Dịch COVID-19 ngày 11/12: Nhiều kỷ lục không mong muốn được xác lập


Thứ 6, 11/12/2020 | 03:43


Cùng sự kiện

Nhiều cột mốc kỷ lục không mong muốn về tình hình dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia thế giới trong ngày qua.

Nhiều cột mốc kỷ lục không mong muốn về tình hình dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia thế giới trong ngày qua.

Theo dữ liệu thời gian thực trên trang worldometers, tính đến 9h30 ngày 11/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 70.698.413, tăng 676.806 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước. Trong đó, số trường hợp tử vong là 1.587.564, tăng thêm 12.625 ca.

Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, đã ghi nhận hơn 16.004.408 ca nhiễm, trong đó có 299.316 người tử vong.

Chính quyền địa phương và các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, với hy vọng giảm bớt sự bùng phát trở lại của COVID-19 sau thời gian tạm lắng vào mùa hè.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 34.666 ca nhiễm và 487 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.796.992 và 142.222 .

Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức New Delhi đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD). Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 733 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 179.765. Số người nhiễm nCoV tăng 51.681 trong 24 giờ qua, lên 6.781.799.

Cơ quan giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) quyết định sẽ cho phép sử dụng khẩn cấp bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào, qua đó giúp đẩy nhanh hơn so với dự kiến các chương trình tiêm chủng tại quốc gia này.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới. Ảnh: AP

Tại châu Âu, số ca nhiễm tại Pháp tiếp tục tăng cao khi nước này chuẩn bị có những biện pháp nới lỏng phong tỏa.

Giới chức y tế Pháp xác nhận nước này có thêm 13.750 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 2.337.96 ca, trong đó có 56.940 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh ở Đức ngày càng trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đạt mức cao kỷ lục từ đầu dịch với 28.179 ca.

Giới chức y tế Đức cho rằng tình hình đang hết sức đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới tăng theo cấp số nhân, đồng thời cho rằng các biện pháp kiềm chế dịch hiện nay là chưa đủ hiệu quả. Hiện tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Đức đã lên tới hơn 21.200 người, trong đó cá biệt có những ngày ghi nhận tới gần 600 ca tử vong.

Anh ghi nhận thêm 20.964 ca nhiễm và 516 người tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 1.787.783 và 63.082.

Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, áp đặt một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.

Tại châu Á, Giới chức y tế Hàn Quốc đang lo ngại làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 đang hình thành tại nước này khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 1 ngày đã lên tới con số gần 700 trong 2 ngày qua, theo đó cảnh báo làn sóng dịch bệnh này sẽ lớn hơn và kéo dài hơn.

Thủ đô Seoul áp đặt hạn chế chưa từng có tiền lệ từ tuần trước, đóng cửa hầu hết các cơ sở và cửa hàng lúc 21h. Thủ tướng Chung Sye-kyun cảnh báo nếu tình trạng virus lây lan không được kiểm soát, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới 1.000, dẫn đến nguy cơ thiếu giường bệnh.

Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc là 40.098, trong đó 564 trường hợp tử vong.

Nhật Bản ngày hôm qua báo cáo thêm 2.973 ca nhiễm mới COVID-19, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Nhóm chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản phân tích đánh giá, chính sách chống dịch của chính phủ đến nay vẫn chưa thành công và tình hình trong tương lai sẽ còn trầm trọng hơn.

Năm mới đang đến gần, Nhật Bản sẽ bước vào giai đoạn cao điểm của các dịp tụ họp cuối năm và làn sóng di chuyển về quê thăm họ hàng. Để hạn chế dịch bệnh, các nhóm chuyên gia khuyến cáo người dân nên hủy bỏ các cuộc tụ họp không cần thiêt và thực hiện các biện pháp bảo vệ khi đi du lịch. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức cuộc họp ứng phó dịch bệnh vào ngày 11/12 để thảo luận về việc có nên tạm dừng kế hoạch quảng bá du lịch "Go To Travle" hay không.

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc về cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên nước này bắt đầu ghi nhận trở lại những ca nhiễm mới trong cộng đồng những ngày qua.

Chính quyền thành phố Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phải ban bố tình trạng "thời chiến", sau khi ghi nhận 8 ca dương tính với COVID-19 trong cộng đồng dân cư thành phố này, trong đó ba ca không có triệu chứng.

Trung Quốc đã ghi nhận hơn 86.673 ca nhiễm, trong đó khoảng 4.634 người tử vong.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 598.933 ca nhiễm, tăng 6.033, trong đó 18.336 người chết, tăng 165.

Dữ liệu chính phủ cho thấy Indonesia đã đặt hàng được 155,5 triệu liều vaccine và đang tìm mua thêm 116 triệu liều từ Pfizer, AstraZeneca và chương trình COVAX. Nếu các thỏa thuận được thông qua, Indonesia, quốc gia 270 triệu dân, sẽ sở hữu 271,5 triệu liều vaccine, vượt mức đặt ra là 246,6 triệu.

Philippines ghi nhận 445.540 ca nhiễm và 8.701 ca tử vong, tăng lần lượt 1.383 và 24 ca trong vòng 24 giờ qua.

Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp COVID-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.

Chính phủ nước này đã ban lệnh cấm tổ chức tiệc Giáng sinh, các buổi tụ họp gia đình và hát mừng ngoài trời. Philippines cũng hủy kế hoạch cho phép trẻ em tới các trung tâm mua sắm.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-covid-19-ngay-1112-nhieu-ky-luc-khong-mong-muon-duoc-xac-lap-a349017.html