+Aa-
    Zalo

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 6/6: Google, Facebook thoát ‘gánh nặng’ tại châu Âu

    (ĐS&PL) - Google, Facebook thoát ‘gánh nặng’ tại châu Âu; Thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát điện thoại bằng tin nhắn iMessage.... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 6/6/2023.

    Google, Facebook thoát ‘gánh nặng’ tại châu Âu

    Tuần trước, tại cuộc họp với uỷ viên thị trường nội khối EU Thierry Breton, các bộ trưởng viễn thông của 18 quốc gia thành viên đã bác bỏ đề xuất đánh thuế mạng lưới đối với các công ty công nghệ, cho rằng việc này là không cần thiết.

    Trước đó, các nhà mạng Deutsche Telekom, Orange, Telefonica và Telecom Italia đưa ra yêu cầu những công ty công nghệ lớn phải gánh một phần chi phí mạng lưới với lý do dữ liệu và nội dung của họ chiếm phần lớn lưu lượng mạng.

    Các nhà mạng này nhận được sự đồng ý xem xét đề xuất từ Breton, người đứng đầu ngành của Uỷ ban châu Âu (EC), cũng là cựu giám đốc điều hành France Telecom và công ty tư vấn công nghệ thông tin Atos (Pháp).

    Phản ứng trước đề xuất trên, Alphabet (công ty mẹ Google), Apple, Meta (công ty mẹ Facebook), Netflix, Amazon và Microsoft khẳng định không đồng ý với ý tưởng đóng thuế mạng lưới, lập luận rằng họ đã đầu tư chi phí vào hệ sinh thái kỹ thuật số.

    Trong khi đó, các bộ trưởng viễn thông EU nói rằng không có phân tích rõ ràng nào về tác động của thuế mạng lưới đối với sự thiếu hụt đầu tư và nguy cơ chi phí này bị đổ dồn cho người tiêu dùng.

    Họ cũng cảnh báo về khả năng vi phạm các quy tắc đảm bảo Internet là nền tảng mở, không phân biệt đối xử (net-neutrality), làm xuất hiện rào cản đối với sáng tạo đổi mới và chất lượng sản phẩm.

    tin tuc cong nghe moi nong nhat hom nay 6 6 2023 google facebook thoat ganh nang tai chau au
    Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 6/6/2023: Google, Facebook thoát ‘gánh nặng’ tại châu Âu. Ảnh minh họa

    Thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát điện thoại bằng tin nhắn iMessage

    Các chuyên gia của Kaspersky mới đây đã phát hiện một chiến dịch tấn công APT (Advanced Persistent Threat) nhắm mục tiêu vào các thiết bị iOS (iPhone, iPad, MacBook). Cụ thể, nền tảng phân tích và giám sát do Kaspersky phát triển nhận thấy hàng chục nhân viên sử dụng thiết bị iOS của chính Kaspersky đang bị tấn công mạng cùng lúc.

    Với tên gọi 'Operation Triangulation', chiến dịch này phát tán các tin nhắn khai thác không cần nhấp (zero-click) thông qua iMessage, với mục đích để chạy phần mềm độc hại nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với thiết bị và dữ liệu người dùng.

    Trình tự của cuộc tấn công này là nạn nhân sẽ nhận được một tin nhắn qua iMessage với tệp đính kèm chứa khai thác zero-click. Tin nhắn này tự động kích hoạt một lỗ hổng dẫn đến việc thực thi mã để leo thang đặc quyền mà không cần sự tương tác từ nạn nhân. Mục tiêu cuối cùng của kẻ xấu là bí mật theo dõi người dùng.

    Sau khi kẻ tấn công thiết lập thành công sự hiện diện của chúng trên thiết bị, tin nhắn sẽ tự động bị xóa. Phần mềm gián điệp lặng lẽ truyền thông tin cá nhân của người dùng đến các máy chủ từ xa, bao gồm bản ghi âm, ảnh từ ứng dụng nhắn tin nhanh, định vị địa lý và dữ liệu về một số hoạt động khác của chủ sở hữu thiết bị.

    Trong quá trình phân tích, chuyên gia Kaspersky xác nhận không có dữ liệu khách hàng hoặc các quy trình quan trọng của công ty bị ảnh hưởng. Những kẻ tấn công chỉ có thể truy cập dữ liệu được lưu trữ trên các thiết bị bị nhiễm. Kaspersky là công ty đầu tiên phát hiện ra tấn công này, nhưng có thể sẽ không phải là mục tiêu duy nhất.

    Cái giá hàng tỷ USD khi cấm Huawei

    Theo tính toán của các nhà mạng viễn thông, công ty tư vấn và giới chức nhiều nước, quá trình thay thế thiết bị viễn thông Huawei đã lắp đặt khiến Mỹ và đồng minh tiêu tốn 10 tỷ USD. Tác động tiêu cực đến kinh tế do chậm triển khai 5G sẽ nhân lên 2-3 lần, trong khi chi phí có thể tiếp tục tăng do đối thủ của Huawei đưa ra mức giá triển khai mạng 5G cao hơn trong vòng 10 năm.

    Khi chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen năm 2019, Hiệp hội viễn thông di động toàn cầu GSMA ước tính việc cấm thiết bị Trung Quốc có thể làm kế hoạch triển khai mạng 5G ở châu Âu bị chậm 18 tháng và đội lên thêm 59 tỷ USD. Nghiên cứu được Viện Kinh tế Oxford tiến hành tại Mỹ, Anh, Australia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ cho thấy loại bỏ thiết bị Huawei khiến kinh phí đầu tư vào mạng 5G tăng 16-19%, dẫn tới sụt giảm 105,5 tỷ USD trong GDP các nước này trong giai đoạn 2020-2035.

    Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) năm 2022 thông báo với quốc hội nước này rằng gỡ thiết bị Huawei và ZTE sẽ tiêu tốn 5 tỷ USD. Trong khi đó, Viện Kinh tế Oxford ước tính ảnh hưởng lâu dài đến GDP của Mỹ sẽ khoảng 35,8 tỷ USD.

    Hồi tháng 3, tạp chí chuyên ngành Light Reading nhận định tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom sẽ mất 6 tỷ USD và 5 năm để xóa sổ thiết bị Huawei. Trong tổng số 134.000 ăng-ten 5G triển khai ở Đức, có hơn 80.000 do Huawei cung cấp.

    Những thống kê trên chưa tính đến doanh số sụt giảm vì lệnh hạn chế bán chip bán dẫn và các sản phẩm khác cho Huawei, có thể lên tới hàng chục tỷ USD.

    Thiết bị viễn thông Huawei thường rẻ hơn 20-30% so với đối thủ, giúp hãng giành thị phần ở châu Âu, quê nhà của các công ty lớn như Nokia và Ericsson. Nhưng chi phí chỉ là một phần lợi thế với Huawei. Thành công của hãng cũng dựa trên sản phẩm chất lượng cao, đôi khi vượt thiết bị do phương Tây sản xuất.

    Hoàng Yên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-cong-nghe-moi-nong-nhat-hom-nay-6-6-2023-google-facebook-thoat-ganh-nang-tai-chau-au-a577812.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan