Mỹ hứa giúp Triều Tiên phát triển kinh tế nhưng không trả tiền: Ai sẽ trả?


Thứ 6, 18/05/2018 | 06:55


Cùng sự kiện

Washington tuyên bố sẽ không có sự hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ cho Triều Tiên, vậy ai sẽ là người chi trả cho lời hứa sẽ giúp nền kinh tế Triều Tiên phát triển?

"Thịnh vượng" là "phần thưởng kinh tế" mà Mỹ hứa hẹn nếu Triều Tiên chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Washington cũng đồng thời tuyên bố sẽ không có sự hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ cho Triều Tiên. Vậy ai sẽ là người chi trả cho lời hứa của Mỹ?

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Bình Nhưỡng hôm 9/5, trong chuyến thăm thứ 2, để hoàn tất các kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới và đưa 3 công dân Mỹ từng bị Triều Tiên giam giữ về nước.

Theo Korea Heral, ông Pompeo đánh giá cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra "nồng ấm", "xây dựng" và "tốt đẹp". Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 13/5, ông cũng tuyên bố rằng nếu Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân theo hướng lâu dài và không thể đảo ngược, thì Mỹ sẽ sẵn lòng giúp Bình Nhưỡng thúc đẩy nền kinh tế.

Ông Pompeo cho biết thêm, Mỹ sẽ sẵn sàng "dỡ bỏ lệnh trừng phạt" để mở đường cho đầu tư tư nhân của Mỹ vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Triều Tiên.

Ngoại trưởng Pompeo phát biểu: "Món quà lớn nhất mà Mỹ có thể trao cho Triều Tiên là mở đường cho nước này thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Triều Tiên bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Các nhà đầu tư tư nhân sẽ đầu tư vào Triều Tiên. Điều này sẽ giúp Triều Tiên xây dựng mạng lưới điện bởi Triều Tiên đang cần một nguồn năng lượng điện khổng lồ. Đồng thời, qua đó sẽ phát triển cơ sở hạ tầng và tất cả những thứ mà người dân Triều Tiên đang cần đến như thiết bị cho nông nghiệp, công nghiệp".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố người chi trả các khoản tiền này "sẽ không phải là người Mỹ đóng thuế". Cố vấn an ninh quốc gia Bolton cũng nói rằng sẽ không có sự hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ cho Triều Tiên. Hơn hết, tổng thống Mỹ Donald Trump là nhà lãnh đạo rất thực tế trong vấn đề tài chính.

Tổng thống Trump từng yêu cầu Mexico phải chi trả kinh phí xây dựng bức tường dọc biên giới hai nước dù đây là ý tưởng do ông đề xuất. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hối thúc Hàn Quốc phải chia sẻ gánh nặng kinh phí với Mỹ khi Washington duy trì lực lượng quân sự tại đây. Những ví dụ trên là bằng chứng cho thấy nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ không hỗ trợ cho Triều Tiên trong quá trình tái thiết nền kinh tế như kế hoạch Marshall từng giúp phục hưng châu Âu.

Trước đó, kế hoạch Marshall của Mỹ từng cung cấp các khoản viện trợ trực tiếp cho Tây Âu để giúp tái thiết các nền công nghiệp của khu vực này sau Thế chiến 2. Tuy vậy, bối cảnh quốc tế đã thay đổi và việc trông cậy vào các tập đoàn đa quốc gia được cho cách tốt nhất để giúp Triều Tiên trong thời điểm hiện tại.

Nền kinh tế Triều Tiên đã tiếp tục suy yếu khi nước này sa vào các chương trình tên lửa và hạt nhân, điều dẫn đến các lệnh trừng phạt cứng rắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các lệnh trừng phạt riêng của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác. 

Đặc biệt là, việc Bắc Kinh thực thi tích cực các lệnh trừng phạt của HĐBA đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên.

Theo ông Park Won-gon, chuyên gia về an ninh làm việc tại trường Đại học Toàn cầu Handong, do các lệnh trừng phạt, kho ngoại tệ cạn kiệt và tình hình có thể đã ảnh hưởng tới sự trung thành của tầng lớp giàu có và quyền lực ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un có thể phải vét nốt kho tiền mặt để chi cho việc quản lý nhà nước và điều này làm ông lo ngại.

"Với việc một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp nhà nước của Triều Tiên không hoạt động đầy đủ chức năng, nhiều công dân đã phải lệ thuộc vào thị trường không chính thức để kiểm sống. Nói đơn giản là hệ thống kinh tế nhà nước của Triều Tiên đã hầu như tê liệt", ông Ahn Chan-il, giám đốc Viện nghiên cứu thế giới về Triều Tiên, nhận định với Yonhap.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm một nhà máy sản xuất máy kéo tại Triều Tiên. - Ảnh: KCNA.

Việc cung cấp điện cho ngành công nghiệp của đất nước và 24 triệu người dân Triều Tiên thậm chí chỉ ở mức tối thiểu, từ lâu đây đã trở thành một trong những vấn đề lớn của Triều Tiên. Trước đây, cộng đồng quốc tế từng nhiều lần đề nghị giúp đỡ Bình Nhưỡng mở rộng mạng lưới điện, nếu chính phủ nước này đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, Triều Tiên từ chối điều này.

Năm 2016, khả năng cung cấp điện của Triều Tiên ở mức 15 TWh mỗi năm, đạt từ 10 – 20%. Tức là tất cả các nhà máy điện của Triều Tiên chỉ sản xuất được một lượng điện đủ cung cấp cho Seoul, thủ đô Hàn Quốc trong khoảng 4 tháng.

Một số nguồn tin cho biết, khoảng 1/5 lượng điện của Triều Tiên được chính phủ cung cấp cho đội quân 1 triệu người của mình. Hơn nữa, đa phần các nhà máy điện được sử dụng để phục vụ cho việc thắp sáng Bình Nhưỡng và một số thành phố lớn khác, nơi có ít hơn 1/10 dân số đất nước.

Theo một thống kê của chính phủ Triều Tiên năm 2014, số tiền cần thiết để phát triển nền kinh tế Triều tiên sẽ vào khoảng 77,3 tỷ USD và được chi cho việc tái thiết mạng lưới đường sắt xuống cấp của Triều Tiên cũng như đầu tư vào hệ thống tàu cao tốc. Các dự án nâng cấp đường sá dự kiến cũng tiêu tốn kinh phí không hề nhỏ.

"Trước hết Triều Tiên cần tham gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tiếp đó, nếu Triều Tiên cũng tham gia các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, nhiều nước có thể cung cấp các khoản vay hoặc viện trợ cho Triều Tiên và đầu tư tư nhân cũng sẽ đổ vào Triều Tiên", Giáo sư Kim Byung-yeon tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định.

Đồng thời, Washington có thể nhờ một quốc gia thứ ba bảo đảm quá trình vay vốn giữa Bình Nhưỡng và các tổ chức trên, theo báo Chosun.

"Điểm mấu chốt là Mỹ có tầm ảnh hưởng rất lớn tại các thị trường tài chính quốc tế. Nhiều nước sẵn sàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như phát triển tài nguyên dưới lòng đất của Triều Tiên nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt (Bình Nhưỡng)", một quan chức chính phủ nhận định.

Các khoản đầu tư vào Triều Tiên có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên nếu được triển khai đúng đắn. Tính tới năm 2016, tổng sản phẩm quốc gia của Triều Tiên chỉ bằng 1/45 so với Hàn Quốc. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đương nhiên muốn giúp Triều Tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng lỗi thời của nước này để chuẩn bị cho quá trình tái thống nhất.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã diễn ra thành công vào ngày 27/7. - Ảnh: AP

Các dự án từng được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 4 ước tính tiêu tốn khoảng 16 nghìn tỷ won. Một lộ trình phát triển mới dành cho Triều Tiên đã được một ủy ban đặc biệt của Hàn Quốc chuẩn bị, dự kiến sẽ bao gồm các dự án phát triển hệ thống đường sắt, cảng, mạng lưới điện và cung cấp khí đốt cho Triều Tiên. Ngoài ra, Bình Nhưỡng được cho là muốn nhận các khoản đầu tư công nghệ cao thay vì chỉ viện trợ cho các ngành công nghiệp nhẹ.

Tuy nhiên, theo Chosun, các dự án chỉ có thể được thực hiện trong phạm vi cho phép của ngân sách Hàn Quốc.

NGUYỄN QUỲNH  (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-hua-giup-trieu-tien-phat-trien-kinh-te-nhung-khong-tra-tien-ai-se-tra-a229883.html