+Aa-
    Zalo

    Mỹ muốn có một thỏa thuận 3 bên với Nga và Trung Quốc về hiệp ước vũ khí

    ĐS&PL Phía Mỹ mong muốn mọi cuộc đàm phán trong tương lai về kiểm soát vũ khí đều có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc.

    Phía Mỹ mong muốn mọi cuộc đàm phán trong tương lai về kiểm soát vũ khí đều có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc.

    Mỹ muốn có một thỏa thuận 3 bên với Nga và Trung Quốc về hiệp ước vũ khí hạt nhân. Ảnh minh họa

    Tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, mọi cuộc đàm phán trong tương lai về kiểm soát vũ khí đều phải dựa vào tầm nhìn của Tổng thống Donald Trump về một thỏa thuận 3 bên có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus xác nhận bình luận trên được ông Pompeo đưa ra khi thảo luận với ông Lavrov về các bước tiếp theo trong Đối thoại An ninh Chiến lược song phương.

    Báo Người lao động dẫn thông tin từ Reuters cho biết, ông Trump vào năm ngoái đề xuất Mỹ, Nga, Trung Quốc đàm phán một hiệp ước để thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) mới năm 2010. Nội dung hiệp ước yêu cầu cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom và tên lửa mà Mỹ và Nga triển khai. Hiệp ước START mới sẽ hết hạn vào tháng 2-2021 trừ khi các bên đồng ý gia hạn thêm tối đa 5 năm. Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn hiệp ước nhưng Mỹ vẫn chưa bày tỏ quan điểm của mình.

    Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov đã nhắc lại đề xuất gia hạn hiệp ước START mới trong cuộc điện đàm với ông Pompeo. Quan chức này nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng thảo luận các thỏa thuận tiềm tàng về vũ khí hạt nhân mới nhưng điều quan trọng là phải duy trì hiệp ước START mới. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 17/4 lưu ý tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và tên lửa siêu thanh Avangard của Nga có thể được tính cùng với các vũ khí hạt nhân khác trong khuôn khổ hiệp ước START mới.

    Theo lập luận của giới chức Mỹ, bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí mới nào giữa Mỹ và Nga cũng phải có thêm Trung Quốc bởi "mối đe dọa đang tăng" từ kho vũ khí hạt nhân đang được hiện đại hóa của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng đề xuất của ông Trump là chiến lược mới nhằm "thủ tiêu" hiệp ước START mới và chấm dứt những hạn chế đối với hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ. Trong khi đó, Moscow cho rằng mục tiêu đó là phi thực tế, nhất là khi Bắc Kinh lâu nay không muốn thảo luận về bất kỳ thỏa thuận nào làm giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ. Trung Quốc ước tính hiện có khoảng 300 vũ khí hạt nhân, ít hơn nhiều so với Mỹ và Nga.

    Bài đăng trên VOV cho biết, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga và sẽ hết hạn vào đầu năm 2021. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga. Nếu Hiệp ước bị “khai tử”, đây là sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.

    Theo thống kê của hãng tin AP, các quan chức Mỹ-Nga đã gặp nhau 3 lần bàn về số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới. Giới chức Mỹ và Trung Quốc cũng đã có cuộc đối thoại tương tự. Tuy nhiên, chưa có cuộc gặp 3 bên Mỹ-Nga-Trung cho vấn đề này.

    Nga trước đây phản đối, nhưng nay đã tỏ ý ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Donald Trump kêu gọi sự tham gia của Trung Quốc. Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga một lần nữa nhắc lại nhập trường sẵn sàng làm việc về các thỏa thuận mới có thể về kiểm soát vũ khí hạt nhân, song điều quan trọng là phải duy trì Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược trong giai đoạn chuẩn bị.

    Hoa Vũ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-muon-co-mot-thoa-thuan-3-ben-voi-nga-va-trung-quoc-ve-hiep-uoc-vu-khi-a320195.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.