Bố mẹ nam bệnh nhân sống thực vật hơn 10 năm đấu tranh để con tránh "cái chết nhân đạo"


Thứ 5, 23/05/2019 | 03:23


Tòa Phúc thẩm Paris đã ra lệnh cho các bác sĩ tại Reims tiếp tục duy trì sự sống của Lambert, một bệnh nhân đã sống thực vật trong suốt hơn 1 thập kỷ.

Tòa Phúc thẩm Paris đã ra lệnh cho các bác sĩ tại Reims tiếp tục duy trì sự sống của Lambert, một bệnh nhân đã sống thực vật trong suốt hơn 1 thập kỷ. 

Bệnh nhân Vincent Lambert, 42 tuổi, bị tổn thương não nghiêm trọng sau một vụ tai nạn giao thông năm 2008. Ảnh: Getty

Hôm 20/5, tòa án tại Paris (Pháp) đã ra lệnh nối lại các thiết bị hỗ trợ sinh tồn cho Vincent Lambert, một bệnh nhân sống thực vật hơn 10 năm sau khi bị tai nạn giao thông. Trong khi chỉ khoảng 12 giờ trước đó, các bác sỹ đã bắt đầu ngừng việc duy trì sự sống cho người này. 

Bệnh nhân Vincent Lambert, 42 tuổi, bị tổn thương não nghiêm trọng sau một vụ tai nạn giao thông năm 2008 và sống thực vật suốt hơn 1 thập kỷ qua. Ông gần như không có ý thức nhưng có thể thở không cần máy và thỉnh thoảng cử động mắt.

Các bác sĩ nhận định Vincent Lambert sẽ không bao giờ hồi phục. Từ đầu tháng 5, họ tuyên bố giảm dần sự chăm sóc cho bệnh nhân.

Theo đề nghị của vợ và một số người thân, cũng như phù hợp với luật hiện hành của Pháp, các bác sỹ đã ngừng hỗ trợ sự sống cho Lambert vào ngày 20/5.

Vợ ông Vincent Lambert, bà Rachel Lambert, đã khẳng định, chồng bà đã cố gắng diễn tả bằng lời nói rằng ông không muốn được sống trong tình trạng thực vật. Bà và 6 người thân khác tin rằng, nhân đạo nhất là để ông Vincent Lambert được chết.

Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối của cha mẹ Lambert và họ đã theo đuổi kiện tụng đến cùng.

Nhằm giữ mạng sống cho con trai, bố mẹ Lambert đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu và kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron can thiệp song kết quả không như ý muốn. Tòa án Nhân quyền châu Âu kết luận bệnh viện không vi phạm quyền sống của bệnh nhân trong khi ông Macron cho rằng mình không thể quyết định trường hợp này. 

Ngày 20/5, sau khi xem xét yêu cầu của Ủy ban Quyền Người Tàn tật thuộc Liên Hợp Quốc, Tòa Phúc thẩm Paris bất ngờ ra lệnh cho các bác sĩ tại Reims tiếp tục duy trì sự sống của Lambert.

"Đây là chiến thắng to lớn", Jean Paillot, luật sư của cha mẹ Lambert nói. "Việc tiếp thức ăn và nước cho anh ấy phải được thực hiện lại ngay". 

Người thân trong gia đình anh Vincent Lambert. Ảnh: AP.

Trước khi phán quyết mới nhất được đưa ra, Giáo hoàng Francis cũng lên tiếng ủng hộ việc duy trì sự sống cho Lambert. Tuy nhiên, cháu trai Francis của Lambert cho rằng việc nối lại các biện pháp hỗ trợ sinh tồn cho chú mình "là sự tàn bạo thuần túy của hệ thống y tế - tư pháp". Vợ Rachel của Lambert cho biết: "Để anh ấy ra đi là để cho anh ấy được là một người tự do".

Cái chết nhân đạo vẫn được xem là trái pháp luật ở Pháp. Tuy nhiên vào năm 2016, 1 đạo luật có tên là Leonetti được giới thiệu, cho phép bác sĩ gây mê sâu cho bệnh nhân nan y đến khi qua đời. Luật này vạch ra sự khác biệt với biện pháp cái chết nhân đạo, khi việc gây mê sâu sẽ không xác định được chính xác thời điểm bệnh nhân qua đời.

"Cái chết nhân đạo" đã được một số quốc gia thông qua ví dụ như ở một số bang của Mỹ, tiếp theo đó là Colombia, Hà Lan, Bỉ, Canada. Ở những nước này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình thì có quyền dừng điều trị để lựa chọn cái chết nhân đạo. Với trường hợp sống thực vật giống như trường hợp anh Lambert ở Pháp, quyền lựa chọn thuộc về gia đình.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-me-nam-benh-nhan-song-thuc-vat-hon-10-nam-dau-tranh-de-con-tranh-cai-chet-nhan-dao-a276666.html