Quy trình sản xuất khắt khe tạo nên loại rượu Mao Đài đắt đỏ và nổi tiếng nhất Trung Quốc


Thứ 4, 24/06/2020 | 06:24


Cùng sự kiện

Rượu Quý Châu Mao Đài, một loại rượu đặc sản được Trung Quốc coi là "quốc gia chi bảo" đồng thời là bí mật quốc gia cần được bảo vệ.

Rượu Quý Châu Mao Đài, một loại rượu đặc sản được Trung Quốc coi là "quốc gia chi bảo" đồng thời là bí mật quốc gia cần được bảo vệ.

Quê hương của rượu Mao Đài là ở thị trấn cùng tên, gần Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Nơi đây có con sông Xích Thủy với dòng nước trong vắt suốt 4 mùa từ trong hang núi chảy qua. 

Nhà máy sản xuất rượu Mao Đài nổi tiếng nhất Trung Quốc là công ty TNHH Kweichou Moutai thuộc tập đoàn Kweichou Moutai, với giá trị vốn hóa hiện nay khoảng 1.800 tỷ NDT (khoảng 6,2 triệu tỷ đồng).

Lịch sử phát triển của rượu Mao Đài tính đến nay đã hơn 2.000 năm, song loại rượu Mao Đài được biết đến ngày nay lại có xuất xứ từ thời nhà Thanh.  Danh tiếng của nó bắt đầu vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc khi cựu Thủ tướng Chu Ân Lai thường dùng nó để chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới. 

Người Trung Quốc cho rằng, chính nguyên liệu được chọn lọc tỉ mẩn, công thức chưng cất rượu độc đáo, khí hậu thiên nhiên ưu đãi và tay nghề của người nấu rượu là ba yếu tố quyết định tạo nên hương vị độc đáo của thứ rượu cổ truyền này. 

Vào những năm thập niên 1970, ông Chu Ân Lai từng muốn đặt mục tiêu nâng sản lượng rượu Mao Đài bằng cách thí điểm sản xuất loại rượu này ở nhiều thành thị khác nhau. Kết quả, cùng một phương pháp nấu, nhưng rượu sản xuất từ các nơi khác hoàn toàn không đạt chuẩn hương vị chính hiệu như rượu được nấu ở thị trấn Mao Đài.

Rượu Mao Đài có một quy trình sản xuất vô cùng khắt khe, cần tới 1 năm để chế biến, với 9 lần chưng cất, 8 lần lọc, 7 lần lên men, làm sạch và làm mềm vỏ trấu. 

Cao lương được đường hóa rồi lên men trong cả men mở và đóng bằng bột Qu – thứ bột đặc biệt được làm từ lúa mì và các vi sinh vật duy nhất ở thung lũng Mao Đài.

Các công đoạn hầu hết đều được làm thủ công.

Rượu đã chưng cất sau đó được ủ trong các hũ đất sét. Ngay cả những loại rượu Mao Đài cơ bản nhất cũng cần đến 5 năm để thực hiện, ngoài ra còn có loại mất 15, 30, 50 năm, và loại đặc biệt nhất được tích trữ lên tới 80 năm.

Trước khi được đóng chai thành phẩm, rượu còn phải trải qua quy trình thẩm định chất lượng kỹ lưỡng từ các chuyên gia. Nếu hương vị chưa đạt chuẩn thì mọi thứ buộc phải bắt đầu lại từ đầu.

Độ cồn truyền thống của rượu Mao Đài là khoảng 65%. Sản phẩm chủ đạo là loại Mao Đài Phi Thiên với 53% độ cồn. Song gần đây, vì muốn đánh vào nhiều phân khúc trong thị trường, mà có nhiều loại Mao Đài giá thành thấp chỉ từ 35 đến 47% độ cồn.

Một số sản phẩm rượu Mao Đài cao cấp. Năm 2018, một chai Mao Đài 80 tuổi từng được bán đấu giá ở Hàng Châu với giá 245.000 USD (gần 5,7 tỷ đồng). Trước đó năm 2011, một chai Mao Đài phiên bản giới hạn sản xuất năm 1960 cũng được bán với giá gấp 6 lần.

Hoa Vũ

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-trinh-san-xuat-khat-khe-tao-nen-loai-ruou-mao-dai-dat-do-va-noi-tieng-nhat-trung-quoc-a328362.html