Mất lòng giới truyền thông, Tổng thống Macron bị người Pháp phản đối vì những lời nói ngạo mạn


Thứ 7, 23/09/2017 | 01:37


Cùng sự kiện

Chỉ mới nửa năm lên làm Tổng thống Pháp, những cuộc biểu tình phản đối ông Macron đang diễn ra khắp nơi. Tỷ lệ người ủng hộ ông đã giảm 1/3 so với ban đầu.

Chỉ mới nửa năm lên làm Tổng thống Pháp, những cuộc biểu tình phản đối ông Macron đang diễn ra khắp nơi. Tỷ lệ người ủng hộ ông đã giảm 1/3 so với ban đầu.

Chính sách cải cách bị phản đối dữ dội

Nước Pháp trong những ngày này đang chứng kiến nhiều cuộc biểu tình quy mô không nhỏ và dự kiến trong những ngày tới sẽ là những cuộc đình công trên diện rộng. Nguyên nhân dẫn đến các hành động này là những cuộc cải cách triệt để của Tổng thống Emmanuel Macron trong lĩnh vực lao động và việc làm mà những cải cách này không chỉ đụng đến “quyền lợi của người lao động” mà còn đụng đến “niềm tự hào dân tộc” của người Pháp.


Tin thế giới - Mất lòng giới truyền thông, Tổng thống Macron bị người Pháp phản đối vì những lời nói ngạo mạn

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới trong phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, ngày 19/9.


Về tổng thể, chương trình tiết kiệm ngân sách năm 2017 do Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra sẽ cắt giảm chi tiêu ngân sách của Pháp 4,5 tỷ Euro. Trước đó, vào mùa hè năm 2017, ngân sách cho Y tế cũng đã bị cắt giảm khiến hàng loạt nhân viên y tế bị sa thải, nhất là các y tá. Đã có hàng chục người bỗng chốc trở nên thất nghiệp đã tự tử. Do đó, giới y tá Pháp đang đổ ra đường biểu tình với các biểu ngữ “Người bệnh đang gặp nguy hiểm”.

Ngoài y tế, ngân sách quốc phòng cũng bị cắt giảm đến 850 triệu Euro. Sau sự kiện này, vị tướng nổi tiếng của Pháp Pierre de Villiers, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp đã tuyên bố từ chức để phản đối Tổng thống Emmanuel Macron. Vì sự xúc phạm “người lính vĩ đại này” mà Tổng thống Pháp bị cả các lực lượng cánh tả và cánh hữu chỉ trích mạnh mẽ, và quân đội chính là lực lượng bất mãn nhất với ông Emmanuel Macron.

Mục đích chính của lần cải cách luật lao động này của ông Macron là loại bỏ vai trò của công đoàn khỏi mối quan hệ ông chủ-nhân viên. Theo đó, tất cả các vấn đề nảy sinh sẽ được giải quyết “thông qua đối thoại” nhưng “phần chuôi” luôn thuộc về “ông chủ”. “Ông chủ” trong quá trình đối thoại sẽ luôn có thể thiết lập mức độ lương, thời gian làm việc, số lượng ngày được nghỉ, khả năng được nghỉ thai sản, lương trả cho những người bị bệnh và cả khả năng sa thải nhân viên mà không cần đền bù.

Ở khía cạnh khác, người dân Pháp trước đó vốn rất tự hào về các đảm bảo xã hội của mình như đi nghỉ vẫn được trả lương, được đền bù nếu bị sa thải, tuần làm việc 35 tiếng đồng hồ. Đây là kết quả nhiều năm đấu tranh của các tổ chức công đoàn, của hàng triệu cuộc biểu tình, của các vụ đánh nhau với cảnh sát, của lịch sử vang dội của phong trào công nhân…

Lời nói mất lòng truyền thông

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm đảo St Martin, hòn đảo ở biển Caribbe bị bão Irma quét qua, ngày 12/9.

Khi những cuộc biểu tình phản đối chính sách cải cách nổ ra, lúc đó Tổng thống Pháp đang ở các hòn đảo của Pháp tại khu vực Caribe và khẳng định rằng: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào bản thân mình và sẽ không nhượng bộ bất cứ điều gì với những kẻ lười biếng, vô liêm sỉ và những kẻ cực đoan”.

Chính những tuyên bố này lại càng làm bùng phát tâm lý tức giận với ông Macron. Trên toàn nước Pháp đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu: “Dấu chấm hết cho Macron! Những kẻ lười biếng hãy đổ ra đường”.

"Đó có phải là người đã hứa đoàn kết nước Pháp sau phong trào trung dung Nền Cộng hòa Tiến bước (LRM) và vận động tranh cử với khẩu hiệu 'bảo vệ' tất cả người dân Pháp hay không?", Politico đặt câu hỏi.

Nếu đó vẫn là cùng một người thì chức vụ tổng thống ắt hẳn đã khiến ông thay đổi sâu sắc. Các đảng viên của LRM cho rằng tổng thống đang hướng tới chương trình nghị sự thiên hữu xa lạ với nhiều cựu đảng viên Xã hội, những người đã giúp ông lên nắm quyền hồi tháng 5.

Một người biểu tình với tấm bảng đề dòng chữ "Bao nhiêu kẻ lười biếng với mức lương tối thiểu để làm giàu cho một tay chủ nhà băng" trong cuộc biểu tình phản đối đạo luật cải cách lao động ở Nantes, Pháp, ngày 21/9.

Trên phương diện chính trị, thái độ của Macron có thể được mô tả chỉ bằng một từ: Kiêu ngạo.

“Lời nói của Macron như tát vào mặt người khác, vậy mà tổng thống lại chẳng bận tâm”, Jerome Fourquet, giám đốc điều hành của hãng thăm dò dư luận Ifop, cho biết.

“Không chỉ tầng lớp lao động bình dân mà một số người thuộc cánh tả trong tầng lớp trung lưu từng ủng hộ Macron cũng cảm thấy ông ấy là người kiêu ngạo và luôn khinh thường người khác”, ông nói.

Theo Fourquet, những lần dại miệng của Macron cùng với các chính sách như giảm trợ cấp nhà ở và cải cách lao động đang góp phần khiến tổng thống Pháp mất điểm trong lòng công chúng.

Khi Macron không được lòng giới truyền thông, những lần lỡ lời của ông trở thành tin tức lớn, thậm chí còn được tô vẽ thêm.

Fourquet cho biết những người tham gia cuộc thăm dò dư luận vẫn đề cập tới clip tổng thống lau tay bằng chất khử trùng sau khi tiếp xúc với người dân dù sau đó sự việc đã được làm sáng tỏ là ông Macron chỉ lau tay sau khi bắt một con lươn.

Những tranh cãi kiểu này đang khiến tổng thống và các cử tri ngày càng xa cách.

Giới phân tích cho rằng những dấu hiệu này cho thấy người Pháp bắt đầu thất vọng với các chính sách của ông Macron và không loại trừ sẽ có bạo động ở Pháp nếu các lợi ích không được dung hòa.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mat-long-gioi-truyen-thong-tong-thong-macron-bi-nguoi-phap-phan-doi-vi-nhung-loi-noi-ngao-man-a202820.html