Mỹ quyết dừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân nếu cách hành xử của Nga không thay đổi


Chủ nhật, 03/02/2019 | 00:17


“Nếu cách hành xử của Nga không thay đổi, chúng tôi sẽ giữ vững quyết định rút khỏi hiệp ước, và hiệp ước sẽ chấm dứt" - Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

“Nếu cách hành xử của Nga không thay đổi, chúng tôi sẽ giữ vững quyết định rút khỏi hiệp ước, và hiệp ước sẽ chấm dứt" - Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Theo Sputniknews, một đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/2 cho biết Washington có thể trở lại Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã quyết định rút khỏi, một khi Nga bắt đầu tuân thủ những cam kết theo hiệp ước này.

Một loại tên lửa của quân đội Mỹ. Ảnh: The Moscow Times

Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Mỹ có quyền rút lại thông báo rút khỏi hiệp ước trước khi thời hạn sáu tháng này kết thúc, và chúng tôi sẽ sẵn sàng cân nhắc làm điều đó nếu Nga tuân thủ trở lại một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, nếu cách hành xử của Nga không thay đổi, chúng tôi sẽ giữ vững quyết định rút khỏi hiệp ước, và hiệp ước sẽ chấm dứt."

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington sẵn sàng đối thoại với Nga về kiểm soát vũ khí, song chỉ trên cơ sở một cách tiếp cận có trách nhiệm về việc thực thi các nghĩa vụ chung.

Đáp trả Mỹ, ông Putin lệnh dừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân. Ảnh: RT

Được biết, tuyên bố này của Mỹ đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva ngừng tuân thủ hiệp ước INF nhằm đáp lại các hành động của Mỹ.

Cụ thể, Nga cho biết sẽ chế tạo tên lửa mới nhưng sẽ không triển khai vũ khí ở châu Âu và các khu vực khác trừ khi Mỹ cũng làm vậy.

 “Hành động của chúng tôi là sự đáp trả tương xứng. Các đối tác Mỹ của chúng tôi nói rằng họ sẽ dừng thực hiện thỏa thuận (INF) và chúng tôi cũng làm như vậy”, Tổng thống Putin phát biểu tại Moscow hôm 2/2.

“Họ nói rằng họ đang nghiên cứu và thử nghiệm (các vũ khí mới) và chúng tôi sẽ làm điều tương tự”, ông Putin nói trong cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong lễ ký kết hiệp ước INF năm 1987. Ảnh: Sputnik

Mỹ cáo buộc tên lửa mới 9M729 của Nga vi phạm INF vì có tầm bay vượt quá 5.000 km. Trong khi đó, phía Nga cho biết tên lửa 9M729 chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 480 km, như vậy không vi phạm hiệp ước INF như cáo buộc của Washington.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng mặc dù đề xuất của Nga về việc hiện đại hóa hiệp ước năm 1987 và khiến cho hiệp ước này minh bạch hơn “vẫn đang được xem xét”, song Nga sẽ không tiến hành thêm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ để cứu vãn hiệp ước.

Trong thông báo phát đi, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho việc chế tạo các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm theo hiệp ước INF từ 2 năm trước khi cáo buộc Nga vi phạm. Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Raytheon có trụ sở tại Tucson, bang Arizona, Mỹ đã khởi động chương trình từ tháng 7/2017 để mở rộng và hiện đại hóa năng lực sản xuất để chế tạo các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị cấm theo hiệp ước INF.

Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân mang nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.

Những vũ khí như vậy được coi là đặc biệt nguy hiểm vì chúng chỉ mất vài phút để tiếp cận mục tiêu, khiến các nhà lãnh đạo chính trị có rất ít thời gian để cân nhắc phản ứng và làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong trường hợp cảnh báo tấn công sai.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-quyet-dung-tuan-thu-hiep-uoc-hat-nhan-neu-cach-hanh-xu-cua-nga-khong-thay-doi-a261894.html