Lầu Năm Góc nhận được khuyến cáo không nên dùng cụm từ “cạnh tranh siêu cường”


Thứ 5, 06/10/2016 | 23:50


(ĐSPL) - Cuối tháng Chín, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức các nước Mỹ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra tại Hawaii.

(ĐSPL) - Cuối tháng Chín, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức các nước Mỹ - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra tại Hawaii, với những nỗ lực được cho là để kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phát biểu trước những người đồng cấp ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, chiến lược "xoay trục" châu Á-Thái Bình Dương, một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama sẽ vẫn được tiếp tục trong nhiệm kỳ của Tổng thống mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Theo ông, Mỹ khẳng định cam kết sẽ tăng cường hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh chung của khu vực, mà một trong những thách thức chính là hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết, lĩnh vực quân sự của chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ đang bước vào giai đoạn 3, với trọng tâm là nâng cao và củng cố ưu thế quân sự của quân đội Mỹ ở khu vực này, dựa trên các nguyên tắc đã xác định.

Bước vào giai đoạn 3, ông Carter nhấn mạnh, quân đội Mỹ sẽ củng cố và phát triển các thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2 và đưa thêm nhiều trang bị vũ khí tiên tiến nhất tới châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích của chiến lược tái cân bằng châu Á là bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giúp tất cả các nước trong khu vực, gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên về phần mình, Trung Quốc đã có những phản ứng trái chiều và cảnh giác với chiến lược của Washington. Điều này đã khiến cho mối quan hệ hai nước ngày một trở nên căng thẳng. Mặc dù tái khẳng định trong Hội nghị Mỹ-ASEAN về sự hiện diện của mình và sẵn sàng tạo thành thế đối đầu Mỹ-Trung ở châu Á, tuy nhiên, theo nhận định của một nhà phân tích Trung Quốc, Nhà Trắng một mặt vẫn muốn ổn định mối quan hệ với Bắc Kinh trong những tháng cuối nhiệm kỳ của ông Barack Obama.

Theo một tiết lộ gần đây, Lầu Năm Góc đã nhận được khuyến cáo là không nên sử dụng cụm từ "cạnh tranh siêu cường" trong các tài liệu nói về thách thức quân sự đến từ Trung Quốc. Nhà quan sát này cho biết, một số báo cáo khác từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) cũng cho thấy, dấu hiệu Washington có ý định giảm bớt căng thẳng với Bắc Kinh trong tranh chấp ở Biển Đông.

SCMP trích dẫn thông tin từ tờ Navy Times, ấn phẩm hàng tuần của quân nhân Mỹ, NSC đã ra lệnh lãnh đạo Lầu Năm Góc tránh dùng cụm từ "cạnh tranh siêu cường" và tìm một cụm từ nào khác, ít khiêu khích hơn.

Một số hàng tin dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết, thuật ngữ trên là không chính xác để mô tả sự va chạm của Mỹ và Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cảnh báo, sự cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bao gồm việc tăng cường quân sự hóa, bồi đắp đảo nhân tạo và tuyên bố mở rộng lãnh thổ trong các vùng biển tranh chấp là sự đối địch với lợi ích của Mỹ. Lầu Năm Góc sau đó đã không bình luận gì về điều này.

Chia sẻ quan điểm của mình về sự dịu giọng từ phía Mỹ, Su Hao, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết, những phát ngôn cứng rắn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và các nhà lãnh đạo quân sự khác của Mỹ thường khiến người ta hiểu rằng "Mỹ và Trung Quốc đang có sự cạnh tranh và đối lập với nhau".

"Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn để lại cho người kế nhiệm một mối quan hệ Trung-Mỹ trong sự hỗn loạn. Không ai muốn điều đó". "Nhà Trắng phải cẩn thận xem xét làm thế nào để ổn định quan hệ", giáo sư Hao nói.

Theo chuyên gia phân tích hải quân từ Bắc Kinh Li Jie, chỉ thị từ NSC cho thấy Nhà Trắng có thể đang lo lắng trước những động thái của Lầu Năm Góc có thể phản tác dụng đối với mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc

MINH VŨ (theo SCMP)

[mecloud]bqyUyuSlMW[/mecloud]


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lau-nam-goc-nhan-duoc-khuyen-cao-khong-nen-dung-cum-tu-canh-tranh-sieu-cuong-a164777.html