Khẩu hiệu tranh cử ảnh hưởng lớn thế nào tới kết quả cuộc đua "khốc liệt" vào Nhà Trắng?


Chủ nhật, 18/10/2020 | 13:54


Cùng sự kiện

Cuộc bầu cử tổng thống xoay quanh việc kêu gọi sự ủng hộ, trong đó, khẩu hiệu tranh cử là một phần vô cùng quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt tới sự thành bại với ứng viên.

Cuộc bầu cử tổng thống xoay quanh việc kêu gọi sự ủng hộ, trong đó, khẩu hiệu tranh cử là một phần vô cùng quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt tới sự thành bại đối với mỗi ứng viên.

Năm 2016, ông Donald Trump đã chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống. Một trong những yếu tố giúp ông Trump giành được sự ủng hộ của các cử tri chính là khẩu hiệu tranh cử đặc biệt của ông "Make America Greate Again" (Khiến Mỹ vĩ đại thêm một lần nữa). 

Khẩu hiệu "Make America Great Again" đã trở thành "linh hồn" cho cả chiến dịch tranh cử của ông Trump trong năm 2016. Ảnh: BI

Khẩu hiệu tranh cử được xem là một phần quan trọng bởi nó chính là "linh hồn" của cả chiến dịch. Một khẩu hiệu hay sẽ không chỉ tiếp "lửa" cho những người ủng hộ, mà còn thu hút những lá phiếu quyết định của nhóm người trung lập, giúp một ứng viên tổng thống dễ dàng chiếm được lợi thế trong cuộc bầu cử. 

Dưới đây là cách các ứng viên tổng thống từng sáng tạo ra khẩu hiệu riêng trong chiến dịch tranh cử của mình. 

Đưa ra những lời hứa

Hai khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Abraham Lincoln được đánh giá là có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Năm 1860, với khẩu hiệu "Vote Yoursefl A Farm" (Hãy bầu cho mảnh đất của bạn) đã trở thành bệ phóng cho thành công của ông. Khi ấy, ông Lincoln đã đưa ra khẩu hiệu kèm theo lời cam kết chia đất ở miền Tây cho nông dân nếu ông đắc cử.

Bốn năm sau, ông Lincoln một lần nữa nhận được tín nhiệm của cử tri nhờ khẩu hiệu bình dị nhưng không kém phần sâu sắc "Don't Change Horses Midstream" (Đừng đổi ngựa giữa đường) . Ông kêu gọi mọi người tiếp tục tin tưởng để ông tiếp tục hoàn thành trọng trách dẫn dắt nước Mỹ thay vì tìm kiếm một người khác. 

Câu khẩu hiệu này được đánh giá cao tới mức cựu Tổng thống Frankin D. Roosevelt đã sử dụng lại trong cuộc bầu cử năm 1944, sau 80 năm. Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên vào năm 1932, ông Roosevelt cũng đã xây dựng khẩu hiệu dựa trên lời hứa về một tương lai tốt đẹp hơn: "Happy Days Are Here Again" (Những ngày tươi đẹp sẽ trở lại). 

Kêu gọi sự thay đổi

Mỗi thời kỳ đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Bởi vậy, không ít ứng viên đã xây dựng khẩu hiệu tranh cử dựa trên những nhược điểm của tổng thống đương nhiệm với lời kêu gọi một sự thay đổi, phù hợp hơn với ý dân. 

Điển hình, trong cuộc bầu cử năm 1980, ông Ronald Reagan đã xuất sắc lội ngược dòng, vượt qua ông Jimmy Carter để trở thành tổng thống thứ 32 của Mỹ. Bí quyết nằm ở câu khẩu hiệu: "Are You Better Off Now Than You Were Four Years Ago?" (Bạn có cảm thấy tốt hơn so với chính mình 4 năm trước?). Ông cũng là người đầu tiên sử dụng khẩu hiệu "Make America Great Again", khẩu hiệu đã được ông Donald Trump dùng lại vào năm 2016. 


Cựu Tổng thống Obama làm nên lịch sử với câu nói "Change We Can Believe In". Ảnh: Welt

Trước đó, năm 1976, ông Jimmy Carter cũng đã gọi mình là "Nhã lãnh đạo của sự đổi mới" để kêu gọi thay đổi sau thời kỳ cầm quyền của ông Richard Nixon. Trong khi đó, năm 1992, ông Bill Clinton thì chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng với câu nói "For People For A Change" (Thay đổi vì mọi người). Cựu Tổng thống Barrack Obama cũng đã làm nên lịch sử với hai khẩu hiệu "Change We Can Believe In" (Sự thay đổi chúng ta có thể tin tưởng). 

Yếu tố hóm hỉnh

Bên cạnh những lời kêu gọi mang ý nghĩa to lớn, một vài ứng viên tổng thống cũng gây ấn tượng với sự hóm hỉnh của mình. Ví dụ như trong cuộc bầu cử năm 1940, luật sư Wendell Willkie từng khiến các cử tri thích thú với lời kêu gọi "Roosevelt For Ex-President" (Bầu cho ông Roosevelt làm cựu tổng thống). 

Khẳng định bản thân

Một trong những vị tổng thống đạt được thành công nhờ câu khẩu hiệu khẳng định tên tuổi chính là ông Dwight Eisenhower. Ông Eisenhower đã chiến thắng 2 lần bầu cử với khẩu hiện đơn giản "I Like Ike" và "I Still Like Ike" (Tôi thích Ike - biệt danh của ông Eisenhower).

Những người ủng hộ đã hô vang khẩu hiệu "We Like Ike" giống câu nói của Tổng thống Eisenhower. Ảnh: AFP

Theo đó, các chuyên gia phân tích nhận định, điều khiến ông Eisenhower chiến thắng là bởi ông biết rõ thế mạnh chính là tiếng tăm của ông ấy. Và tên tuổi của ông Eisenhower được biết đến rộng rãi nhờ vai trò lãnh đạo Lực lượng Đồng minh của ông trong Thế chiến II.

Minh Hạnh (Theo Live Mint)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khau-hieu-tranh-cu-anh-huong-lon-the-nao-toi-ket-qua-cuoc-dua-khoc-liet-vao-nha-trang-a340314.html