Điểm mặt 7 chiến đấu cơ "đạo nhái" trong không quân Trung Quốc


Thứ 2, 22/10/2018 | 03:40


Cùng sự kiện

Để xây dựng quân đội đẳng cấp toàn cầu, Trung Quốc mua lại hoặc đánh cắp nhiều công nghệ nước ngoài để tự chế tạo vũ khí, trong đó có các loại máy bay chiến đấu.

Để đạt được tham vọng xây dựng quân đội đẳng cấp toàn cầu, Trung Quốc mua lại hoặc đánh cắp nhiều công nghệ nước ngoài để tự chế tạo vũ khí, trong đó có các loại máy bay chiến đấu.

Shenyang J-31

Thiết kế của J-31 (trái) có nhiều nét tương đồng với F-35 (phải). Ảnh: Popular Mechanics.

Thông tin về chương trình phát triển tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter của Lockheed Martin cũng bị Su Bin chuyển về Trung Quốc và trở thành cơ sở để nước này phát triển tiêm kích Shenyang J-31.

Tiêm kích J-31 được cho là có tầm hoạt động và tải trọng lớn hơn so với F-35, nhiều khả năng J-31 sẽ thay thế vai trò của tiêm kích hạm J-15 vốn hay gặp trục trặc.

Tương tự tiêm kích J-20, năng lực của tiêm kích J-31 bị hạn chế do Trung Quốc chưa làm chủ công nghệ chế tạo sơn và vật liệu tàng hình. Thiết kế của J-31 được đánh giá là kết hợp giữa F-22 và F-35, giúp tiêm kích của Trung Quốc có trọng lượng nhẹ và linh hoạt hơn so với nguyên mẫu của Mỹ.

Một số chuyên gia nhận định hiện J-31 của Trung Quốc chưa được trang bị hệ thống kết nối dữ liệu như tiêm kích F-35 của Mỹ. Hệ thống này biến F-35 thành trung tâm dữ liệu và nâng tầm tấn công vượt giới hạn đường chân trời.

Chengdu J-20

J-20 (trái) được phát triển dựa trên thiết kế F-22 (phải) của Mỹ. Ảnh: Popular Mechanics.

Tiêm kích thế hệ năm đầu tiên của Trung Quốc Chengdu J-20 được coi là bản sao tiêm kích Lockheed Martin F-22 Raptor của Mỹ. Công dân Trung Quốc có tên Su Bin đã đánh cắp thiết kế của F-22 Raptor từ Lockheed Martin và chuyển về Trung Quốc. Su Bin đang phải thi hành án tù 46 năm tại Mỹ.

Mặc dù hai mẫu tiêm kích này có nhiều điểm tương đồng, việc Trung Quốc thiếu nền tảng công nghệ chế tạo sơn và vật liệu tàng hình cùng thiết kế thêm cặp cánh mũi của J-20 khiến nhiều chuyên gia nhận định J-20 có khả năng tàng hình kém hơn F-22.

Một số chuyên gia khác cảnh báo Trung Quốc có thể tiếp tục cải tiến J-20 và cho ra đời những biến thể uy lực hơn. Mỹ ngừng sản xuất F-22 vào năm 2011 với số lượng chưa đầy 200 chiếc, còn Trung Quốc sẽ tiếp tục sản xuất số lượng lớn J-20 trong nhiều năm tiếp theo.

FC-1 Xiaolong/PAC JF-17 Thunder

Tiêm kích FC-1/JF-17 (trái) và MiG-21. Ảnh: Popular Mechanics.

Vào những năm 1960, Trung Quốc mua lại dây chuyền sản xuất tiêm kích Mikoyan-Gurevich MiG-21 từ Liên Xô và cho ra đời tiêm kích Chengdu J-7. Sau đó Trung Quốc hợp tác với Pakistan chế tạo tiêm kích mới trên cơ sở J-7 nhằm đối phó với một tiêm kích khác của Mikoyan-Gurevich là MiG-29.

Nhờ chương trình Lavi mua lại từ Israel, Trung Quốc cho ra đời CAC FC-1 Xiaolong/PAC JF-17 Thunder, một dạng tiêm kích "con lai" giữa F-16 và MiG-21.

Tiêm kích FC-1/JF-17 có đôi cánh tam giác đặc trưng của MiG-21, trong khi phần mũi và đuôi gần như giống hệt F-16. Phiên bản mới nhất của FC-1/JF-17 được trang bị hệ thống tiếp liệu trên không, sử dụng nhiều vật liệu composite và được trang bị công nghệ điều khiển điện tử.

CASC Caihong-4

UAV CH-4 của Trung Quốc (trái) được cho là sao chép từ MQ-9 của Mỹ. Ảnh: Popular Mechanics.

Hình dáng của máy bay không người lái (UAV) Caihong-4 (CH-4) do Trung Quốc phát triển khiến nhiều người tin rằng mẫu UAV này là sản phẩm sao chép UAV General Atomics MQ-9 Reaper của Mỹ dù chưa có bằng chứng cụ thể.

CH-4 mang được ít vũ khí hơn so với MQ-9, dù có thời gian và khả năng bay tương đồng, chứng tỏ hệ thống động cơ của mẫu UAV Trung Quốc có sức mạnh kém hơn UAV Mỹ.

Trung Quốc đã tìm cách khắc phục điểm yếu này bằng chương trình nghiên cứu, phát triển nội địa của mình và cho ra đời UAV đời mới mang tên CH-5.

Shenyang J-15

Shenyang J-15 (trái) là bản sao có cải tiến từ tiêm kích hạm Su-33. Ảnh: Popular Mechanics.

Shenyang J-15 đóng vai trò là tiêm kích hạm chủ lực của Trung Quốc, ban đầu nước này dự định mua toàn bộ dây chuyền sản xuất tiêm kích hạm Sukhoi Su-33 tương tự như thương vụ dây chuyền sản xuất Su-27, nhưng Liên Xô từ chối cung cấp một phần bí mật thiết kế của Su-33.

Sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc mua một nguyên mẫu Su-33 mang tên mã T-10K-3 từ Ukraine và tháo dỡ toàn bộ để nghiên cứu cấu trúc, chức năng và cách thức hoạt động của chiếc máy bay này.

Trên cơ sở này, Trung Quốc chế tạo mẫu tiêm kích hạm J-15 với thiết kế tương tự Su-33 cùng một số cải tiến như vật liệu composite trọng lượng nhẹ.

Về mặt kỹ thuật, tiêm kích J-15 có thể so sánh với tiêm kích đánh chặn McDonnell Douglas F-15 Eagle của Mỹ, thậm chí nhỉnh hơn về tốc độ, tải trọng và trần bay. Nhiều chuyên gia nhận định J-15 có khả năng giành chiến thắng trong các cuộc không chiến với F-15.

Nhưng năng lực của J-15 bị cản trở bởi hệ thống cất cánh kiểu cầu nhảy trên tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc khiến J-15 mang được ít vũ khí hơn.

Trung Quốc được cho là đang nỗ lực chế tạo máy phóng điện từ cho tiêm kích hạm, tương tự loại máy phóng trên tàu sân bay lớp Ford mới của Mỹ, song nhiều khả năng J-15 sẽ bị loại biên trước khi máy phóng này ra đời.

Shenyang J-11 và Shenyang J-16

Shenyang J-11 (trái) được Trung Quốc sản xuất trên dây chuyền Su-27 (phải) mua của Liên Xô. Ảnh: Popular Mechanics.

Khi Liên Xô lâm vào khủng hoảng cuối những năm 1980, Trung Quốc chớp cơ hội mua lại dây chuyền sản xuất tiêm kích Sukhoi Su-27 vốn được phát triển để đối phó với các loại máy bay chiến đấu phản lực của Mỹ như Grumman F-14 Tomcat. Su-27 sở hữu hệ thống điện tử và hệ thống điều khiển hiện đại, khác hoàn toàn so với các loại tiêm kích cũ của Trung Quốc.

Moskva ban đầu chỉ muốn bán thiết kế của tiêm kích MiG cho Bắc Kinh, nhưng những khó khăn về kinh tế buộc họ phải chuyển nhượng dây chuyền Su-27. Trung Quốc nhanh chóng lắp đặt dây chuyền sản xuất Su-27 của mình, sau đó cải thiện thiết kế nguyên bản của Su-27 và cho ra đời tiêm kích Shenyang J-11.

Sau khi mua một số công nghệ mới dành cho Su-27 từ Nga vào năm 2000, Trung Quốc kết hợp chúng với các công nghệ nước này tự phát triển để chế tạo tiêm kích Shenyang J-16, mẫu tiêm kích được coi là phiên bản chỉnh sửa và nâng cấp của Su-27.

Chengdu J-10

Chengdu J-10 có hình dáng và nhiều công nghệ tương đồng General Dynamics F-16. Ảnh: Popular Mechanics.

Vào thập niên 1980, Mỹ và Israel hợp tác chế tạo tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4 với tên gọi Lavi, dựa trên nền tảng tiêm kích General Dynamics F-16. Tuy nhiên, do chi phí quá đắt đỏ, Mỹ rút khỏi dự án khi tiêm kích Lavi chưa được hoàn thiện.

Vài năm sau khi dự án Lavi kết thúc, các quan chức Mỹ ngỡ ngàng phát hiện ra Israel chuyển kế hoạch phát triển dự án cho Trung Quốc, giúp nước này tiếp cận các công nghệ vốn được dùng để phát triển tiêm kích F-16. Trên cơ sở này, Trung Quốc phát triển tiêm kích Chengdu J-10 với ngoại hình cùng nhiều tính năng tương đồng F-16.

Tiêm kích J-10 có ưu thế vượt trội so với các loại tiêm kích đời cũ trong biên chế không quân Trung Quốc và dần trở thành lực lượng quan trọng góp phần nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của lực lượng này.

J-10 không phải là tiêm kích duy nhất của Trung Quốc có các yếu tố tương đồng với F-16, nhưng đây là bản sao F-16 gần giống nguyên mẫu nhất. Không quân Trung Quốc tiếp nhận phiên bản nâng cấp mới nhất của J-10 vào năm 2017 với radar mảng pha, radar kiểm soát hỏa lực hiện đại và các bộ phận làm bằng vật liệu composite giúp giảm trọng lượng máy bay để giúp J-10 tiếp tục phục vụ trong vài thập kỷ tới.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-mat-7-chien-dau-co-dao-nhai-trong-khong-quan-trung-quoc-a248470.html