+Aa-
    Zalo

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 7/11: Xiaomi giới thiệu phiên bản quốc tế của Mi CC9 Pro camera 108MP

    • DSPL
    ĐS&PL Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 7/11/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 7/11/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Xiaomi giới thiệu phiên bản quốc tế của Mi CC9 Pro camera 108MP

    Xiaomi giới thiệu phiên bản quốc tế của Mi CC9 Pro camera 108MP. Ảnh: Xiaomi

    Xiaomi vừa giới thiệu smartphone Mi Note 10, phiên bản quốc tế của Mi CC9 Pro camera khủng ra mắt một ngày trước đó.

    Tên quốc tế của Mi CC9 Pro sẽ là Mi Note 10. Giữa hai bản có chút khác biệt về giá bán và dịch vụ Google. Ngoài ra, Xiaomi còn úp mở về Xiaomi Mi Note 10 Pro, bản quốc tế của Xiaomi Mi CC9 Pro Premium Edition.

    Mi Note 10 trang bị màn hình giọt nước Super AMOLED 6.47 inch độ phân giải Full HD+,  cảm biến vân tay dưới màn hình. Xiaomi cho biết đây là cảm biến thế hệ mới và mỏng hơn 88% so với trước đây. Bên trong là chip Snapdragon 730G, 6GB RAM. Phiên bản đầu tiên bán tại châu Âu dùng bộ nhớ 128GB, không có khe cắm thẻ nhớ microSD.

    Cụm camera 5 ống kính phía sau là điểm nổi bật của Mi Note 10. Chúng bao gồm camera chính 108MP cảm biến Samsung ISOCELL Bright HMX 1/1.33 inch kết hợp với ống kính 7P, camera tele 5MP zoom quang 5x, camera 12MP zoom 2x, camera góc rộng 20MP và camera macro cho phép chụp từ khoảng cách 1,5cm – lần đầu tiên có mặt trên smartphone. Camera selfie dùng ống kính 32MP f/2.0.

    Xiaomi Mi Note 10 dùng pin 5.260mAh, hỗ trợ sạc nhanh 30W nhưng không có sạc không dây. Nó cũng thiếu tính năng chống nước IP nhưng ít nhất còn có hồng ngoại để điều khiển thiết bị điện tử khác. Máy có ba màu xanh lá cây, trắng và đen. Giá của Mi Note 10 tại châu Âu là 549 EUR (14,11 triệu đồng).

    Mỹ buộc tội 2 nhân viên Twitter làm gián điệp cho Saudi Arabia

    Tòa án tại San Francisco cáo buộc hai nhân viên Twitter đã làm việc cho gia đình hoàng gia Saudi Arabia. Ảnh: AP

    Các công tố viên Mỹ cho biết, chính phủ Saudi Arabia đã tuyển dụng hai nhân viên của Twitter để lấy thông tin từ các tài khoản cá nhân của những người chỉ trích chính quyền Riyadh.

    Một bản cáo trạng của một tòa án ở San Francisco nêu rõ, các quan chức chính phủ Saudi Arabia đã tuyển dụng hai nhân viên của Twitter để tìm kiếm dữ liệu cá nhân của hàng ngàn tài khoản trên mạng xã hội này.

     Các thông tin này liên quan đến những người thường xuyên chỉ trích công khai chính quyền Riyadh với tài khoản Twitter có hơn 1.000.000 lượt người theo dõi và thường xuyên đăng tải các tin tức liên quan đến đất nước này.

    Bản cáo trạng cũng cho rằng, trên thực tế, hai nhân viên này không cần quyền truy cập vào các thông tin cá nhân của người dùng. Họ bị buộc tội làm gián điệp cho Saudi Arabia.

    Đổi lại việc bán thông tin cho hoàng gia Saudi Arabia, hai người này đã được tặng một chiếc đồng hồ được thiết kế riêng và hàng chục ngàn USD được chuyển vào các tài khoản ngân hàng bí mật.

    Hiện nay, chính quyền Saudi Arabia chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

    Twitter xác nhận họ đang hợp tác điều tra với các cơ quan chức năng và tuyên bố sẽ giới hạn việc tiếp cận các thông tin nhạy cảm "trong một nhóm hạn chế các nhân viên được đào tạo và kiểm tra đặc biệt".

    "Chúng tôi hiểu những rủi ro khó có thể tưởng tượng được mà nhiều người dùng Twitter phải đối mặt khi chia sẻ quan điểm của họ với thế giới", tuyên bố của công ty này cho biết. Twitter cũng "có những công cụ được dùng để bảo vệ sự riêng tư và năng lực thực hiện các công việc quan trọng của người dùng".

    Ông Ahmad Abouammo, người từng quản lý quan hệ đối tác truyền thông của Twitter tại khu vực Trung Đông, đã bị buộc tội làm sai lệch các tài liệu và đưa ra các tuyên bố sai sự thật để cản trở quá trình điều tra của FBI. Với tội danh này, ông có thể bị tuyên phạt đến 30 năm tù.

    Sau phiên xét xử tại tòa án liên bang ở Seattle hôm 6-11, nghi phạm Abouammo tiếp tục bị tạm giam trong thời gian chờ đến phiên tòa tiếp theo diễn ra hai ngày sau đó.

    Các nhà điều tra còn cáo buộc rằng, ông Ahmed Almutairi - một cố vấn truyền thông xã hội cho gia đình hoàng gia Saudi Arabia - đã tuyển dụng một kỹ sư của Twitter tên Ali Alzabarah. Hai người đã gặp nhau ở thủ đô Washington, cùng thời gian ông Almutairi gặp gỡ một thành viên của gia đình hoàng gia Saudi.

    "Trong vòng một tuần kể từ khi trở về San Francisco, ông Alzabarah đã bắt đầu truy cập vào thông tin cá nhân người dùng Twitter mà không được cấp phép", bản cáo trạng nêu rõ.

    Theo các báo cáo điều tra, các nỗ lực phạm tội bao gồm việc tiếp cận dữ liệu của hơn 6.000 người dùng Twitter, trong đó bao gồm ít nhất 33 tài khoản mà chính quyền Riyadh từng yêu cầu mạng xã hội này công khai thông tin khẩn cấp.

    Nghi phạm Alzabarah thừa nhận đã truy cập vào dữ liệu người dùng nhưng cho biết anh chỉ làm điều đó vì tò mò.

    Người này đã được yêu cầu tạm dừng công tác, bị tịch thu máy tính cá nhân phục vụ công việc và được dẫn ra khỏi văn phòng. Ngày hôm sau, nghi phạm này đã bay sang Saudi Arabia cùng vợ và con gái và đến nay vẫn chưa trở về Mỹ.

    Huawei chưa có đàm phán với công ty Mỹ về bản quyền công nghệ 5G

    Huawei chưa có đàm phán với công ty Mỹ về bản quyền công nghệ 5G. Ảnh: Getty

    Ngày 6/11, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei Nhậm Chính Phi cho biết hãng này chưa hề có bất cứ cuộc đàm phán trực tiếp nào với các công ty Mỹ về việc cấp phép bản quyền công nghệ mạng 5G.

    Trước đó vào tháng 10, một giám đốc của Huawei nói với Reuters rằng công ty này đang đàm phán giai đoạn đầu với một số công ty viễn thông của Mỹ về việc cấp phép cho công nghệ của họ nhưng cảnh báo rằng tất cả vẫn đang ở giai đoạn đầu và có thể sẽ mất nhiều thời gian để đi đến tuyên bố cuối cùng.

    Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hai tờ báo Mỹ là New York Times và The Economist, vào tháng 9, ông Nhậm Chính Phi đã lần đầu tiên nêu ra ý tưởng về việc bán quyền truy cập vào các bằng sáng chế, giấy phép, mã nguồn và bí quyết 5G của Huawei với các công ty bên ngoài.

    "Hiện tại không có công ty Mỹ nào nói chuyện trực tiếp với chúng tôi, bởi những người trung gian đến nói chuyện không nhất thiết phải đại diện cho các công ty lớn của Mỹ, vì đây là một lời đề nghị lớn và khó khăn," ông Nhậm nói trong một cuộc trò chuyện được phát trên hệ thống truyền thông của Huawei.

    "Chỉ đến khi ai đó sẵn sàng đến và thảo luận vấn đề này với chúng tôi, chúng tôi mới tìm một ngân hàng đầu tư để giúp chúng tôi tìm một trung gian để thảo luận về thỏa thuận, hợp đồng và hợp tác. Nhưng tới nay tất cả vẫn chưa có gì."

    Lo ngại thiết bị của Huawei có thể bị Trung Quốc sử dụng để làm gián điệp, Chính quyền Mỹ đã liệt nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vào "danh sách đen" thương mại, cấm mua các bộ phận do Mỹ sản xuất đồng thời gây sức ép với các đồng minh để ra các lệnh cấm tương tự.

    Mỹ cũng đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với Huawei như gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và trộm cắp bí mật thương mại.

    Huawei đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này.

    Ông Nhậm cho biết công ty của ông đã đối phó tốt với "danh sách đen" và Huawei đang tiếp tục đổi mới mà không có sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, ông hy vọng lệnh cấm vận này sẽ không phải là vấn đề lâu dài.

    Nhà sáng lập Huawei cho biết công ty dự kiến sẽ bán 240-250 triệu điện thoại thông minh trong năm nay.

    Huawei cho biết tháng trước rằng họ đã bán được hơn 200 triệu điện thoại trong năm tài chính tính đến ngày 23/10, cột mốc đạt sớm hơn hai tháng so với năm 2018.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-cong-nghe-moi-nong-nhat-hom-nay-711-xiaomi-gioi-thieu-phien-ban-quoc-te-cua-mi-cc9-pro-camera-108mp-a299887.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan