Tàu sân bay Sơn Đông - "hàng nội địa" đầu tiên của Trung Quốc có gì đặc biệt?


Thứ 3, 03/11/2020 | 23:58


Cùng sự kiện

Tàu Sơn Đông là tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên của Trung Quốc, được cải tiến dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh của nước này.

Tàu Sơn Đông là tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên của Trung Quốc, được cải tiến dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh của nước này.

Tàu sân bay Sơn Đông neo đậu ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Theo Thời báo Hoàn Cầu, tàu sân bay Sơn Đông của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vừa hoàn thành nhiệm vụ thử nghiệm và đào tạo thủy thủ hôm 27/10 vừa qua, sau 10 tháng tàu này được đưa vào biên chế.

Hạm trưởng Lai Dịch Quân cho hay, 10 tháng kể từ khi tàu Sơn Đông được đưa vào biên chế, thủy thủ đoàn chủ yếu được huấn luyện các mục hỗ trợ hàng không, kiểm soát thiệt hại và ứng phó tình huống khẩn cấp. Các thủy thủ còn được huấn luyện với kịch bản chiến đấu thực tế và kiểm tra hiệu quả của các loại vũ khí trên tàu.

Ông Lai cho biết thêm rằng, quá trình thử nghiệm và huấn luyện cho thấy hoạt động cốt lõi của tàu sân bay đã được cải thiện, song không công bố địa điểm cụ thể của đợt thử nghiệm.

Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu Sơn Đông trong cuộc huấn luyện hồi tháng 5/2020. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Trước đó hồi cuối tháng 5, tàu sân bay Sơn Đông lần đầu tiên được đưa vào huấn luyện trên biển sau khi nằm trong biên chế, nhằm kiểm tra tính năng vũ khí trang bị, nâng cao chất lượng huấn luyện và cải thiện khả năng thực hiện nhiệm vụ của binh sĩ. Hình ảnh công bố cho thấy đợt huấn luyện khi đó có sự xuất hiện của 7 tiêm kích J-15.

Trong tương lai, tàu sân bay Sơn Đông sẽ tham gia nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng với máy bay, chiến hạm hoặc nhóm tác chiến tàu sân bay khác.

Tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Sơn Đông. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Tàu Sơn Đông của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên của Trung Quốc. Con tàu này chủ yếu dựa vào mẫu tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô, vì tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh được chế tạo từ một con tàu Kuznetsov chưa hoàn chỉnh.

Tàu sân bay Sơn Đông được cải tiến và nâng cấp một chút so với Liêu Ninh, với radar cải tiến và tăng khả năng lưu trữ cho đạn dược và nhiên liệu, cho phép nó mang theo nhiều máy bay hơn so với "đàn anh". Ước tính tàu sân bay Sơn Đông có thể mang khoảng 30 - 40 máy bay phản lực và trực thăng.

Tháp chỉ huy của tàu Sơn Đông được thu hẹp giúp tăng thêm đáng kể diện tích đỗ cho máy bay. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Một điểm khác biệt nữa là tháp chỉ huy của tàu Sơn Đông hẹp hơn tàu Liều Ninh. Chuyên gia quân sự Doãn Trác nhận định, đảo tàu được thu hẹp giúp tăng thêm đáng kể diện tích đỗ cho máy bay, qua đó giúp tăng tỷ lệ điều động và cải thiện hiệu suất cất-hạ cánh của máy bay trên tàu.

Ngoài ra, Radome (mái che rađa) của tàu Liêu Ninh là một hình vòng cung lồi, còn của tàu Sơn Đông là mặt phẳng với hiệu suất tản nhiệt tốt hơn.

Tàu sân bay Sơn Đông thuộc hàng không mẫu hạm cỡ trung. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Hồ Văn Minh, Tổng tư lệnh nghiên cứu và phát triển tàu Sơn Đông giới thiệu, tàu sân bay mà các nước trên thế giới trang bị chủ yếu được chia thành 3 loại: cỡ lớn, hạng trung và hạng nhẹ. Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc là hàng không mẫu hạm cỡ trung từ 40.000 đến 60.000 tấn, có chiều dài khoảng 300m và rộng 75m.

Giống như tàu sân bay Liêu Ninh, tàu Sơn Đông cũng dùng động cơ diesel đun sôi nước trong các nồi hơi cao áp, để tạo ra hơi nước để chạy hệ thống turbine quay trục chân vịt và máy phát điện. Ước tình, con tàu này tiêu thụ khoảng 1.100 tấn dầu/ngày khi di chuyển với tốc độ 37 km/h, con số này sẽ tăng tới 1.500 tấn/ngày nếu tăng tốc trong chiến đấu.

Tàu Sơn Đông có thể tiêu thụ hơn 1.000 tấn dầu/ngày. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Tàu sân bay Sơn Đông được Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc đóng tại thành phố Đại Liên ở phía Đông Bắc nước này. Dự án bắt đầu khởi công vào tháng 11/2013 nhưng đến tháng 12/2015, Trung Quốc mới xác nhận "công việc thiết kế và xây dựng con tàu đang được tiến hành". 

Tàu sân bay Sơn Đông được chính thức hạ thủy tại Đại Liên vào ngày 26/4/2017. Con tàu sau đó trải qua 8 cuộc thử nghiệm trên biển trước khi được biên chế cho cho lực lượng hải quân thuộc Chiến khu nam bộ của Trung Quốc hồi tháng 12/2019 tại thành phố Tam Á, đảo Hải Nam.

Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tau-san-bay-son-dong---hang-noi-dia-dau-tien-cua-trung-quoc-co-gi-dac-biet-a344869.html