Tình hình dịch virus corona ngày 30/5: Số ca nhiễm toàn cầu vượt 6 triệu người


Thứ 7, 30/05/2020 | 08:30


Cùng sự kiện

Tình hình dịch virus corona ngày 30/5: Số ca nhiễm toàn cầu vượt 6 triệu; "Tâm bão" Covid-19 dịch chuyển sang Mỹ Latinh; Đan Mạch, Na Uy đóng cửa với người Thụy Điển;...

Tình hình dịch virus corona ngày 30/5: Số ca nhiễm toàn cầu vượt 6 triệu; "Tâm bão" Covid-19 dịch chuyển sang Mỹ Latinh; Đan Mạch, Na Uy đóng cửa với người Thụy Điển;...

Theo số liệu cấp nhất trên trang worldometers, tính đến 14h ngày 30/5 (giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 6,035,353, trong đó có 366,928 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, 2,661,975 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hồi phục.

"Tâm bão" Covid-19 dịch chuyển sang Mỹ Latinh

Dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành tại khu vực Mỹ Latinh. Ảnh: Reuters

Mặc dù bùng phát muộn hơn phần còn lại của thế giới, nhưng đại dịch Covid-19 thực sự đang làm cho các nước Mỹ Latinh điêu đứng.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết khu vực Mỹ Latinh sẽ phải chờ đón những tuần lễ rất khó khăn phía trước, cảnh báo đây không phải là lúc có thể nới lỏng những hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus SARS-CoV-2 như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm, khi cũng là những nước có số ca mắc cao nhất khu vực.

Brazil - quốc gia bị tác động nặng nề nhất do Covid-19 tại khu vực sẽ chưa thuyên giảm vào tuần tới và vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.

Theo WHO, tâm dịch khu vực là Brazil sẽ có thể đạt tới con số cao nhất là 1.020 người tử vong mỗi ngày vào ngày 22/6 và tới ngày 4/8, quốc gia Nam Mỹ này có thể có tới 88.300 người chết do Covid-19, gấp 4 lần con số được ghi nhận chính thức cho tới thời điểm hiện nay.

Tại Peru, mặc dù là quốc gia Nam Mỹ đầu tiên áp đặt các hạn chế, nhưng hiện đang là vùng dịch lớn thứ hai của khu vực chỉ sau Brazil. Peru trong vòng 45 ngày (tính từ ngày 6/3), số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này đã lên đến gần 120.000 người.

Chính phủ Mexico đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, bắt đầu khởi động lại nền kinh tế với các hoạt động khai thác, xây dựng cũng như một số chuỗi cung ứng sản xuất ô tô ở Bắc Mỹ để tiếp tục hoạt động trong tuần này. Thế nhưng, PAHO cho rằng nước này sẽ vẫn phải chứng kiến sự gia tăng liên tục số ca mắc Covid-19 và đây không phải lúc để nới lỏng các hạn chế. Tình hình cũng được dự báo sẽ tương tự với El Salvador, Guatemala và Nicaragua.

Đan Mạch, Na Uy đóng cửa với người Thụy Điển

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: AFP

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 29/5 thông báo sẽ dỡ hạn chế nhập cảnh với công dân Na Uy, Iceland và Đức, từ 15/6. Công dân những nước này đến Đan Mạch có thể ghé thăm Copenhagen trong ngày nhưng không được ở lại qua đêm, còn tới những khu vực khác của đất nước sẽ phải đặt phòng trước và ở lại ít nhất 6 đêm.

"Đan Mạch và Thụy Điển có mối quan hệ gần gũi và vẫn tiếp tục mối quan hệ này trong tương lai", bà Frederiksen nói. Đan Mạch mong muốn "tìm ra giải pháp với nước láng giềng Thụy Điển", nhưng hai nước "có lập trường khác nhau về Covid-19 và điều này ảnh hưởng tới quyết định đóng, mở cửa biên giới".

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hôm 29/5 cũng tuyên bố Na Uy chỉ tiếp nhận công dân Đan Mạch trong thời điểm này, nhưng sẽ thảo luận với Thụy Điển, Phần Lan và Iceland cho phép công dân nhập cảnh trong thời gian tới.

Bà Solberg cho hay đã bàn bạc hai lần với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven nhưng Na Uy cuối cùng đã ký kết thỏa thuận song phương với Đan Mạch vì "chúng tôi có tình hình lây nhiễm tương tự, còn tình hình ở Thụy Điển lại khác hẳn".

"Rất khó để tìm ra giải pháp cho Thụy Điển, nhưng cũng có những vùng ở Thụy Điển có tỷ lệ lây nhiễm thấp mà chúng ta có thể tìm ra giải pháp", bà Solberg nói thêm.

Indonesia tung gói xây dựng hạ tầng 97 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế

Indonesia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto ngày 29/5 cho biết chính phủ nước này đã bổ sung 56 dự án mới, trong đó ưu tiên cho 5 khu công nghiệp, 13 dự án xây đập và 5 dự án sân bay. Gói kích cầu chiến lược quốc gia này cũng sẽ bao gồm các chương trình xã hội, y tế cũng như phát triển 5 khu du lịch.

Những dự án với số vốn ước tính lên tới 97 tỉ USD này có thể giúp Indonesia thoát khỏi tình trạng kinh tế đình trệ do Covid-19 gây ra. Bộ Tài chính Indonesia giảm dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2020 xuống một nửa, chỉ còn 2,3%, nhưng vẫn có nguy cơ tăng trưởng âm trong kịch bản xấu nhất.

Phát biểu trong một cuộc họp nội các, ông Widodo nhấn mạnh dù Indonesia đang phải đối mặt với đại dịch, nhưng vẫn phải triển khai các nghị sự chiến lược thiết yếu với quốc gia. Theo ông, điều quan trọng là ưu tiên hóa các dự án có tác động lớn đối với hồi phục kinh tế hậu Covid-19.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-dich-virus-corona-ngay-305-so-ca-nhiem-toan-cau-vuot-6-trieu-nguoi-a325332.html