Máy bay Indonesia chở 62 người rơi xuống biển: Tiết lộ nguyên nhân


Thứ 6, 22/01/2021 | 13:59


Cùng sự kiện

Các nhà điều tra Indonesia cho biết một trong những nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay chở 62 người là do hệ thống ga tự động (autothrottle)

Các nhà điều tra Indonesia cho biết một trong những nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay chở 62 người là do hệ thống ga tự động (autothrottle) trên chiếc Boeing 737-500 gặp sự cố.

Cơ quan chức năng xem xét mảnh vỡ chiếc máy bay Boeing 737-500, mang số hiệu SJ 182. Ảnh: Reuters

Bloomberg đưa tin, các nhà chức trách Indonesia đảm nhận điều tra vụ rơi máy bay Sriwijaya Air gặp nạn ngày 9/1, đang xem xét khả năng hệ thống Autothrottle trên máy bay gặp sự cố là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Autothrottle (hay automatic throttle; tạm dịch: hệ thống tự động điều chỉnh lực đẩy) là hệ thống được thiết kế để phi công có thể cài đặt công suất động cơ dựa trên đặc tính bay mong muốn thay vì phải thao tác liên tục bằng tay.

Theo Bloomberg, hệ thống ga tự động đã tăng công suất của một trong số hai động cơ của chiếc Boeing 737-500, ngay trước khi máy bay rơi xuống biển.

Nguồn tin giấu tên cho biết vấn đề này đã xảy ra trên chuyến bay trước đó của chiếc Boeing 737-500. Nhìn chung, các sự cố liên quan hệ thống ga tự động là nguyên nhân dẫn đến một vài thảm kịch của máy bay Boeing, bao gồm vụ rơi máy bay ở Romania năm 1995.

Nurcahyo Utomo, trưởng nhóm điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, nói rằng sự cố với hệ thống ga tự động “là một trong số những nguyên nhân khiến máy bay gặp sự cố, nhưng chưa rõ đây có phải nguyên nhân chính hay không”.

Nhóm của ông Utomo đang làm việc với các kỹ sư Boeing để phân tích các dữ liệu thu thập từ hộp đen máy bay. Cho đến nay, đội cứu hộ Indonesia mới chỉ tìm thấy hộp đen lưu trữ thông số chuyến bay. Hộp đen lưu trữ đoạn ghi âm buồng lái chưa được tìm thấy.

Nếu trục trặc liên quan đến hệ thống Autothrottle là nguyên nhân chủ chốt khiến máy bay Sriwijaya Air gặp nạn ngày 9/1, cách phi công phản ứng và cách hãng hàng không Indonesia bảo dưỡng máy bay sẽ là hai vấn đề được quan tâm nhiều trong cuộc điều tra.

“Hiện tượng không tương đồng lực đẩy lớn giữa 2 động cơ là rất hiếm, nhưng các phi công đều được đào tạo để nhận ra điều này và ngăn ngừa mất kiểm soát", Nhà phân tích hàng không Gerry Soejatman có trụ sở tại Jakarta cho biết. "Hội đồng điều tra sẽ xác định mức độ lực đẩy không đều đã xảy ra và xem xét các yếu tố khác xem nó có phải là nguyên nhân dẫn đến tình huống mất kiểm soát".

Hãng Boeing từ lâu đã công bố hướng dẫn giúp các phi công xử lý vấn đề nếu hệ thống điều khiển tự động gặp sự cố. Dẫu vậy, các vụ tai nạn đáng tiếc vẫn diễn ra, nguyên nhân thường là do phi công không kịp nhận ra vấn đề trước khi máy bay rơi.

Chính quyền Indonesia ngày 21/1 tuyên bố ngừng tìm kiếm các nạn nhân trong vụ rơi máy. Chiếc máy bay Boeing 737-500, mang số hiệu SJ 182, chở 62 người đã lao xuống biển Java ngày 9/1, chỉ 4 phút sau khi cất cánh từ sân bay ở Jakarta.

Hồi tuần trước, các thợ lặn đã tìm thấy một hộp đen chứa dữ liệu của chuyến bay này từ đáy biển.

Đây là vụ tai nạn hàng không lớn thứ 2 ở Indonesia kể từ sau sự kiện 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng vào năm 2018. Khi đó, chiếc máy bay Boeing 737 MAX của Hãng Lion Air cũng rơi xuống biển Java sau khi cất cánh từ Jakarta.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/may-bay-indonesia-cho-62-nguoi-roi-xuong-bien-tiet-lo-nguyen-nhan-a353620.html