Vụ MH370: Chính phủ Malaysia đã để mất lòng tin như thế nào?


Thứ 6, 07/08/2015 | 06:46


Các gia đình hoàn toàn có quyền hoài nghi, ngay cả với thông báo của chính phủ hôm thứ Năm (6/8) rằng đã tìm thấy một cửa sổ và đệm ghế được cho là của máy bay MH370.

(ĐSPL) - Theo chuyên gia phân tích David Soucie của CNN, các gia đình hoàn toàn có quyền hoài nghi, ngay cả với thông báo của chính phủ hôm thứ Năm (6/8) rằng đã tìm thấy một cửa sổ và đệm ghế được cho là của máy bay MH370. 

Rạng sáng 6/8, Thủ tướng Chính phủ Malaysia hôm đã xác nhận rằng mảnh vỡ trôi dạt vào đảo Reunion chính là một phần của chiếc máy bay MH370 đã mất tích bí ẩn, và khẳng định kết quả này là “một bước đột phá lớn”.

Thủ tướng Najib Razak tuyên bố: "Mặc dù rất đau buồn nhưng tôi phải nói ra sự thật rằng, một nhóm chuyên gia quốc tế đã khẳng định chắc chắn mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion chính là của MH370.".

Công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay được chung sức bởi nhiều quốc gia, nhưng với tư cách là lãnh đạo của quốc gia nơi chuyến bay xuất phát, mọi phát ngôn của Thủ tướng Malaysia Najib Razak đều được trông đợi.

Thế nhưng, tại sao lại có một số gia đình nạn nhân phản ứng bằng thái độ hoài nghi, và thậm chí giận dữ với thông báo của chính phủ Malaysia?

"Tôi không tin vào điều đó. Thông báo này rất vô trách nhiệm", người thân của một nạn nhân bức xúc trao đổi với CNN.

Tin tức mới nhất rất đáng hoài nghi

Theo chuyên gia phân tích David Soucie của CNN, các gia đình hoàn toàn có quyền hoài nghi, ngay cả với thông báo của chính phủ hôm thứ Năm (6/8) rằng đã tìm thấy một cửa sổ và đệm ghế được cho là của máy bay MH370. Soucie nói rằng ông thấy những tin tức này "đáng ngờ", một phần bởi vì không ai trong số hàng trăm người tham gia vào việc tìm kiếm tìm thấy bất cứ điều gì cho đến khi người Malaysia đến.

Chính phủ Malaysia nhận lỗi trong những ngày ban đầu của vụ việc, ngày 11/4/2014

"Tất cả các nghiên cứu từ các mảnh vỡ đều cho thấy các mảnh vỡ văng ra nhanh và rộng," ông viết trong thư điện tử. "Liệu các mảnh vỡ với kích thước, trọng lượng và sức nổi đa dạng như vậy có thể dạt vào một hòn đảo nhỏ trong cùng một thời điểm? Thật đáng ngờ."

Chính phủ Malaysia chắc chắn đã sai lầm từ trước khi nói đến việc săn tìm máy bay MH370.

Trong một bài xã luận chỉ trích chính phủ Malaysia, chuyên gia phân tích hàng không của CNN, Les Abend đặt câu hỏi liệu họ có học được bài học từ những sai lầm trong quá khứ.

Ông viết: "Do khó khăn trong việc xử lý một sự kiện thảm khốc như vụ tai nạn máy bay, suy nghĩ lý trí thường bị phủ lấp. Việc đưa ra nhiều thông tin sai lệch chỉ làm tăng thêm sự thương đau. Sự nghi ngờ và giận dữ của thân nhân các nạn nhân là điều đương nhiên và dễ hiểu.".

Ông cũng đưa ra lời khuyên về cách mà các nước tham gia vào việc tìm kiếm có thể kết hợp hành động: "Hãy chỉ đưa ra sự thật, dù điều đó đồng nghĩa với việc thông tin chính xác đã bị giấu diếm trong một khoảng thời gian dài.".

Những nghi ngờ trở nên sâu sắc thêm sau khi một nhóm chuyên gia Pháp kiểm tra các mảnh vỡ cho biết đang tiến hành các xét nghiệm bổ sung để có thể khẳng định chắc chắn về mảnh vỡ.

Một thành viên gia đình khác cho biết: "Chúng tôi muốn nghe những kết luận chắc chắn 100\%... tức là từ công ty Boeing và các nhà điều tra Pháp. Chứ chúng tôi không muốn nghe những kết quả chính xác 99\% từ các nhà chức trách Malaysia, những người đang cố gắng kết thúc vụ việc này... vì bản thân họ chứ không phải vì các gia đình nạn nhân.".

[mecloud]KdS1UTeKog[/mecloud]

Những cáo buộc về sự sai sót, “bất tài”

Theo bài báo được đăng tải trên CNN, radar quân sự Malaysia bắt được dấu hiệu của những gì được cho là máy bay MH370, nhưng họ đã không nhận ra ngay.

Trong khi các dữ liệu radar là lý do quan trọng để mở rộng tìm kiếm về phía tây của Malaysia, đến ngày 11/3 - ba ngày sau vụ mất tích – các quan chức mới giải thích lý do tại sao họ tìm kiếm xa khu vực dự kiến ​​của máy bay như vậy. Trong khi đó, những nỗ lực tìm kiếm vẫn tiếp tục ở những nơi mà dữ liệu đã cho thấy không thể có được - Vịnh Thái Lan và Biển Đông.

Một báo cáo được đưa ra một tháng sau sự biến mất của máy bay cũng nhấn mạnh sự hỗn loạn trong liên lạc giữa các trung tâm kiểm soát không lưu và máy bay MH370 trong sáng hôm đó.

Điều này làm cho các quan chức không nhận ra rằng máy bay đã đi xa hàng trăm dặm ngoài khơi trong vài giờ và trì hoãn những nỗ lực tìm kiếm.

Thất bại trong việc chia sẻ thông tin

Một số quan chức Trung Quốc và Mỹ bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng, ngay từ đầu, Malaysia đã thất bại trong việc chia sẻ thông tin hoặc không chấp nhận hết những lời đề nghị giúp đỡ.

Trong một tuyến bố 8 ngày sau vụ mất tích, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng: “Thời gian là sự sống”.

Việc thiếu thông tin cụ thể đã “tạo cơ hội” cho đầy rẫy những suy đoán và thuyết âm mưu. Liệu có phải chiếc máy bay đã bị cướp? Liệu khủng bố có tham gia vào vụ việc? Có phải thực ra chiếc máy bay đã được đưa xuống một vùng đất nào đó?

Thân nhân đã nhận được tin nhắn thông báo “không có người sống sót”

Malaysia Airlines và chính phủ Malaysia đã khiến người nhà nạn nhân phẫn nộ khi 16 ngày sau vụ tai nạn, các gia đình nạn nhân nhận được tin nhắn nói rằng chiếc máy bay đã bị mất tích ở Nam Ấn Độ Dương, và rằng “không một ai trên chuyến bay còn sống sót”.

Hãng hàng không biện hộ cho cách giải quyết của mình. Họ nói rằng vụ việc đã được quan tâm sát sao để đảm bảo các gia đình có thể nghe tin tức trước khi thông tin về vụ việc được Thủ tướng chia sẻ với cả thế giới.

Tuy nhiên, thân nhân người bị nạn cho rằng Malaysia Airlines lẽ ra không nên truyền đạt tin khủng khiếp như vậy qua tin nhắn.

Sau khi thành viên của các gia đình nạn nhân giận dữ lên án rằng kết luận vẫn là quá sớm và thiếu những bằng chứng thuyết phục, quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông Hishammuddin Hussein nói với các phóng viên rằng ông đã không hoàn toàn từ bỏ hy vọng tìm thấy người sống sót.

Ông Hussein nói: "Mặc dù hi vọng là rất mong manh, chúng ta hãy cầu nguyện và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm tất cả những người có thể sống sót".

Sai lầm qua những lời nói cuối cùng từ buồng lái

Niềm tin của người dân bị hủy hoại từ những tuyên bố đầy mâu thuẫn của Chính phủ.

Ngày 17/3, các nhà chức trách Malaysia công khai xác nhận những lời cuối cùng từ buồng lái là "Được rồi, chúc ngủ ngon.".

Một câu nói này tiếp tục trở thành một vấn đề làm đau đầu các nhà điều tra. Sau những ngày chịu sự hối thúc từ các phóng viên, các gia đình nạn nhân, họ đã công bố một bản ghi chép cuối cùng được cho là chính xác, trong đó đính chính lại những lời cuối cùng từ buồng lái thực chất là: “Goodnight Malaysian three seven zero” (tạm dịch: Ngủ ngon nhé MH370).

Rõ ràng, các quan chức Malaysia đã diễn đạt không đúng bản gốc, để thông tin kéo dài gần hai tuần, sau đó, họ bất ngờ đảo ngược hướng giải quyết khi thông báo rằng họ sẽ không công khai các bản ghi nữa vì vai trò quan trọng của chúng đối với việc điều tra.

Các quan chức cũng lưỡng lự về việc tín hiệu được gửi từ cơ phó Fariq Abdul Hamid hay phi công Zaharie Ahmad Shah trước khi đưa ra kết luận cuối cùng là phi công Zaharie Ahmad Shah đã gửi tín hiệu.

Nghi ngờ về chứng cứ, sự minh bạch

Ngay từ đầu, các gia đình của những người mất tích đã phàn nàn về sự thiếu minh bạch thông tin từ chính phủ Malaysia và hãng hàng không Malaysia Airlines. Thân nhân người bị nạn cũng giận dữ cáo buộc chính quyền về sự cố tình chậm trễ trong việc tìm kiếm.

Các gia đình nạn nhân đã chỉ trích những thông tin cập nhật của hãng hàng không là không thường xuyên và sự hỗ trợ là không thỏa đáng, bao gồm cả việc đề nghị mức hỗ trợ 5000 USD cho mỗi nạn nhân trên chuyến bay xấu số.

PHƯƠNG PHƯƠNG 

[mecloud]e1tAoWzqQx[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-mh370-chinh-phu-malaysia-da-de-mat-long-tin-nhu-the-nao-a105218.html