Cục Y tế dự phòng nói về cách phòng tránh dịch bệnh sau mưa lũ


Thứ 3, 17/10/2017 | 07:00


Sau mưa lũ vô số vi khuẩn sinh sôi tạo ra hàng loạt bệnh như đau mắt đỏ, bệnh đường tiêu hóa, sốt xuất huyết, nước ăn chân,...

Sau mưa lũ vô số vi khuẩn sinh sôi tạo ra hàng loạt bệnh như đau mắt đỏ, bệnh đường tiêu hóa, sốt xuất huyết, nước ăn chân,...

Theo cảnh báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa (như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ...).

Bộ Y tế cảnh báo, sau mưa lũ nhiều nguy cơ bệnh dịch đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ảnh: báo Giao thông

Trước thực trạng này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm tại các khu vực bị lũ lụt, các cơ sở y tế tại các tỉnh, thành phố cần trang bị thuốc men, hóa chất khử trùng nước đầy đủ cho các địa phương.

Ngoài ra, cần lưu ý đến việc vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Đây là một việc làm hết sức cần thiết bởi giải quyết nguồn nước hợp vệ sinh cho dân sử dụng là một việc làm khó khăn trong điều kiện vừa xảy ra mưa lụt.

Nếu chưa có nước sạch, người dân cần chủ động thau rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng, các nguồn nước sinh hoạt của mình, sát trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở.

Khi phải dùng nước lũ làm nước dùng thì có thể dùng phèn chua hòa vào nước (1g phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Hoặc dùng vải để lọc bớt chất bẩn trước khi tắm rửa. Để uống thì chúng ta vẫn phải đun sôi loại nước này.

Cố gắng quản lý tốt chất thải, đặc biệt là các loại chất thải như phân, nước tiểu, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện, tránh không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh. Những ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Phát động mọi người dân tự giác vệ sinh trong từng gia đình, từng ngõ xóm, tạo môi trường sống phong quang, sạch sẽ nhằm hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh phát triển.

Ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm: Để tránh lây bệnh gây ra do vi khuẩn, chúng ta cần thực hiện đun chín kỹ thức ăn, không ăn sống tái các thực phẩm, đặc biệt là gỏi và tiết canh. Ngoài ra, không ăn thực phẩm chế biến từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

Thực hiện tách riêng biệt thịt và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác trong chế biến và bảo quản, đặc biệt là các thực phẩm ăn liền: hoa quả, bún, nộm, giò chả. Sử dụng dao thớt riêng cho thực phẩm sống và chín.

Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt trong các hộp có nắp ở nhiệt độ thích hợp. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ chế biến thực phẩm không để ruồi nhặng, côn trùng, vật nuôi đụng vào. Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn.

Khẩn trương dọn vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà. Lau rửa sạch sàn nhà, thau rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa sạch dụng cụ chế biến thức ăn. Khơi thông cống rãnh, không để nước đọng. Thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ, dùng thuốc sát khuẩn nguồn nước và phun thuốc phòng dịch bệnh…

Người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

Mắc màn khi ngủ, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất...

Tiêm vacxin phòng bệnh đường ruột: Mọi người dân nên đến trạm y tế để được tiêm các loại vacxin phòng bệnh cần thiết, tránh được nhiều bệnh, nhất là bệnh đường ruột sau lũ một cách có hiệu quả.

Nguyễn Hà (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuc-y-te-du-phong-noi-ve-cach-phong-tranh-dich-benh-sau-mua-lu-a205450.html