Vì sao đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ không được trả lương dù đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng?


Thứ 6, 27/11/2020 | 12:15


Cùng sự kiện

Đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trên chính trường, song chỉ là một “nhân viên miễn phí” tại nhà Trắng, không được trả lương.

Đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trên chính trường, song chỉ là một “nhân viên miễn phí” tại nhà Trắng, không được trả lương.

Bà Jill Biden - vợ ông Biden dự kiến sẽ trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ. 

Như đã đưa tin, ngày 23/11, Giám đốc Cơ quan dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) tuyên bố nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden có thể bắt đầu các hoạt động theo một đạo luật năm 1963.

Ngày 20/1/2021, theo lịch trình, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ. Cùng với đó, bà Kamala Harris sẽ trở thành phó tổng thống.  Bà Jill Biden - vợ ông Biden sẽ trở thành đệ nhất phu nhân.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng bà Jill Biden sẽ không nhận được đồng lương nào từ cương vị mới này, mặc dù bà phải đảm đương nhiều trách nhiệm.

“Với đệ nhất phu nhân, chính phủ có một nhân viên miễn phí. Họ cũng bận không kém gì chúng tôi”, cố Tổng thống Ronald Reagan từng phát biểu.

Bạn đời của tổng thống Mỹ nắm giữ nhiều vai trò quan trọng trên chính trường: Tham dự các nghi lễ chính thức, tổ chức hoạt động xã hội, trở thành hình mẫu cho phái nữ... 

Nhiều đệ nhất phu nhân từng bỏ công việc bên ngoài Nhà Trắng để hỗ trợ chồng, duy trì trách nhiệm của đệ nhất phu nhân và đảm bảo vấn đề an toàn chung.

Bà Michelle Obama đã từ chối mức lương 212.000 USD/năm với tư cách giám đốc bệnh viện, hay bà Hillary Clinton phải gác lại công việc tại văn phòng luật để chuyển vào Nhà Trắng phò tá chồng. 

Bà Jill Biden sẽ tiếp tục giảng dạy nếu ông Biden nhận chức tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, sắp tới, bà Jill Biden sẽ là đệ nhất phu nhân đầu tiên xây dựng hình tượng theo cách riêng khi dự định trở thành đệ nhất phu nhân đầu tiên vừa theo đuổi sự nghiệp riêng và có một công việc được trả lương khi sống trong Nhà Trắng.

“Người Mỹ từng muốn các đệ nhất phu nhân phải ở trong Nhà Trắng và bên cạnh tổng thống bất cứ khi nào có thể. Có lẽ đã đến lúc người Mỹ cảm thấy thoải mái với việc phu nhân của tổng thống vừa giữ trọng trách của đệ nhất phu nhân vừa có công việc riêng của mình”, giáo sư lịch sử tại Đại học Ohio – ông Jellison cho biết.  

Trong khoảng thời gian là đệ nhị phu nhân dưới ông Obama, bà Biden vẫn duy trì công việc giảng dạy tại trường cao đẳng cộng đồng. Tiến sĩ 69 tuổi cũng mô tả bản thân là "nhà giáo suốt đời" trên Twitter.

"Hầu hết các đệ nhất phu nhân đều có lịch trình", ông Scott White, phó giáo sư Đại học George Washington chuyên về chống khủng bố và bảo vệ cơ sở hạ tầng, bình luận. "Họ sẽ làm việc ở Nhà Trắng và công du nước ngoài, có hành trình mỗi ngày. Tôi nghĩ nếu bà Biden tiếp tục dạy học, thì bạn đang nói về một thói quen mà kẻ thù có thể biết được bà ấy sẽ đi đâu trong những ngày nhất định...".

"Tôi nghĩ chắc chắn đó sẽ là một thách thức đối với Cơ quan Mật vụ, nhưng có thể quản lý được", ông White nói thêm.

Trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng trước Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng, ông Biden khen vợ mình là "một người mẹ quân nhân và một nhà giáo dục", nhấn mạnh rằng việc giảng dạy "không chỉ là những gì bà ấy đang làm, mà chính là bà ấy là ai".

"Đối với các nhà giáo dục của Mỹ, đây là một ngày tuyệt vời. Bạn sẽ có một thành viên của mình ở Nhà Trắng", ông Biden chia sẻ. 

Những nguyên tắc

Đệ nhất phu nhân Melania Trump. Ảnh: AP

Dù phải đảm đương nhiều trách nhiệm, đệ nhất phu nhân không được trả lương là bởi họ không được chính thức bầu ra. Vai trò đó được trao theo vị trí của người chồng. Bởi vậy, đệ nhất phu nhân không được coi là nhân viên chính thức của chính phủ.

Tuy nhiên, các đệ nhất phu nhân vẫn được giám sát 24/7. Họ sẽ sở hữu mật danh để bảo vệ hành tung cá nhân. Ví như bà Michelle Obama có tên là Renaissance, bà Melania Trump, đệ nhất phu nhân đương nhiệm, được gọi là Muse.

Ngoài ra, bạn đời của người quyền lực nhất xứ cờ hoa không được phép nhận quà tặng của chính phủ nước ngoài.

Xuất phát từ sự an toàn, các thành viên gia đình tổng thống không được phép tự ý mở cửa sổ trong nhà hay cửa kính ôtô. "Tôi nhớ những ngày hạ kính xe xuống để tận hưởng làn gió mát rượi. Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối tôi được làm điều đó. Đây sẽ là việc đầu tiên tôi làm ngay khi rời khỏi Nhà Trắng", bà Michelle Obama từng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện với Ellen DeGeneres. 

Nữ chủ nhân Nhà Trắng phải luôn gìn giữ truyền thống chọn chủ đề Giáng Sinh hàng năm. Không chỉ thể hiện tinh thần ngày lễ, việc làm này còn thể hiện khả năng tổ chức, sức sáng tạo và phong cách cá nhân của từng người.

Ví dụ như năm 1961, phu nhân Jackie Kennedy, bạn đời Cố Tổng thống Kennedy, là người khởi xướng trào lưu này với chủ đề "Chú lính Kẹp Hạt Dẻ". Tiếp nối truyền thống, năm 1995, phu nhân Hillary Clinton trang trí cây thông Noel dựa trên câu chuyện "Đêm trước Giáng Sinh".

Gần đây nhất, năm 2019, Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã khiến Nhà Trắng bừng sáng với chủ đề "Tinh thần nước Mỹ". 

Nhà Trắng được trang trí ngày Giáng sinh. Ảnh: Getty

Là nhân vật chịu trách nhiệm chính về mặt giao tế xã hội của Nhà Trắng, song chính phủ và người dân xứ cờ hoa lại không hy vọng các đệ nhất phu nhân can thiệp quá sâu về chính trị, điển hình là trường hợp của bà Hillary Clinton.

Dù có những sáng kiến tích cực và hoạt động năng nổ trên chính trường, cựu đệ nhất phu nhân thứ 42 của nước Mỹ lại không nhận được sự ủng hộ của công chúng. Trong thời gian tại vị, bà nhận về nhiều lời chỉ trích vì "lấn át chồng" và "quá cứng rắn".

Mộc Miên (Theo Metro, Guardian)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-de-nhat-phu-nhan-tong-thong-my-khong-duoc-tra-luong-du-dam-nhiem-nhieu-vai-tro-quan-trong-a347119.html