Nhân bản vô tính thành công ở khỉ, tiếp theo sẽ đến con người?


Thứ 6, 26/01/2018 | 11:57


Cùng sự kiện

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nhân bản vô tính thành công 2 chú khỉ, tương tự kỹ thuật đã tạo ra cừu Dolly ở Scotland năm 1996.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nhân bản vô tính thành công 2 chú khỉ, tương tự kỹ thuật đã tạo ra cừu Dolly ở Scotland năm 1996.

Zhong Zhong và Hua Hua – 2 chú khỉ 8 và 6 tuần tuổi đã được các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc nhân bản vô tính thành công. Bộ đôi giống hệt nhau và là con vật đầu tiên được nhân bản thành công sau chú cừu Dolly. Dolly được nhân bản bằng cách sử dụng kỹ thuật gọi là chuyển giao tế bào gốc - một phương pháp chưa bao giờ được sử dụng để nhân bản linh trưởng.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thần kinh thuộc Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho rằng công trình của họ sẽ giúp giới y khoa nghiên cứu bệnh tật trong quần thể khỉ giống nhau về mặt di truyền. Và, bước đột phá này đưa thế giới tiến gần thêm một bước với nhân bản con người.

Zhong Zhong và Hua Hua được sinh ra bằng phương pháp nhân bản vô tính. Ảnh: Guardian

Tuy nhiên, ông Muming Poo, thành viên nhóm nghiên cứu sau đó đã chia sẻ: "Con người cũng là một loài linh trưởng. Rào cản về kỹ thuật để nhân bản vô tính các loài linh trưởng, kể cả con người, nay đã bị phá vỡ. Lý do chúng tôi phá vỡ rào cản trên là để tạo ra các mẫu động vật hữu ích cho y học và sức khỏe con người. Chúng tôi không có ý định áp dụng phương pháp này vào con người".

Nhà khoa học Qiang Sun, giám đốc cơ sở nghiên cứu linh trưởng nói: "Bạn có thể tạo ra các con khỉ nhân bản vô tính với cùng một nền di truyền ngoại trừ gen bạn đã thao tác. Điều này sẽ tạo ra các mô hình thực sự hỗ trợ điều trị không chỉ đối với bệnh não do di truyền, mà còn tác động tích cực đến điều trị các rối loạn về ung thư, miễn dịch hoặc trao đổi chất và cho phép chúng ta kiểm tra hiệu quả của thuốc đối với các tình trạng này trước khi sử dụng lâm sàng".

The Sun dẫn quan điểm của nhiều nhà bảo vệ động vật đã lên án kế hoạch nhân bản vô tính loài vật để thử nghiệm thuốc chữa bệnh. Họ cho rằng nhân bản là quá trình tốn thời gian, tiền bạc và sinh mạng do tỉ lệ thất bại lớn.

Nhiều nhà bảo vệ động vật lên án việc nhân bản vô tính. Ảnh: Hindustantimes

Zhong Zhong và Hua Hua là những con khỉ được nhân bản vô tính từ những tế bào khổng lồ giống nhau lấy từ thai nhi.

Các nhà khoa học cho biết khỉ nhân bản vô tính từ tế bào trưởng thành chỉ sống được vài giờ sau khi sinh ra. Cả hai chú khỉ này đều là sản phẩm của quá trình chuyển hóa hạt nhân tế bào soma hoặc SCNT, trong đó các nhà nghiên cứu loại bỏ hạt nhân khỏi tế bào trứng và thay thế nó bằng một hạt nhân khác từ các tế bào cơ thể riêng biệt.

Bộ đôi này không phải là những dòng vô tính đầu tiên. Tetra cũng là chú khỉ được sinh ra vào năm 1999 thông qua một phương pháp đơn giản gọi là chia tách phôi - giống như sao đôi sinh đôi trong tử cung. Tuy nhiên, SCNT được cho là phương pháp nhân bản cao cấp và hữu ích hơn cho các nhà khoa học.

Tiến sĩ Sun nói thêm: "Chúng tôi đã thử một số phương pháp khác nhau, nhưng chỉ có phương pháp hiệu quả. Đã có nhiều thất bại trước khi chúng tôi tìm ra cách để thành công nhân bản vô tính một con khỉ".

Các chuyên gia đã dành 3 năm thực hành và hoàn thiện thủ tục SCNT. Các nhà nghiên cứu dự định tiếp tục cải tiến kỹ thuật này. Họ đang theo dõi sự phát triển thể chất và tinh thần của cả Zhong Zhong lẫn Hua Hua.

Những chú khỉ nhân bản vô tính khác dự tính sẽ được sinh ra trong vài tháng tới.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo ABC, Daily Star, Independent)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-ban-vo-tinh-thanh-cong-o-khi-tiep-theo-se-den-con-nguoi-a217803.html