Số ca nhiễm toàn cầu vượt 31 triệu, hơn 964.000 người tử vong vì COVID-19


Thứ 2, 21/09/2020 | 00:50


Cùng sự kiện

Thế giới đã ghi nhận hơn 31 triệu người nhiễm bệnh và gần 965.000 ca tử vong do đại dịch COVID-19.

Thế giới đã ghi nhận hơn 31 triệu người nhiễm bệnh và gần 965.000 ca tử vong do đại dịch COVID-19.

Theo dữ liệu cập nhật trên trang worldometers, tính đến 7h ngày 21/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 31.220.096 ca nhiễm và 964.761 trường hợp tử vong do đại dịch COVID-19, tăng lần lượt 242.510 và 3.890 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước.

Đã có hơn 31 triệu người trên thế giới nhiễm COVID-19. Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, mới đây đã ghi nhận số ca nhiễm vượt 7 triệu ca. Cụ thể trong 24 giờ qua, Mỹ báo thêm 34.099 ca nhiễm và 294 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng lần lượt tổng số ca lên 7.000.193 và 204.113.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 18/9 thay đổi chỉ dẫn về xét nghiệm lần thứ hai, yêu cầu những người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 làm xét nghiệm dù không có triệu chứng. Hồi cuối tháng 8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gây tranh cãi khi khuyến cáo người có triệu chứng không cần làm xét nghiệm.

Trong khi đó tại vùng dịch thứ 2 thế giới là Ấn Độ, tổng cộng đã có 5.485.612 người mắc bệnh, 87.909 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi. Trong 24 giờ qua, hơn 87.382 ca nhiễm và 1.135 trường hợp tử vong mới đã được ghi nhận tại nước này.

Chính phủ Ấn Độ hôm 15/9 cho biết ít nhất 17 thành viên quốc hội nước này đã dương tính với nCoV, thể hiện mức độ lây lan nhanh chóng của đại dịch. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết chính quyền đang làm tất cả những gì có thể nhằm kiềm chế virus, đồng thời đề nghị quốc hội hỗ trợ nâng cao nhận thức. "Cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới kết thúc", Vardhan thừa nhận.

Tại Brazil, tâm dịch lớn thứ 3 thế giới, đã có thêm gần 16.282 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên trên 4.544.629 ca. Trong đó có 136.895 bệnh nhân không qua khỏi, tăng thêm 330 ca sau 24 giờ.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Séc Adam Vojtech hôm 20/9 cho biết, trong vài ngày tới, chính phủ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng vọt như thời gian gần đây.

Séc hiện ghi nhận 49.283 người nhiễm COVID-19, tăng 984 ca sau 24h, một con số kỷ lục.

Ca nhiễm mới ở Pháp tăng trở lại sau giai đoạn COVID-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 10.569 ca nhiễm, nâng tổng số lên 452.763, trong đó 31.285 người chết, tăng 11 trường hợp.

Chính quyền thủ đô kêu gọi người dân tránh tụ tập hơn 10 người, ở nơi công cộng cũng như tại nhà riêng. Thành phố Nice là một trong số các thành phố phải áp đặt hạn chế mới, bao gồm cho phép tụ tập tối đa 10 người trong công viên và trên bãi biển.

Khu vực Đông Nam Á tính đến hết ngày 20/9 báo cáo thêm hơn 8.000 ca nhiễm mới COVID-19. Số người mắc bệnh tại khu vực ASEAN hiện là 609.799 ca, trong đó 14.883 người đã tử vong.

Indonesia, Philippines vẫn là hai nước ghi nhận số ca nhiễm mới liên tục cao nhất khu vực và đều ở trên mức 3.000 ca.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-ca-nhiem-toan-cau-vuot-31-trieu-hon-964000-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-a339657.html