“Dở khóc dở cười” cụ ông bỏ nhà đi vì bất mãn vợ nấu ăn mặn, 30 năm không được cầm thẻ lương


Thứ 2, 28/12/2020 | 06:45


Cùng sự kiện

Sau cuộc cãi nhau với vợ, cụ Li (80 tuổi) nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát đã tới được nhà con trai, than thở về những điều ông phải chịu đựng suốt nhiều năm qua.

Sau cuộc cãi nhau với vợ, cụ Li (80 tuổi) nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát đã tới được nhà con trai, than thở về những điều ông phải chịu đựng suốt nhiều năm qua.

Ngày 19/12 vừa qua, cụ Li ở Cửu Long Pha, Trùng Khánh (Trung Quốc) xảy ra một trận cãi vã với vợ, nguyên nhân là do ông không vừa ý với đồ ăn bà nấu. Sau cuộc cãi nhau với vợ, cụ ông liện đến nhà con trai ở quận Sa Sình Bá cách đó vài cây số nhưng không may bị lạc đường. Dù vậy, nhờ được cảnh sát phát hiện và giúp đỡ kịp thời, cụ Li vẫn an toàn tới được nhà con trai.

Suốt quãng đường đi, cụ Li không ngừng than thở: “Vợ chồng tôi đã kết hôn được gần 40 năm. Tôi đi làm nhưng không được cầm hay tiêu một xu nào”.

“Suốt bao nhiều năm qua, tôi luôn nhường nhịn, bao dung bà ấy. Càng nghĩ càng tức, đồ ăn thì mặn mà lương thì không được cầm”, cụ ông bực mình nói.

Cụ Li được cảnh sát tìm thấy khi đang lạc đường và đưa tới nhà con trai an toàn. Ảnh: 6Park

Được biết, cụ Li và cụ Mei về chung một nhà vào năm 1986. Kể từ thời điểm đó, thẻ lương của cụ Li được giao cho cụ Mei giữ. Hơn 30 năm qua, cụ Li chưa từng được hưởng niềm vui được đi rút tiền dù đó là số tiền do chính mình làm ra.

Một ngày sau khi xảy ra sự việc, cảnh sát đã tới nhà vợ chồng cụ Li để hòa giải. Lúc này, cụ Mei mới giải thích rõ ràng việc chi tiêu tiền cho chồng và các viên cảnh sát nghe. Theo đó, lương hưu của cụ Li được khoảng 4000 NDT, trong khi lương hưu của cụ Mei là 2000 NDT.

Chi phí sinh hoạt hàng ngày, quà biếu tặng, đám xá đều tiêu bằng lương hưu của cụ Mei. Mỗi tháng, cụ Mei còn trích ra 500 NDT từ tài khoản tiết kiệm của mình rồi chuyển sang tài khoản của chồng và coi đây là khoản lương hưu của cả hai vợ chồng. Ngay trước mặt cảnh sát, cụ Mei lấy ra từ trong tủ một chiếc hộp đừng tất cả số tiền mà cụ tiết kiệm được trong thời gian qua.

“Tôi đã gửi tiền hàng tháng và chưa bao giờ sử dụng bừa bãi cả. Nhìn vào con số tiết kiệm thì ông sẽ thấy”, cụ Mei nói sau khi tiếp tục lấy ra một cuốn sổ tiết kiệm, cho biết đó là thẻ lương của cụ Li.

Cảnh sát tới nhà cụ Li để hòa giải. Ảnh:Twgreatdaily

Cũng theo cụ Mei, trước đó, cụ chưa từng nghe chồng phàn nàn về khẩu vị ăn uống cùng như việc không được giữ thẻ lương. Vào đêm hôm vợ chồng cụ xảy ra tranh cãi, cụ Mei một mình đi ra ngoài mua thuốc, tiếp đó chơi mạt chược với hàng xóm. Mãi tới khi về đến nhà, cụ mới phát hiện chồng đã mất tích, liền gọi báo công an và người nhà đi tìm.

Biết được những suy nghĩ của chồng, cụ Mei nhẹ giọng trách: “Ông phải nói đồ ăn không ngon, tôi mới biết để thay đổi. Ông không nói thì làm sao tôi biết được”. Bên cạnh đó, cụ Mei cũng xin lỗi chồng vì tuổi già nên đôi khi “lẩm cẩm”, bỏ gia vị nhiều lần.

Sau khi mọi chuyện được giải quyết, cụ Li lại yên tâm để vợ giúp quản lý tiền bạc trong nhà. Câu chuyện về vợ chồng cụ Li hiện đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng xứ Trung, dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu chồng có nên đưa tiền cho vợ giữ hay không.

Đinh Kim (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/do-khoc-do-cuoi-cu-ong-bo-nha-di-vi-bat-man-vo-nau-an-man-30-nam-khong-duoc-cam-the-luong-a350826.html