Kịch bản nào cho Syria sau khi quân đội Mỹ về nước?


Thứ 6, 21/12/2018 | 07:18


Cùng sự kiện

Việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria sau 4 năm triển khai lực lượng có thể sẽ dẫn đến những thay đổi ngoạn mục về tình hình cuộc chiến cũng như phân chia quyền lực.

Việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria sau 4 năm triển khai lực lượng có thể sẽ dẫn đến những thay đổi ngoạn mục về tình hình cuộc chiến cũng như phân chia quyền lực.

Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria sau 4 năm. Ảnh: NPR

Với các cuộc không kích cùng với tấn công trên mặt đất, lực lượng Mỹ và đối tác người Kurd đã đạt được thành công trong việc đẩy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi gần như toàn bộ lãnh thổ Syria.

Mỹ đã giúp ổn định khu vực phía Đông Bắc của đất nước – khu vực mà hiện nay người dân đang dần quay trở lại. Trong khi cuộc chiến lớn hơn sắp diễn ra và không biết sẽ kéo dài đến khi nào, dường như sự hiện diện của Mỹ chỉ gây ra rất ít hạn chế đối với quân đội Syria.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rằng đã đến lúc lực lượng Mỹ rời đi. Động thái này đi ngược lại với những tuyên bố gần đây của các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ - những người luôn nói rằng quyết định khôn ngoan là Mỹ phải ở lại. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều đang chỉ trích quyết định của ông Trump.

"Tôi nghĩ đó là một lỗi nghiêm trọng", Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói. "Tôi nghĩ rằng những đối thủ của chúng tôi trên khắp thế giới sẽ tìm đến các đối tác và đồng minh của Mỹ rồi nói rằng nước Mỹ không đáng tin cậy". Tổng thống cũng phải đối mặt với sự chỉ trích của đảng Cộng hòa vì chính sách quan trọng khác ở Trung Đông - cách tiếp cận của ông đối với Ả Rập Saudi - vương quốc đã bị chỉ trích dữ dội sau vụ sát hại nhà báo Ả Rập Jamal Khashoggi.

Về cơ bản, ông Trump đã thực hiện chính sách của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Syria, can thiệp vào nội chiến Syria từ năm 2014 khi IS đang hoành hành. Mỹ triển khai khoảng 2.000 binh sĩ ở Syria, chủ yếu ở phía Đông Bắc.

Việc đánh bại IS là một thành tựu quan trọng và có chi phí thấp hơn nhiều so với các cam kết quân sự khác của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng rủi ro của việc rút quân cũng rất lớn.

Dưới đây là 5 kịch bản có thể xảy ra sau khi Mỹ rút quân:

Sự hồi sinh của IS: Những kẻ khủng bố IS hiện nay chỉ còn hoạt động lẻ tẻ ở các vùng lãnh thổ nhỏ hẹp ở phía đông Syria, gần biên giới với Iraq. Cuộc chiến chống IS gần đây tập trung ở trong và xung quanh thị trấn Hajin, phía Đông sông Euphrates với lực lượng nòng cốt là dân quân người Kurd, dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Điều đáng lo ngại là nếu quân Mỹ rút khỏi Syria, các nhóm chiến binh IS nhỏ lẻ có thể tập hợp lại và trở nên mạnh hơn. IS đã nổi lên nhanh chóng trong năm 2013-2014, chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn của Syria và Iraq, những nơi chính quyền và lực lượng an ninh không đủ mạnh.

Tổng thống Syria có thể tăng cường củng cố quyền lực. Ảnh: Getty

Tổng thống Syria Bashar al-Assad củng cố quyền lực: Sự ra đi của Mỹ sẽ khiến Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảm thấy an tâm hơn trong việc củng cố quyền lực. Quân đội Syria lâu nay tránh các hành động khiêu khích có thể khiến lực lượng Mỹ chống lại ông Assad.

Trên thực tế, quân đội Mỹ đã gián tiếp hỗ trợ lực lượng của ông Assad bằng cách làm suy yếu một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất là IS. Điều này cho phép ông Assad dồn lực lượng quân sự của mình vào những mối đe dọa khác. Nếu quân đội Mỹ rút lui, quân đội chính phủ Syria có thể tái chiếm những khu vực khác của đất nước bị mất trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua.

Iran và Nga tuyên bố chiến thắng: Iran đã đầu tư rất nhiều vào hỗ trợ quân sự và kinh tế cho lực lượng của ông Assad kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi các lực lượng quân sự đến hỗ trợ Syria vào năm 2015, một năm sau khi Mỹ tham chiến.

Cả Iran và Nga sẽ coi đó là một thành công lớn nếu quân đội Mỹ rời khỏi Syria và Tổng thống Assad tiếp tục củng cố quyền lực. Điều tương tự cũng đúng với Hezbollah - nhóm người Lebanon đã chiến đấu bên cạnh lực lượng của ông Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ phát động tấn công người Kurd: Trong khi Mỹ hợp tác với lực lượng dân quân người Kurd (YPG), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan coi họ là những kẻ khủng bố đe dọa đất nước mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã báo hiệu họ muốn tiến hành một cuộc tấn công ở miền bắc Syria chống lại nhóm người Kurd. Động thái như vậy có thể làm mất ổn định một khu vực và tạo ra dòng người tị nạn mới.

Mỹ từ bỏ một đồng minh: Người Kurd trên khắp Trung Đông đã cảm thấy bị Mỹ “bỏ rơi” nhiều lần trong quá khứ, và đang hy vọng lần này Washington vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ họ sau khi tiến hành cuộc chiến chống lại IS. Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân cho thấy viễn cảnh người Kurd sẽ phải tìm cách tự bảo vệ mình trước quân đội Syria và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù những kịch bản kể trên có thể xảy ra, dẫn tới những thay đổi lớn ở Syria, song rõ ràng, cuộc rút quân thể hiện cách nhìn mới của Mỹ sau nhiều năm sa lầy vào các cuộc chiến không có hồi kết.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo NPR)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kich-ban-nao-cho-syria-sau-khi-quan-doi-my-ve-nuoc-a255973.html