Xác định thủ phạm gây ra hàng loạt vụ cháy tại rừng Amazon?


Thứ 2, 26/08/2019 | 09:10


Cùng sự kiện

Các tổ chức và nhà nghiên cứu môi trường cho biết các đám cháy đang tàn phá rừng mưa Brazil là do người chăn thả gia súc và người đốn gỗ muốn tận dụng đất rừng.

Các tổ chức và nhà nghiên cứu môi trường cho biết các đám cháy đang tàn phá rừng mưa Brazil là do người chăn thả gia súc và người đốn gỗ muốn phát quang để tận dụng đất rừng.

Cháy rừng Amazon gây hậu quả nặng nề cho biến đổi khí hậu. Ảnh: Alamy

Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Brazil (INPE) cho biết số đám cháy ở Brazil năm nay cao hơn năm 2018 tới 80%. Hơn một nửa xảy ra ở khu vực Amazon, gây thảm họa cho hệ sinh thái và môi trường trong khu vực.

Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles nói ngày 21/8 trên Twitter rằng cháy rừng là do thời tiết khô, gió và nóng. Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng co rằng cháy rừng ở Amazon chắc chắn do con người gây ra.

Ông Alberto Setzer, nhà khoa học cấp cao tại INPE cho biết 99% đám cháy là hậu quả của con người, dù là cố tình hay vô tình. 

Ông Christian Poirier, Giám đốc chương trình tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch cũng cho biết thậm chí cả trong mùa khô, rừng Amazon ẩm ướt không dễ bắt lửa như những vùng đất hoang nhiều bụi rậm khô cằn ở California hay Australia.

“Nông dân và người chăn thả gia súc từ lâu đã dùng lửa để phát quang đất và có thể họ là thủ phạm gây ra những đám cháy bất thường ở Amazon những ngày gần đây”, ông Christian Poirier nói.

Mark Cochrane, chuyên gia về cháy rừng và sinh thái học từ ĐH Maryland cũng chung quan điểm trên: "Cháy rừng có thể do sấm sét, nhưng về cơ bản không phải là hiện tượng tự nhiên của một khu rừng mưa nhiệt đới. Tất cả những đám cháy này đều là do con người”.

Phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (JPL) của NASA mới đây công bố hình ảnh từ vệ tinh Aqua, cho thấy mức độ nghiêm trọng của những cột khói từ vụ cháy này. Theo dõi lượng CO tại độ cao 5.500 m từ ngày 8-22/8, bản đồ này cho thấy những khu vực có mật độ khí CO cao đã lan rộng như thế nào trong 2 tuần.

Bản đồ cho thấy vị trí của tất cả các vụ cháy rừng tại Brazil từ ngày 13/8. Ảnh: Global Forest Watch.

Trong thực tế, mật độ khí CO như vậy chưa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, nhưng có thể đem lại ảnh hưởng lâu dài. Theo Ủy ban an toàn người tiêu dùng của Mỹ (CPSC), mật độ khí CO trên 70.000 ppbv bắt đầu là mức nguy hiểm với con người, có thể gây đau đầu, chóng mặt.

Khi mật độ duy trì ở mức 150.000-200.000 ppbv, con người có thể choáng, mất ý thức và chết vì khí CO.

Hầu hết các đám cháy chủ yếu do chính các nông dân châm lên, nhằm chuẩn bị cho vụ mùa trong năm tiếp theo. Theo ĐH Maryland (Mỹ), đây vốn là hành vi thường thấy trong ngành nông nghiệp Brazil. Như bức hình dưới đây là một ví dụ, cho thấy đám khói bốc lên từ các khu vực nông nghiệp của Amazon.

Đám khói bốc lên từ các khu vực nông nghiệp của Amazon. Ảnh vệ tinh

Vấn đề nằm ở chỗ phần lớn đất nông nghiệp hiện tại được tạo ra "nhờ" việc chặt phá rừng Amazon trong nhiều năm. "Hầu hết chỗ đất này trước đó vốn là rừng," - Matthew Hansen, trưởng nhóm nghiên cứu tại ĐH Maryland.

"Rừng mưa đang ở đó, và rồi bỗng nhiên tất cả chuyển thành một rừng... đậu nành với ngô."

Biểu đồ dưới đây cũng là một bằng chứng khó mà chối cãi. Nó cho thấy tần suất cháy rừng theo từng tháng xuyên suốt rừng mưa Amazon theo từng năm kể từ 2011. Có thể thấy, cháy rừng xảy ra chủ yếu vào mùa khô - giai đoạn tháng 8 đến tháng 10, trùng với thời điểm nông dân chuẩn bị trồng vụ mới.

Cháy rừng tăng dần theo từng năm, nhiều nhất vào các tháng mùa khô.

Trong bài phân tích của New York Times có chỉ ra rằng khả năng bảo vệ rừng của các cơ quan môi trường Brazil đã giảm 20% trong 6 tháng đầu năm, khi so với cùng kỳ năm 2018.

Sau nhiều ngày hứng chịu chỉ trích của dư luận địa phương lẫn quốc tế, tổng thống Bolsonaro đã phải xuống nước, tuyên bố điều quân đội tới để chống lại giặc lửa, và thực thi các đạo luật về môi trường.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xac-dinh-thu-pham-gay-ra-hang-loat-vu-chay-tai-rung-amazon-a290344.html