Hé lộ tiêm kích "khóa" được máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới của Mỹ


Chủ nhật, 19/05/2019 | 14:02


Cùng sự kiện

Lịch sử hàng không quốc tế ghi nhận, JA-37 là tiêm kích duy nhất “khóa” được máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới SR-71 Blackbird.

Lịch sử hàng không quốc tế ghi nhận, JA-37 là tiêm kích duy nhất “khóa” được máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới SR-71 Blackbird.

Dàn tiêm kích SR-71 Blackbird. Ảnh: NASA

SR-71 là máy bay trinh sát chiến lược tiên tiến tầm xa của Mỹ, tốc độ Mach 3, được phát triển từ các thế hệ máy Lockheed YF-12A và A-12 bởi Phân ban Skunk Works của tập đoàn Lockheed. SR-71 được mang biệt danh không chính thức là Blackbird.

SR-71 dài 32,74 m, cao 5,64 m, trọng lượng không tải là 30.600 kg. Do kích cỡ dài và khó điều khiển, các phi công ban đầu đặt biệt danh cho nó là Habu Snake, tên một loại rắn kịch độc có màu đen của Nhật Bản.

SR-71 ra đời để giúp Không quân Mỹ (UAF) giảm thiểu mặt cắt radar, cho dù tín hiệu radar của nó vẫn có thể phát hiện được bởi các hệ thống radar hiện đại, song không giống máy bay "tàng hình" thế hệ sau.

Ưu thế tự vệ của SR-71 chính là tốc độ và trần bay lớn, một khi phát hiện thấy tên lửa đất đối không của đối phương, cách thoát hiểm đơn giản nhất của SR-71 là tăng tốc.

Cụ thể, máy bay được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Pratt & Whitney J58-1 cho tốc độ tối đa tới 3.530km/h (khoảng Mach 3,2+) ở độ cao 24.000m, trần bay tối đa 26 - 27.000m, tốc độ leo cao 60m/s, tầm bay xa đến 6.000km.

SR-71 Blackbird sở hữu vận tốc đáng kinh ngạc. Ảnh: Getty

SR-71 Blackbird đã phục vụ cho UAF từ năm 1964 đến 1998. Trong suốt hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ do thám của mình, SR-71 Blackbird chưa từng chịu tổn thất nào từ đối phương cho dù lực lượng phòng không ở những nơi nó xâm nhập đã rất cố gắng để bắn hạ.

Bên cạnh đó, các cửa sổ buồng lái của SR-71 được thiết kế bằng đá thạch anh đặc biệt có thể chống chọi với mức nhiệt thường xuyên lên tới 316 độ C, bởi thủy tinh bình thường sẽ bị biến dạng trong điều kiện đó và làm sai lệch tầm nhìn của phi công.

Về các thiết bị điện tử, SR-71 được trang bị các hệ thống trinh sát chuyên dụng bao gồm hệ thống tự động dẫn đường thiên văn quán tính (xác định vị trí theo các ngôi sao). Lộ trình của SR-71 được thiết lập và kiểm soát một cách chính xác bằng các thiết bị tính toán dữ liệu không trung và những máy vi tính bố trí trên khoang máy bay.

Tuy nhiên, do chi phí đắt đỏ và sự ra đời của máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-31 của Liên Xô, loại máy bay được đánh giá là khắc tinh của các trinh sát cơ tốc độ cao, RS-71 đã chính thức ngừng hoạt động vào năm 1999. Hiện một vài mẫu của chiếc trinh sát cơ này vẫn được NASA sử dụng cho mục đích nghiên cứu để phục vụ cho chương trình chinh phục vũ trụ.

Tiêm kích duy nhất 'bắt' được 'bóng ma' bầu trời SR-71 

Chiến đấu cơ JA-37 của Thụy Điển. Ảnh: Getty

Lịch sử hàng không quốc tế ghi nhận, JA-37 (biến thể của tiêm kích Saab 37 Viggen) là máy bay chiến đấu duy nhất “khóa” (bước cuối cùng trước khi phóng tên lửa) máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới SR-71 Blackbird.

JA-37 đã dự báo đường bay thường xuyên và kết hợp với các trạm radar mặt đất để “phục kích” trên không phận quốc tế giữa Öland và Gotland (hai khu vực thuộc Thụy Điển).

Saab 37 Viggen (tiếng Anh: Thunderbolt) là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ 1 chỗ ngồi, 1 động cơ do Thụy Điển chế tạo trong giai đoạn 1970 - 1990 với nhiệm vụ thay thế Saab 32 Lansen trong vai trò cường kích và sau đó là Saab 35 Draken trong vai trò tiêm kích đánh chặn.

Viggen chính thức ra mắt ngày 21/6/1971,sau khi thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 8/2/1967. Có tất cả 329 chiếc Viggen đã xuất xưởng gồm các biến thể: tiêm kích đánh chặn JA 37, cường kích tấn công AJ 37, máy bay trinh sát SF 37, máy bay tuần tra hàng hải SH 37 và cả biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi.

Saab 37 Viggen có thiết kế đậm chất châu Âu với cánh mũi và cặp cánh delta kép lớn. Máy bay được thiết kế cho chiến tranh cường độ cao với khả năng cất hạ cánh trên đường băng dã chiến ngắn, dễ dàng bảo trì và sửa chữa kể cả đối với nhân viên kỹ thuật chưa được đào tạo bài bản.

Thông số kỹ thuật cơ bản của phiên bản tiêm kích đánh chặn JA 37: kíp lái 1 người; chiều dài 16,4 m; sải cánh 10,6 m, diện tích cánh 46 m2; chiều cao 5,9 m; trọng lượng rỗng 9.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 20.000 kg.

Buồng lái của một chiếc JA-37. 

Động cơ phản lực cánh quạt Volvo RM8B (phiên bản động cơ Pratt & Whitney JT8D sản xuất theo giấy phép tại Thụy Điển) có lực đẩy 71,1 kN và lên tới 125 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa Mach 2,1; trần bay 18.000 m; tầm bay 2.000 km; vận tốc leo cao 203 m/s.

Hệ thống điện tử của Viggen là một bước tiến lớn vào thời điểm đó gồm: trang bị máy tính điều khiển bay tự động, màn hình hiển thị CRT thay cho những dãy đồng hồ cơ học... radar xung Doppler Ericsson PS 46/A có tầm hoạt động tối đa 48 km, theo dõi được 2 mục tiêu trong khi quét.

Có thể thấy rằng mặc dù ít được chú ý tới, tuy nhiên tiêm kích của quốc gia Bắc Âu này có tính năng kỹ chiến thuật không thua kém gì sản phẩm của Nga, Mỹ, Pháp...

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-tiem-kich-khoa-duoc-may-bay-trinh-sat-nhanh-nhat-the-gioi-cua-my-a275505.html