+Aa-
    Zalo

    Các nước phản ứng thế nào về nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ?

    ĐS&PL Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vừa thông qua nghị quyết mới về gia tăng trừng phạt Triều Tiên, các quốc gia đã đưa ra những phản ứng của mình.

    Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vừa thông qua nghị quyết mới về gia tăng trừng phạt Triều Tiên, các quốc gia đã đưa ra những phản ứng của mình.

    VOV đưa tin, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/8 đã nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Động thái này đưa ra chỉ một tuần, sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của trong tháng 7 vừa qua.

    Đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc trong một lần bỏ phiếu về nghị quyết của Hội đồng Bảo an trừng phạt Triều Tiên hồi tháng 6.

    Nghị quyết trừng phạt do Mỹ soạn thảo đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Nghị quyết cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài hiện nay, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với nước này. Nghị quyết cũng bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có một ngân hàng chủ chốt, buộc họ phải chịu sự đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại.

    Những biện pháp trên được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc và là lệnh trừng phạt đầu tiên ở quy mô như vậy đối với Triều Tiên, kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, nêu bật sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc trừng phạt Triều Tiên.

    Cộng đồng thế giới đã ngay lập tức phản ứng về nghị quyết trên của Hội đồng Bảo an.

    Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trong một tuyên bố đã nói rằng, đây là loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất mà Hội đồng Bảo an từng áp đặt đối với một quốc gia.

    “Hôm nay, Hội đồng Bảo an đã cùng nhau thống nhất trong lập trường về trừng phạt Triều Tiên. Và đây cũng là lần mà Hội đồng Bảo an không chỉ thống nhất được cả trong hành động, mà cả lời nói trong vấn đề này.”

    Trung Quốc – quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thường phản đối các lệnh trừng phạt của cơ quan này đối với Triều Tiên, cũng đã bày tỏ ủng hộ nghị quyết. Theo đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất, việc Hội đồng Bảo an gia tăng trừng phạt hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên đã được nâng lên một tầm mức mới.

    Nghị quyết cũng cho thấy, thế giới đã thống nhất trong quan điểm về tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Lưu Kết Nhất hoan nghênh tuyên bố của Mỹ không tìm kiếm giải pháp thay đổi thể chế của Triều Tiên, cũng như ưu tiên thống nhất hai miền Triều Tiên.

    Thông tin trên TTXVN, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vasily Nebenzya nhấn mạnh cần có một chiến lược chính trị để giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên vì những biện pháp trừng phạt là không đủ. Ông Nebenzya cho rằng các biện pháp trừng phạt không được dùng để “bóp nghẹt” nền kinh tế Triều Tiên hoặc cố ý làm trầm trọng hơn tình hình nhân đạo, thay vào đó là "một công cụ" khiến nước này tham gia các cuộc đàm phán mang tính xây dựng.

    Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra sau khi HĐBA LHQ thông qua nghị quyết trên cũng khẳng định chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục hợp tác với các nước đồng minh và đối tác nhằm gia tăng sức ép về ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng. 

    Trong một tuyên bố ngày 6/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh các lệnh trừng phạt mới chống Triều Tiên. Theo ông Abe, nghị quyết cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu than và sắt cũng như một số nguồn thu chủ chốt khác của nước này "rõ ràng chứng tỏ ý định của cộng đồng quốc tế nhằm gia tăng sức ép (lên Triều Tiên) ở một cấp độ cao hơn". Ông Abe cũng bày tỏ cam kết hợp tác với Trung Quốc và Nga để đảm bảo lệnh cấm mới đạt hiệu quả như mong đợi. 

    Phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, đang diễn ra tại Manila (Philippines), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt là cần thiết để đối phó với Triều Tiên, song “chắc chắn” không phải là mục đích cuối cùng. Ông cho rằng vẫn có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại. 

    Trong khi đó, Triều Tiên đã có phản ứng đầu tiên với nghị quyết trừng phạt nói trên. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích dẫn một bài viết đăng trên nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 6/8 cảnh báo Mỹ sẽ tự hủy hoại chính mình nếu có bất kỳ hành động hạt nhân hay biện pháp trừng phạt nào chống Bình Nhưỡng. 

    Tuyên bố được đưa ra sau khi toàn bộ 15 nước ủy viên HĐBA LHQ nhất trí thông qua nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên liên quan đến 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng trong tháng 7. Nghị quyết bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt; cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. 

    Ngoài ra, nghị quyết còn cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài, cũng như cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên và bất cứ hoạt động đầu tư mới nào trong các công ty liên doanh hiện tại với quốc gia này. Dự đoán, các biện pháp trừng phạt này có thể làm sụt giảm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, vốn đang ở mức 3 tỷ USD mỗi năm.

    (Tổng hợp)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-nuoc-phan-ung-the-nao-ve-nghi-quyet-trung-phat-trieu-tien-cua-lhq-a198307.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan