Gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Jakarta: Thủ đô của Indonesia đang chìm với tốc độ chóng mặt


Chủ nhật, 18/08/2019 | 03:27


Cùng sự kiện

Khai thác quá mức nước ngầm, ô nhiễm kéo theo thời tiết biến đổi khắc nghiệt làm cho mực nước biển dâng cao, khiến nhiều vùng đất ở Jakarta bắt đầu biến mất.

Khai thác quá mức nước ngầm, ô nhiễm kéo theo thời tiết biến đổi khắc nghiệt làm cho mực nước biển dâng cao, khiến nhiều vùng đất ở Jakarta bắt đầu biến mất.

Nhà cửa sát mực nước biển. Ảnh: AP

Thủ đô Jakarta của Indonesia hiện là một trong những thành phố chìm nhanh nhất thế giới, tới mức các con sông đôi khi chảy ngược dòng, mưa thường xuyên biến các khu phố thành đầm lầy và các tòa nhà dần dần biến mất vào lòng đất. 

Jakarta được xây dựng trên nền của một vùng đầm lầy trong khu vực từng có động đất, gần khu vực hợp lưu của 13 con sông.

Bắc Jakarta trước đây từng là thành phố cảng và thậm chí nó còn có cảng biển Tanjung Priok, một trong những cảng biển đông đúc nhất của Indonesia. Với vị trí thuận lợi có sông Ciliwung chảy vào biển Java, vào thế kỷ 17, thực dân Hà Lan đã chọn nơi này để phát triển thành một trung tâm nhộn nhịp của họ.

Song ngày nay các doanh nghiệp cảng ở đây đã kém phát triển, dân cư ven biển có cuộc sống nghèo khó vì tình trạng bị nước nhấn chìm dần...

Phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ở phía Tây Jakarta, mặt đất bị chìm khoảng 15cm mỗi năm, khoảng 10cm ở phía Đông, 2cm ở miền Trung Jakarta và 1cm ở Nam Jakarta.

Ảnh: AP

Một trong những nguyên nhân chính gây ra việc sụt lún này là việc hút nguồn nước ngầm không kiểm soát để làm nước uống và sử dụng trong đời sống sinh hoạt .

Các tầng nước ngầm không được bổ sung nước, bất chấp lượng mưa lớn và số lượng sông ngòi phong phú, bởi hơn 97% của Jakarta hiện tại bị bóp nghẹt trong bê tông và nhựa đường. 

Bên cạnh đó, việc đốt rừng mưa để nhường chỗ cho các nhà máy sản xuất dầu cọ và nhà máy dệt, gây ô nhiễm không khí khủng khiếp. 

Những đống đổ nát, ô nhiễm và ùn tắc giao thông tồi tệ bậc nhất thế giới cũng góp phần "nhấn chìm" Jakarta.

Người dân không tin vào chính phủ. Mâu thuẫn giữa các dân tộc cùng chung sống đã chặn đứng tiến bộ, làm nản lòng các nhà lãnh đạo cải cách và phức tạp hóa mọi thứ.

Những bức tường được xây lên nhằm ngăn chặn biển xâm lấn. Ảnh: RT

Cô Fortuna Sophia sống trong một biệt thự sang trọng nhìn ra biển. Việc chìm nhà của cô không thể nhìn thấy ngay lập tức, nhưng cô nói rằng các vết nứt xuất hiện trên tường và cột trụ cứ 6 tháng một lần nên cô phải thường xuyên kêu thợ đến sửa chữa. Còn những người thợ bảo trì nói rằng các vết nứt do sự dịch chuyển của mặt đất. 

Cô Fortuna Sophia sống ở đây được 4 năm nhưng hồ bơi của cô đã tràn ngập nhiều lần. Cô nói: "Nước biển chảy vào và bao phủ toàn bộ hồ bơi. Chúng tôi phải di chuyển tất cả đồ đạc lên tầng một".

Trong một thông báo trên Twitter, Tổng thống Joko Widodo cho biết sẽ di chuyển thủ đô đến đảo Borneo. Quyết định di dời trung tâm hành chính và chính trị của đất nước sẽ là hồi chuông "báo tử" cho Jakarta, nơi hiện có khoảng 10 triệu cư dân đang sinh sống.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vẫn đang tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp cứu Jakarta. Kế hoạch xây các đảo nhân tạo trong vịnh Jakarta, nơi đóng vai trò vùng đệm trước biển Java, cũng như kế hoạch xây đê chắn biển, đã được phê duyệt.

Nhưng không có gì đảm bảo dự án 40 tỷ USD bị trì hoãn nhiều năm nay sẽ giải quyết được nguy cơ bị nhấn chìm của thành phố. 

Công nhân sửa chữa một bức tường biển đã bị sập.  Ảnh: Reuters

Tường chắn từng được thử nghiệm. Một bức tường bê tông dọc bờ biển quận Rasdi và các khu phố có nguy cơ ngập cao đã bị nứt và đang có dấu hiệu chìm xuống. Nước thấm qua đê, chảy vào các con phố chật hẹp và tấn công những khu dân cư nghèo trong thành phố.

Với tốc độ sụt lún hiện tại, tường biển cũng có thể bị chìm dưới nước vào năm 2030.  Các chuyên gia môi trường đã chỉ rõ, nếu thành phố không làm sạch các sông và kênh rạch, con đê sẽ biến một vịnh Jakarta được bao bọc thành bể chứa lớn nhất thế giới. Và thiên nhiên thì không còn chờ đợi.

Nhiều người sinh nhai tại những khu vực nguy hiểm nhất tại Jakarta không có thời gian chờ chính quyền đưa ra giải pháp. Trong lúc đó, các chuyên gia cảnh báo một phần ba diện tích thủ đô có thể chìm dưới mặt nước vào năm 2050.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giong-len-hoi-chuong-canh-bao-tai-jakarta-thu-do-cua-indonesia-dang-chim-voi-toc-do-chong-mat-a289127.html