Chi phí tổ chức và đảm bảo an ninh ở các kỳ APEC


Thứ 3, 31/10/2017 | 13:11


Cùng sự kiện

Một trong những yếu tố hết sức quan trọng để tổ chức các kỳ APEC của các nước đó là vấn đề đảm bảo kinh phí và an ninh trước, trong và sau diễn đàn.

Một trong những yếu tố hết sức quan trọng để tổ chức các kỳ APEC của các nước đó là vấn đề đảm bảo kinh phí và an ninh trước, trong và sau diễn đàn.

Từ các kỳ Diễn đàn APEC trước đó có thế thấy, số tiền đầu tư tổ chức APEC ở các quốc gia thường lên tới hàng trăm triệu USD, trong đó một phần lớn được chi cho công tác bảo đảm an ninh trước, trong và sau khi kết thúc diễn đàn.

Binh sỹ Indonesia bảo vệ Diễn đàn APEC 2013 - Ảnh: SBS

Theo báo cáo của Cục Quản lý Ngân sách Philippines, để đảm bảo ngân sách chi và an ninh cho Diễn đàn APEC 2015, Chính phủ Philippines dưới thời cựu Tổng thống  Benigno Aquino III đã mất gần một năm để chuẩn bị cho APEC 2015 với tổng số tiền chi cho tổ chức diễn đàn lên tới 9,8 tỷ Pesos (tương đương khoảng 208 triệu USD). Số tiền này được phân bổ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, các tổ hợp khách sạn dành cho các nguyên thủ và phái đoàn các nước đến tham dự diễn đàn. Ngoài ra, Chính phủ Philippines còn chi một số tiền lớn cho các hoạt động bảo đảm an ninh, vận tải, đồng phục và các hoạt động văn hóa bên lề diễn đàn.

Đáng chú ý, để đảm bảo an ninh tối đa trong suốt kỳ diễn đàn, Chính phủ Philippines còn ra thông báo cho các trường học ở mọi cấp được nghỉ từ ngày 17-20/11/2015 và hai ngày nghỉ làm việc đối với các cơ quan, công sở từ ngày 18-19/11/2015. Đồng thời ban bố lệnh cấm mọi hoạt động như bơi lội, câu cá, chèo thuyền, đi bộ và các hoạt động không phận sự liên quan đến diễn đàn xung quanh khu vực Roxas Boulevard và Vịnh Manila.

Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Cảnh sát quốc gia (PNP) được đặt trong trạng thái báo động xanh đến báo động đỏ. Lý do Philippines thắt chặt an ninh là do có thông tin tấn công khủng bố, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố ở Paris Pháp xảy ra vào ngày 13/11/2015. AFP và PNP được triển khai bao gồm cả trên bộ, trên không, trên biển và các khu ga tàu điện ở Manila.

Đặc nhiệm Philippines bảo vệ vòng ngoài APEC 2015 - Ảnh: Globalnation.inquirer

Chính phủ Philippines cũng đã huy động lực lượng của 18 cơ quan để đảm bảo hội nghị diễn ra trật tự và suôn sẻ. Ít nhất 30.000 nhân viên từ các cơ quan khác nhau của chính phủ do PNP và AFP đứng đầu đã được huy động để phục vụ diễn đàn. Gần 1.000 sĩ quan cảnh sát được triển khai xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines. Lực lượng Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu (PSPG) được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các quan chức chính phủ, quan chức nước ngoài và các cá nhân, theo sát hoạt động tiếp đón các nhân vật quan trọng và hỗ trợ nhóm mật vụ bảo vệ Tổng thống.

Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã triển khai 60 tàu tuần tra trên Vịnh Manila, đặt các cảng ở Visayas và Mindanao dưới sự giám sát đồng thời phong tỏa các khu vực cấm tàu thuyền đi lại trong những ngày diễn ra hội nghị.

Từng hai lần đăng cai APEC (1996 và 2015), Philippines có nhiều chia sẻ về những gì một kỳ APEC có thể đem lại cho nước chủ nhà. Theo ông Francis Hualupmomi, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Victoria (New Zealand), từ kinh nghiệm đăng cai Diễn đàn APEC, những lợi ích về kinh tế và chính trị mà nước chủ nhà thu được luôn vượt xa chi phí mà họ bỏ ra. Ông Hualupmomi chỉ ra những lợi ích dễ nhận thấy nhất là việc gia tăng đầu tư trong các lĩnh vực du lịch và kinh doanh sẽ giúp tạo ra việc làm; uy tín của nước chủ nhà được nâng cao; phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội được đẩy mạnh và mở rộng năng lực cùng khả năng quốc phòng

Về lâu dài, những cơ hội từ việc tổ chức APEC sẽ góp phần không nhỏ làm tăng thêm thương mại và đầu tư trong khu vực cho nước đăng cai.  Nhiều ý kiến cho rằng, mức ngân sách 208 triệu USD Philippines dành cho công tác tổ chức APEC là quá lớn. Ngoài ra, với việc đóng cửa các nhà máy, tuyên bố ngày nghỉ quốc gia trong thời gian diễn ra diễn đàn, hủy hơn 1.000 chuyến bay, tạm dừng hoạt động một phần của hệ thống tàu điện ngầm trong Thủ đô Manila có thể đem đến những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Philippines. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn và sức ép, APEC 2015 được đánh giá là một kỳ APEC rất thành công, đặc biệt là đối với nước chủ nhà Philippines. Nhìn vào bức tranh lớn, những tổn thấy sẽ phục hồi thông qua việc nền kinh tế Philippines tiếp tục tăng trưởng và phát triển khi trở thành một điểm đến ưa thích về đầu tư và du lịch.

Một binh sỹ Trung Quốc bảo vệ APEC 2014 - Ảnh: Beijing.china.org

Trước đó một năm, tại Diễn đàn APEC 2014 do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 10-12/11. Ký giả John Pomfret cho biết, Chính phủ Trung Quốc khi đó đầu tư khoảng 6 tỷ USD cho việc bảo đảm tổ chức diễn đàn. Sở dĩ chi phí lớn như vậy là bởi Trung Quốc tính cả số tiền thiệt hại từ nỗ lực ngăn khói bụi ô nhiễm tại Bắc Kinh trong suốt thời gian diễn ra diễn đàn bằng một loạt các biện pháp như hạn chế phương tiện giao thông, đóng cửa các nhà máy ở Bắc Kinh và các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, tình trạng khói bụi vẫn không giảm và gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Trung Quốc trong mắt các phái đoàn quốc tế, trong khi mục tiêu hướng tới của kỳ diễn đàn này là “APEC Xanh”. Ngoài ra, một trong những biện pháp an ninh mà Trung Quốc áp dụng là cấm tất cả mọi công dân mặc trang phục Halloween tại các bến tàu điện ngầm.

Sơ đồ phương án các vòng bảo vệ APEC 2016 của Peru - Ảnh: Andina

Nhìn lại, Diễn đàn APEC 2012 do Nga tổ chức trên đảo Russky ngoài khơi thành phố Vladivostok, thủ phủ vùng Primorsky Krai.  Chính phủ Nga đã quyết định tăng mức chi từ 5 tỉ lên 6,3 tỉ rúp (khoảng 206 triệu USD) dành riêng trong 2 ngày 8 - 9/9/2012 diễn ra diễn đàn. Theo Trưởng phòng Quản trị kinh doanh trực thuộc Điện Kremlin, ông Victor Hrekov, mức chi phí nói trên nhằm bảo đảm việc ăn ở và đi lại của hơn 10.000 đại biểu, bao gồm cả đội ngũ báo chí hùng hậu tháp tùng các phái đoàn tham gia. Cụ thể chi phí khách sạn và dịch vụ liên quan hết 1,14 tỉ rúp, còn khoản ăn uống đáp ứng yêu cầu của các thực khách là 350 triệu rúp.

Ngoài 2 cây cầu dây văng Zolotoy Rog và Russky Island (cầu có nhịp dây văng dài nhất thế giới với 1.104m) mới khánh thành nối từ Vladivostok tới địa điểm hội nghị, Ban tổ chức APEC còn quyết định chi 40 triệu rúp thuê 2 chiếc phà hiện đại của Singapore, với sức chở 200 người mỗi chuyến hành trình thường xuyên từ trung tâm thành phố đến đảo Russky. Riêng số tiền 275 triệu rúp là chi phí cho ánh sáng trang trí, bao gồm cả kỹ thuật trình chiếu tia laser và pháo hoa. Các khoản chi khác gồm 2,2 triệu rúp dành cho trang phục của lực lượng tình nguyện viên; 15,3 triệu rúp cho thiết bị in ấn và văn phòng phẩm; 53,7 triệu rúp dành để tổ chức các sự kiện; 18,1 triệu rúp cho đồ lưu niệm và hoa. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó đã tới Vladivostok từ thành phố Yamal trên phương tiện tàu lượn chuyên dụng, nhằm khuếch trương nghành du lịch vùng Viễn Đông đầy tiềm năng của Nga. So với Diễn đàn APEC tổ chức tại Singapore năm 2009 có tổng chi phí là 71,8 triệu USD, còn Hội nghị APEC diễn ra ở thành phố Yokohma (Nhật Bản) trong năm 2010 với tổng quyết toán lên tới 277 triệu USD. Trong khi đó Australia đã tiêu tốn tới 170 triệu USD để bảo đảm an ninh cho Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2007.

Daily Telegraph đưa tin, Australia đã chi đến 170 triệu USD để bảo đảm an ninh cho Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2007, nhiều hơn chi phí an ninh của Thế vận hội Mùa hè 2000 ở Sydney.

Ngân Nhi (Theo Asiapacific/ Digitaljournal/Newsinfo)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-phi-to-chuc-va-dam-bao-an-ninh-o-cac-ky-apec-a207348.html