vẫn đi đến nhà thờ sau khi nghe tin công nương Diana qua đời.

"Nhiều người rất ngạc nhiên khi tại sao các hoàng tử không được nghe nhắc tới cái chết của mẹ mình. Trong khi tin tức đó khiến cả nước đau lòng".

Nữ hoàng Anh lo sợ rằng việc nhắc về cái chết của công nương Diana sẽ khiến các cháu nội suy sụp. Bà cũng ra lệnh tạm thời bỏ hết các tivi và đài tại Balmoral để các hoàng tử không nghe những thông tin chi tiết về cái chết của mẹ mình.

Hoàng gia Anh đã dành 1 tuần để làm lễ tang và tưởng nhớ Công nương Diana. Ban đầu, hai chàng hoàng tử dường như phân vân, nhưng sau khi nghe ông nội là Hoàng thân Philip nói trên loa rằng, họ là những cậu bé mất mẹ, William và Harry đã lựa chọn đi sau quan tài của mẹ cùng với bố, ông nội và bác mình.

Thuyết âm mưu

Chiếc xe Mercedes có công nương Diana, bị bẹp dúm phần đầu - Ảnh: Getty.

Cơn sốc của thế giới nhanh chóng bị thay thế bằng những lời bàn luận: Vai trò của tay paparazzi đêm thời điểm đó là gì? Có lực lượng đen tối nào lên kế hoạch vụ tai nạn?... và nhiều câu hỏi khác, theo Tuổi Trẻ.

Thời điểm đó Công nương Diana rất nổi tiếng, và những tiết lộ về cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của cô đã trở thành nỗi xấu hổ của Hoàng gia Anh. Diana chia tay Thái tử Charles năm 1992.

Trong một lá thư viết năm 1995, Công nương Diana đã nói đến nỗi lo bị Thái tử Charles lên kế hoạch “một vụ tai nạn xe”, dù cô cũng ngờ rằng mình có thể chết trong một vụ rơi máy bay nào đó.

Một trong những nhân vật lên tiếng mạnh mẽ nhất khi đó là tỉ phú Mohammad Al Fayed, cha của Dodi Fayed. Ông là chủ sở hữu của khách sạn Ritz ở Paris và trung tâm thương mại Harrod ở London.

Ông Al Fayed tuyên bố Hoàng thân Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth II, là người giật dây các điệp viên Anh giết Diana và Dodi vì ông không ủng hộ mối quan hệ này. Nhà tỉ phú nói Diana đã mang thai và có ý định cưới Dodi, nhưng Hoàng gia Anh không thể chấp nhận một vị công nương cưới một người Hồi giáo.

Năm 2008, Al Fayed khai trong một cuộc thẩm vấn rằng bản danh sách những người đứng sau âm mưu bao gồm Hoàng thân Philip, Thái tử Charles, cựu thủ tướng Anh Tony Blair, bà Sarah McCorquodale - chị của Diana, hai cựu cảnh sát trưởng London và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Di sản sống mà Công nương Diana để lại

"Biển hoa" được đặt ở cửa Cung điện Kensington tại London khi người dân tới tưởng niệm Công nương Diana ngày 4/9/1997. Ảnh: AP.

Công nương Diana ra đi để lại hai người con trai, Hoàng tử William, năm nay 35 tuổi, và Hoàng tử Harry, 32 tuổi. Họ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống nước Anh khi công chúng dồn sự chú ý vào thế hệ kế cận của Hoàng gia, báo Tri thức trực tuyến đưa tin.

“Di sản quan trọng của bà chính là con cái. Họ được công chúng yêu mến một phần vì là con trai bà. Công việc từ thiện mà họ đang thực hiện tiếp nối những gì bà từng làm. Đó là những vấn đề khó như sức khỏe tâm thần, giống như cách bà từng góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về AIDS”, Andrew Morton, người viết tiểu sử về Diana, nói với AP.

“Bởi vậy, bà ấy có một di sản sống”, Morton nhận định.

Cuốn sách của Morton về Diana năm 1992 cho thấy nỗi tuyệt vọng của bà đã dồn nén tới mức nào. Công nương từng vật lộn với chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng và tìm cách tự làm tổn thương bản thân.

Diana chìm trong “nỗi bất hạnh sâu sắc” trong mối quan hệ với Charles. Họ chấm dứt quan hệ vợ chồng bằng cuộc ly hôn cay đắng vào năm 1996.

Kết cục này không phải là điều được trông đợi. Charles là người thừa kế ngai vàng và việc Diana gia nhập gia đình Hoàng gia đồng nghĩa một ngày nào đó bà sẽ trở thành nữ hoàng.

Câu chuyện phản bội và ngoại tình của cặp đôi Hoàng gia cũng giống với những cặp vợ chồng khác. Tuy nhiên, khác với người thường, đời tư của họ lại được phơi bày trước công chúng. Mỗi người sử dụng các cuộc phỏng vấn trên truyền hình và các cuốn sách viết tốt cho mình để kêu gọi sự cảm thông của mọi người.

Charles, với vẻ ngoài có phần lạnh lùng và khó gần không thể cạnh tranh với vẻ yêu kiều của Diana, nhất là khi công chúng tin rằng có người thứ 3 xen vào cuộc hôn nhân của họ. Điều này ám chỉ Camilla Parker Bowles, người kết hôn với Charles 8 năm sau cái chết đột ngột của người vợ đầu.

Nhiều người coi Diana như một bà mẹ trẻ bị người chồng gia trưởng đối xử bất công khi không chịu từ bỏ nhân tình dù Công nương từng thừa nhận bà cũng có những cuộc tình riêng.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/20-nam-sau-ngay-ra-di-cua-cong-nuong-diana-a200646.html