Dự án sân bay 3,8 tỷ USD tại Campuchia bị nghi ngờ phục vụ mục đích quân sự cho Trung Quốc


Thứ 4, 16/09/2020 | 07:34


Dự án sân bay Dara Sakor trị giá 3,8 tỷ USD tại Campuchia hiện đang được tiến hành xây dựng bởi một công ty của Trung Quốc.

Dự án sân bay Dara Sakor trị giá 3,8 tỷ USD tại Campuchia hiện đang được tiến hành xây dựng bởi một công ty của Trung Quốc. 

Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại các quốc gia Đông Nam Á khi một nhà thầu của nước này phụ trách dự án sân bay Quốc tế Dara Sakor tại Campuchia. 

Đường băng dài 3.200m

Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã thông báo về dự án sân bay quốc tế kết hợp cảng biển Dara Sakor tại khu vực ven biển Campuchia. Công ty phụ trách dự án sân bay Dara Sakor là Tập đoàn Union Development thuộc kiểm soát của Bắc Kinh. 

Giai đoạn 1 của dự án Sân bay Dara Sakor sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Ảnh: SSCA

Ước tính, tổng số tiền đầu tư cho dự án này lên tới 3,8 tỷ USD với phần lớn số vốn đến từ công ty Trung Quốc. Theo đó, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 4,5 ha tại quận Botom Sakor (tỉnh Koh Kong) với đường băng dài 3.200m. Đây dự kiến sẽ là đường băng dài nhất tại sân bay Campuchia từ trước tới nay.

Bên cạnh đó, sân bay này có thể công suất khai thác tới 10 triệu lượt khách, gấp đôi công suất của sân bay Phmon Penh và gấp 40 lần lượt khách đến sân bay Sihanoukville, một điểm đến hút khách nhờ các khách sạn và sòng bài nổi tiếng, vào năm 2017. Sân bay quốc tế Dara Sakor còn sở hữu cảng biển sâu, chiếm 20% diện tích bờ biển Campuchia. 

Sân bay quốc tế Dara Sakor chạy dọc theo bờ biển phía Tây Nam của tỉnh Koh Kong, song song với Vịnh Thái Lan. Dự án này cách Thủ đô Phnom Penh 260km và nằm trong danh sách các dự án chính về năng lực sản xuất và hợp tác đầu tư giữa Campuchia và Trung Quốc. Khu vực xây dựng sân bay thuộc tầm kiểm soát của công ty Trung Quốc Tianjin Union với hợp đồng có thời hạn 99 năm. 

Lo ngại về mục đích quân sự

Sân bay Quốc tế Dara Sakor sẽ được phát triển để thành hệ thống lưu chuyển đường bộ, đường biển, đường hàng không và dịch vụ hậu cần tích hợp đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, nhiều lo ngại đã được đặt ra cho dự án này. Các nhà phân tích cho rằng, thiết kế của sân bay này tuân theo mục đích quân sự và sẽ được sử dụng cho cả dân sự lẫn quốc phòng. 

Trước đó, Mỹ đã cảnh báo về âm mưu quân sự hóa một số dự án cảng và sân bay của Trung Quốc tại Campuchia. 

Bên cạnh đó, quy trình đấu thầu dự án không được công bố rộng rãi và đã được trao vào tay nhà thầu Trung Quốc phụ trách với tỷ lệ ưu đãi cao. Theo đó, 1/3 tỷ lệ đất đai mà Campuchia cho phép và công ty Trung Quốc xây dựng đã được miễn tiền thuê trong một thập kỷ. Điều này được xem là vi phạm quy định của Campuchia. 

Đáng chú ý, năm 2019, Campuchia đã từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc tân trang lại các tòa nhà bổ sung trong Căn cứ Hải quân Ream, nơi Mỹ  từng cung cấp nguồn tài trợ của Mỹ cho một vài cơ sở. 

Ngày 15/9, Mỹ đã liệt Tập đoàn Union Development Group (UDG) của Trung Quốc vào danh sách đen vì cho rằng dự án sân bay quốc tế Dara Sakor của tập đoàn này được xây dựng trên khu đất bị chiếm giữ từ người dân địa phương, phá hoại môi trường, ảnh hưởng tới đời sống các cộng đồng tại khu vực này.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, dự án bao gồm việc xây dựng một sân bay quốc tế có thể tiếp nhận những máy bay lớn nhất thế giới, và có khả năng chuyển đổi phục vụ mục đích quân sự. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đã có "những báo cáo đáng tin cậy" rằng sân bay Dara Sakor có thể được sử dụng để lưu trữ các tài sản quân sự Trung Quốc.

Năm ngoái, tờ Wall Street Journal từng thông báo về việc Trung Quốc và Campuchia ký một thỏa thuận bí mật kéo dài 30 năm về việc sử dụng một căn cứ hải quân của Campuchia. Song phát ngôn viên của chính phủ Campuchia sau đó đã phủ nhận thông tin trên, nhấn mạnh đó là tin đồn vô căn cứ. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Sen cũng từng lên tiếng về các thông tin xoay quanh dự án sân bay Dara Sakor, khẳng định Campuchia phản đối mọi sự hiện diện quân sự của bên ngoài trên lãnh thổ nước này cũng như "bất kỳ sự đối đầu nó có khả năng kéo Campuchia vào một cuộc chiến tranh vũ trang". Chính phủ Phmon Penh khẳng định họ không có điều gì phải che giấu về mục đích thật sự của dự án  này. 

Minh Hạnh (Theo The Times, Khmer Times, Times Of India)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-san-bay-38-ty-usd-tai-campuchia-bi-nghi-ngo-phuc-vu-muc-dich-quan-su-cho-trung-quoc-a339138.html