Khát khao đoàn tụ của người Hàn Quốc sau 62 năm ly tán


Thứ 4, 30/09/2015 | 11:49


Hàn Quốc và Triều Tiên đang đàm phán về việc tổ chức một cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt trong chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

(ĐSPL) – Hàn Quốc và Triều Tiên đang đàm phán về việc tổ chức một cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt trong chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

Ông Kang Neung-hwan, 94 tuổi, là 1 trong những người tham gia vào cuộc đoàn tụ tháng 2/2014. Hình ảnh ông trong cuộc phỏng vấn của Reuters tại nhà riêng ở Seoul, Hàn Quốc 23/9/2015.

Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đang tiến hành lựa chọn ra 100 người Hàn Quốc có thể gặp gỡ người thân bị thất lạc của mình trong chiến tranh. Hàng chục ngàn người dân Hàn Quốc đã bị chia cắt kể từ khi chiến tranh kết thúc (năm 1953).

Sau khi 2 Chính phủ thoả thuận, Hội Chữ thập đỏ sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ tại khu nghỉ mát núi Kumgang gần biên giới 2 nước cho một số gia đình.

Bà Lee Yong-Nyo, 87 tuổi, cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để bà có thể gặp mặt cô con gái đã xa cách vì chiến tranh từ mấy chục năm trước. “Trái tim tôi muốn vỡ ra khi được biết tôi không thể tham gia đợt gặp mặt vào tháng 10 tới. Tôi muốn tìm con gái tôi, hoặc ít nhất là biết được rằng nó còn sống hay đã mất. Tôi đã lạc mất con bé kể từ khi nó 3 tuổi. Không phải bây giờ thì liệu rằng tôi có còn cơ hội nữa hay không?”, bà buồn bã chia sẻ. 

Các cuộc đoàn tụ là dấu hiệu quan trọng thể hiện tình hình quan hệ giữa 2 nước. Cuộc đoàn tụ lần đầu tiên đã được tổ chức vào năm 2000, những năm sau đó, Triều Tiên đã từ chối tổ chức một số cuộc gặp gỡ. Lần gần đây nhất là vào tháng 2/2014.

Lễ bốc thăm ngẫu nhiên chọn ra 500 người từ 66.000 người Hàn Quốc đăng ký tham gia cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên sau đó, Hội Chữ thập đỏ đã giảm xuống chỉ còn 250 người do một trong số họ có vấn đề về sức khoẻ, mặc dù họ vẫn muốn được đi.

Các nhà chức trách Triều Tiên sau đó sẽ căn cứ vào danh sách rồi cố gắng xác định vị trí người thân của họ và cuối cùng sẽ chỉ có 100 gia đình may mắn được gặp mặt. Ông Jung Se-hoon (85 tuổi) chia sẻ: “Tôi không biết phải diễn tả như thế nào cảm giác trống rỗng và thất vọng của tôi lúc này. Tôi đã không may mắn để có thể tìm gặp được mẹ và 3 người em của mình.”.

Đối với những người được chọn, niềm vui, hạnh phúc cũng xen lẫn nỗi buồn.

Hai giờ gặp gỡ cho 6 thập kỷ chia xa

Ông Kang Neung-hwan, một trong số 82 người Hàn Quốc may mắn được lựa chọn đến Triều Tiên vào cuộc đoàn tụ tổ chức hồi tháng 2/2014, cho biết ông chỉ được gặp gỡ người con trai thất lạc của mình trong thời gian ngắn ngủi, và e rằng đó cũng sẽ là lần cuối.

“Tôi đã hi vọng là 10 ngày hoặc 2 tuần, nhưng thực sự 3 ngày trôi qua quá nhanh”, ông Kang chia sẻ trong nước mắt. Ông đã 94 tuổi và chắc chắn không có cơ hội để gặp mặt con trai thêm một lần nào nữa. Tại căn nhà ở Seoul, ông dán rất nhiều ảnh người con trai mất tích của mình.

Cuộc đoàn tụ được tổ chức ở phòng hội thảo của khu nghỉ mát, có sự chứng kiến của các vị lãnh đạo và giới truyền thông. Mặc dù thời gian là 3 ngày nhưng thực tế các gia đình chỉ được gặp riêng nhau trong vòng 2 tiếng đồng hồ.    

Ông Kang là một giáo viên trước khi tham gia làn sóng người chạy trốn khỏi Triều Tiên, để lại người vợ mới cưới được 4 tháng và ông hứa sẽ quay về. Nhưng ông không biết được rằng vợ mình đã mang thai và càng không ngờ sau đó biên giới 2 miền bị đóng lại.

Ban đầu, khi đăng ký tham gia cuộc hội ngộ, ông Kang muốn tìm người em gái của mình. Tuy nhiên, sau đó ông nhận được tin bà ấy đã mất, và thật bất ngờ, Hội Chữ thập đỏ cho biết ông có một người con trai. “Tôi ôm chầm lấy con trai mình và nói tôi hi vọng cả 2 được khoẻ mạnh, đất nước sớm thống nhất trước khi tôi chết, như vậy tôi có thể được gặp nó một lần nữa.”

Cuộc đoàn tụ được giám sát chặt chẽ

Chính phủ Hàn Quốc xuất bản một cuốn sách hướng dẫn những người tham gia gặp gỡ với những lưu ý rất chi tiết như hỏi thăm về cuộc sống của những người thân của họ, tránh nói đến vấn đề chính trị, cảnh báo họ không nên uống nhiều rượu vì rượu Triều Tiên cực mạnh...

So với Hàn Quốc, Triều Tiên được coi là một nước nghèo khó hơn nhưng các nhà lãnh đạo cho rằng cuộc sống của người dân ở đây vẫn ổn định, ấm no.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Reuters)

Video Tin tức đang được xem nhiều:

 [mecloud]Yf8vpgIBAq[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khat-khao-doan-tu-cua-nguoi-han-quoc-sau-62-nam-ly-tan-a112873.html