Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 4/1: Hai vụ nổ kinh hoàng tại al-Hasakah


Thứ 2, 04/01/2021 | 02:14


Cùng sự kiện

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 4/1: Hai vụ nổ kinh hoàng tại al-Hasakah; Thổ Nhĩ Kỳ gửi lượng lớn quân tiếp viện đến Tây Bắc Syria;...

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 4/1: Hai vụ nổ kinh hoàng tại al-Hasakah; Thổ Nhĩ Kỳ gửi lượng lớn quân tiếp viện đến Tây Bắc Syria;...

Hai vụ nổ kinh hoàng tại al-Hasakah

Ngày đầu năm 2021, al-Hasakah đã rung chuyển khi 2 vụ nổ liên tiếp xảy ra. Những hình ảnh trong clip khiến người ta kinh hoàng về mức độ thương vong.

Buổi sáng ngày 1/1, một thiết bị nổ tự tạo đã nổ tung tại khu chợ đông đúc Souq al-Aumal ở thành phố al-Hasakah.

Video: Khung cảnh hỗn loạn trong khu cấp cứu các nạn nhân trong vụ nổ ở al-Hasakah. Nguồn: SANA

Souq al-Aumal nằm trong khu vực quản lý của chính phủ và đương nhiên, trách nhiệm về an ninh thuộc quân chính phủ Syria.

Theo hãng thông tấn Ả Rập Syria, vụ nổ khiến 1 dân thường thiệt mạng và ít nhất 25 người khác bị thương.

Vài giờ trước khi xảy ra vụ nổ ở Souq al-Aumal, một vụ nổ khác cũng đã làm rung chuyển Ras al-Ain. Thị trấn này nằm trong khu vực chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ, ở phía bắc vùng nông thôn al-Hasakah.

Một vài nguồn tin cho biết, thiết bị nổ tự tạo được gắn vào một chiếc xe đỗ trên trục đường chính dẫn vào khu chợ bán rau ở Ras al-Ain. Vụ nổ khiến 1 chiến binh thuộc lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và 4 thường dân.

Theo đài quan sát nhân quyền Syria, trong 4 thường dân có 1 phụ nữ và 2 đứa con của cô.

Hiện tại, chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về 2 vụ nổ liên tiếp này. Tuy nhiên, nhóm khủng bố IS hoạt động khá tích cực tại al-Hasakah. Do đó, IS rất có thể là nhóm đứng sau 2 vụ nổ.

Căng thẳng giữa chính phủ Syria, lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và lực lượng người Kurd ở vùng đông bắc đã dẫn đến các vấn đề an ninh nghiêm trọng. Với những diễn biến leo thang ngày càng nghiêm trọng, ổn định tại khu vực này có lẽ còn phải rất lâu mới có. Nhóm khủng bố IS đang tận dụng căng thẳng này để phục vụ mục đích của chúng.

Thổ Nhĩ Kỳ gửi lượng lớn quân tiếp viện đến Tây Bắc Syria

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gửi tiếp viện đến Tây Bắc Syria. Ảnh minh họa

Theo một báo cáo hôm 2/1, Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tấn công bằng hỏa lực bắn tỉa gần thành phố quan trọng Al-Bab ở Đông Bắc Aleppo; Điều này khiến quân sau phải đáp trả bằng pháo hạng nặng vào các vị trí của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG).

Một số báo cáo hôm 3/1 cho biết, hàng chục binh sĩ đã được vận chuyển đến Tây Bắc Syria, khi họ được hộ tống bằng các phương tiện vũ trang hạng nặng có khả năng sẽ được sử dụng trong các cuộc tuần tra quân sự với các đối tác Nga ở Tây Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một số lượng lớn quân đội đến Tây Bắc Syria kể từ năm 2018, khi họ lần đầu tiên thiết lập các trạm quan sát ở các tỉnh Aleppo, Latakia, Hama và Idlib.

Gần đây nhất, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã rút khỏi một số trạm quan sát sau khi họ bị Quân đội Ả Rập Syria (SAA) bao vây vào đầu năm 2020.

Quân đội Ả Rập Syria hiện đang kiểm soát hoàn toàn các trạm quan sát này trước đây thuộc về Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Khủng bố IS yếu đi nhưng không tan biến

Tù nhân IS bị giam giữ tại miền bắc Syria. Ảnh: ZUMAPRESS

Hãng tin DW (Đức) cho biết nhà tù al-Hol ở miền bắc Syria có 64.000 tù nhân, hầu hết là công dân Syria, Iraq. Trong đó, còn có 9.500 tù nhân từ những nơi khác, bao gồm cả châu Âu. Trong nhiều tháng qua, giới chức an ninh đã yêu cầu giảm số tù nhân tại al-Hol, cảnh báo rằng nhiều tù nhân vẫn mang tư tưởng cực đoan và là mối đe dọa an ninh. Nếu những cá nhân này có thể trốn thoát, chúng nhiều khả năng lập tức tái gia nhập IS hoặc các tổ chức khủng bố khác.

Giáo sư Peter Neumann tại Đại học King’s College London (Anh) nhận định rằng IS đã mất phần lớn sức mạnh so với cách đây 5 năm. Ông Peter Neumann phân tích: “Có nhiều sức ép khiến chúng khó có thể tự tổ chức, mua vũ khí mới hoặc tuyển thêm thành viên”.

Nhà nghiên cứu Jassim Mohamad, người vận hành trang web www.europarabct.com cũng có quan điểm tương tự: “Ước tính từ chính phủ Iraq cho thấy vẫn tồn tại khoảng 3.500 phiến quân IS ở Iraq và khoảng 4.000 tên tại Syria. IS tại Iraq đã giảm mạnh về quy mô và hoạt động sau khi chúng bị đánh bật khỏi thành trì ở Syria cùng Iraq”.

Ông Mohamad cũng cho rằng IS đang cố gắng thu nhập thêm vũ khí nhưng chúng đã mất mạng lưới quan hệ cùng nguồn tài chính từ khắp nơi trên thế giới. Việc giao dịch tài chính của IS cũng bị giám sát chặt chẽ do vậy khả năng tài chính của chúng bị hạn chế. Theo ông Mohamad, điều này dẫn đến tình trạng IS giảm mạnh các chiến dịch trên khắp thế giới.

Giáo sư Peter Neumann nhấn mạnh rằng IS vẫn hoạt động ở châu Âu. Mặc dù đã đổi chiến thuật nhưng chúng không thể thực hiện hoạt động quy mô lớn hoặc dựa vào các thành viên có kinh nghiệm chiến đấu như vài năm trước. Thay vào đó, châu Âu xuất hiện những cuộc tấn công quy mô nhỏ do các cá nhân thực hiện.

Ông Neumann nêu rõ: “IS muốn cho thấy rằng chúng vẫn tồn tại và có thể tấn công. Chúng đang tìm động cơ mới, ví dụ như tranh cãi liên quan đến tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad”.

Việc tuyển dụng thành viên mới của chúng cũng dựa trên yếu tố đơn giản. Một vài video với hình ảnh mang tính gợi ý và âm nhạc sùng đạo là đã đủ để chiếm được lòng tin của một số kẻ hâm mộ.

Nhà nghiên cứu Jassim Mohamad cũng nhấn mạnh IS hiện diện ở Tây Phi và Bắc Phi bởi chúng lợi dụng bất ổn ở Libya.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-chien-su-syria-moi-nhat-ngay-41-hai-vu-no-kinh-hoang-tai-al-hasakah-a351490.html